Ông Daeng Abu được mệnh danh là Robinson Crusoe ngoài đời thực cùng vợ là bà Daeng Maida đã có 40 năm sinh sống trên hòn đảo hoang Pulau Cengkeh (thuộc quần đảo Clove, Indonesia), từ năm 1972. Hòn đảo có bờ cát trắng trải dài nằm ngoài khơi bờ biển Sulawesi.
Ông Daeng Abu và bà Daeng Maida sống trên hoang đảo từ năm 1972. |
Hai ông bà không nhớ rõ mình bao nhiêu tuổi khi kết hôn gần Pulau Pala (đảo Nutmeg). Ông Abu cho rằng lúc đó ông khoảng hơn 20 tuổi, còn bà Maida nói đó là vào mùa khô. Cuộc sống vợ chồng bắt đầu bằng việc ông dựng căn nhà nhỏ từ tre và lá cọ. Abu có thể lặn sâu tới 25 m xuống lòng biển để mò trai và bào ngư khổng lồ, đi đánh cá kiếm ăn trong những chuyến kéo dài một tuần xung quanh các đảo. Maida ở nhà, nấu nướng và đan lát. Hết mùa khô qua mùa mưa, nhiều lúc họ chỉ ăn cá hoặc ăn cơm. Hai vợ chồng sinh được 6 người con nhưng 5 người chết vì bệnh tật khi đều chưa tròn 1 tuổi. Sakká là người con duy nhất còn sống.
Sống trên hoang đảo
Abu nhận thấy cơ thể xuất hiện những biểu hiện lạ, nặng nề và mệt mỏi. Trong một đêm tối, ông quyết định chèo thuyền đến thành phố Makassar để khám bệnh. Bác sĩ chẩn đoán ông bị mắc bệnh kusta (thuật ngữ địa phương để chỉ bệnh phong), có thể sẽ dẫn tới mất cảm giác ở tứ chi, không thể đánh bắt cá hay lặn biển. Điều đó đồng nghĩa gia đình ông sẽ chết đói.
Ngay sau đó, năm 1972, chính quyền kêu gọi tình nguyện viên đến sống tại Pulau Cengkeh để chăm sóc loài rùa trên đảo hoang, nơi cách đảo Pulau Pala hai vợ chồng đang ở một giờ đi tàu. Không ai muốn nhận công việc nơi hoang đảo, nhưng Abu lại cảm thấy Cengkeh sẽ là nơi thích hợp giúp ông thoát khỏi sự kỳ thị của xã hội đối với bệnh nhân phong cũng như tránh lây nhiễm cho người khác. Bởi thế, vợ chồng ông đã nhận công việc này. Tiền trợ cấp sẽ giúp họ duy trì cuộc sống và chữa bệnh.
Sau khi quyết định, ông tháo gỡ căn nhà cũ, mang lên thuyền, dời sang đảo Cengkeh. Không chỉ là hoang đảo, Cengkeh nổi tiếng bởi những hồn ma ám ảnh khiến chẳng một ai dám bén mảng. Gia đình Daeng cho biết đến nay họ vẫn nghe thấy tiếng khóc và tiếng vỗ tay của các hồn ma trên đảo. Khi vợ chồng Abu đặt chân tới, nơi đây chỉ có bãi cát trải dài, không chỗ tránh nắng trú mưa. Abu bắt đầu gieo hạt trồng cây, sau này mọc thành bóng mát, dây leo chằng chịt. Các thế hệ rùa trên đảo ngày càng sinh sôi nảy nở dưới sự chăm sóc của hai vợ chồng.
"Người hùng mù" của những chú rùa
Cặp vợ chồng cần mẫn chăm sóc những chú rùa con và thả chúng về biển. |
Hàng nghìn hòn đảo trải suốt 5.000 km dọc xích đạo ở Indonesia tạo nên một trong những rặng san hô đa dạng và rộng nhất thế giới, trong đó hơn 80% đang bị đe dọa. Sự tồn tại của loài rùa rất cần thiết để bảo vệ hệ sinh thái bằng cách ăn các loài tảo có hại và bọt biển để san hô tiếp tục sống khỏe mạnh. Không chỉ có sự biến mất của loài rùa, việc đánh bắt cá bằng thuốc nổ hay thuốc độc cũng đe dọa môi trường biển nghiêm trọng.
Abu nay đã trở thành người có tiếng nói và hiểu biết trong cụm quần đảo này. Cengkeh không còn bị cô lập hoàn toàn như trước. Người đàn ông mù đang tuyên truyền cho các ngư dân và những người tham quan đảo rằng giết chết hệ sinh thái ở rạn san hô đồng nghĩa đặt dấu chấm hết cho việc đánh bắt. Thỉnh thoảng, ông vẫn trình báo các trường hợp "đánh cá bằng thuốc nổ" cho cảnh sát, thường xuyên vận động ngư dân từ bỏ hình thức đánh bắt này. Rạn san hô đảo Cengkeh vẫn may mắn nguyên vẹn như lần đầu tiên ông lặn xuống cách đây 60 năm.
Một vài năm trước, cặp vợ chồng suýt chết vì khát khi nước ngọt không kịp vận chuyển lên đảo. Tuy điều kiện sống khó khăn, họ vẫn cần mẫn làm việc, yêu thương nhau, sống yên bình không rời đi. Tổ chức phi chính chủ Dompet Dhuafa dựng nhà trên đảo dành tặng cho những nỗ lực trong công việc mà vợ chồng ông Abu đã cống hiến. Đồng thời, cùng chung sức bảo vệ môi trường sinh thái tại các rạn san hô.
Ông Abu luôn biết ơn và cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống trên hoang đảo. |
"Tôi sẽ không thay đổi bất kỳ điều gì Chúa trời đã mang đến cho tôi", Abu nói. "Tôi rất hạnh phúc, yên bình. Mọi thứ. Kể cả bệnh tật, đều là món quà của Chúa".
Để tới đảo Cengkeh, bắt taxi từ thị trấn Pangkep, phía bắc Makassar để đến cảng Maccini Baji. Từ đây bạn có thể thuê thuyền đánh cá để tới Cengkeh.
Xem thêm Tục lệ mặc áo mới cho người chết ở Indonesia
Như Bình (theo BBC)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét