Nghe thầy tướng số nói gương mặt không hài hòa với mí sụp, mũi diều hâu, môi mỏng khó giữ chồng, chị Mỹ Tâm quyết định phẫu thuật thẩm mỹ.
Bốn tháng trước, người phụ nữ 35 tuổi ở Hà Nội chi 100 triệu đồng để chỉnh lại dáng mắt, mũi sau tiêm chất làm đầy vào má, cằm. Hôm đó về nhà với gương mặt sưng phù, chồng chị cuống quýt tưởng vợ bị tai nạn còn con trai khóc thét không theo mẹ.
"Ngỡ sẽ thay tướng sẽ đổi vận nhưng chưa kịp cắt chỉ, vết thương chưa phục hồi lại phát hiện chồng ngoại tình", Tâm nói.
Kiều Ly, 33 tuổi, ở Hải Phòng thừa nhận mình "hơi duy tâm" bởi làm kinh doanh. Cách đây gần chục năm, một lần được thầy bói phán khuôn mặt chị "đang phá tướng", không giữ được của cải, phải sửa lại để "mũi cao hứng lộc mới buôn may bán đắt".
"Hồi đó tôi chi 30 triệu đồng để nâng mũi bằng sụn tai", Ly kể. Sau khi sửa, công việc kinh doanh bất động sản đang chật vật bỗng nhiên khách hàng tăng, thu nhập cải thiện đáng kể.
Việc kinh doanh bắt đầu chậm lại khi Covid-19 bùng phát. Hy vọng hết dịch sẽ cải thiện nhưng tình hình không khả quan, giữa năm 2023 Ly tiếp tục tìm đến thầy tử vi. Lần này, thầy phán "dáng mũi đi xuống, cánh mũi mỏng, lộ lỗ mũi, khó giữ được lộc".
Chị quyết định sửa mũi lần thứ hai tại một thẩm mỹ viện ở Hà Nội với chi phí 60 triệu đồng. Nhưng nửa năm qua Ly không có bất kỳ giao dịch nào, trong khi chiếc mũi hiện tại bị nhiều người chê là xiêu vẹo, tỉ lệ không cân xứng.
TS. BS Phạm Thị Việt Dung, trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết trào lưu là thẩm mỹ phong thủy với hy vọng có thể đổi vận tốt hơn cho tình duyên, công việc và gia đình, phát triển mạnh ở Việt Nam từ nhiều năm nay.
"Nhưng các thầy phong thủy thường không có chuyên môn y tế nên không phải trường hợp nào cũng thực hiện được", bác sĩ Dung nói. Ví dụ như người mũi mỏng lại yêu cầu phẫu thuật để cánh mũi cao dày, đầu mũi tròn.
Cũng theo bác sĩ, một tháng trước Tết là thời điểm nhiều người mong muốn làm thẩm mỹ để đổi vận nhất, nhưng đa phần là thủ thuật không xâm lấn. Riêng các trường hợp can thiệp dao kéo thường chọn từ tháng 3 đến tháng 9, vì có thời gian phục hồi đón Tết.
Khảo sát của VnExpress trên mạng xã hội có hàng trăm hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm thẩm mỹ. Nhóm đông nhất có hơn 300.000 thành viên, trung bình mỗi ngày có 8 bài đăng, ba tháng cuối năm lượng bài tăng đột biến. Bên cạnh đó, mỗi ngày có hơn 30 bài quảng cáo thẩm mỹ phong thủy làm mắt, mũi, lông mày, bơm môi, làm tai "Phật", tạo má lúm, tiêm chỉnh hõm cằm và nâng cơ đường viền hàm nhằm hút tài lộc, tăng phúc khí với cam kết "chuẩn y khoa". Nhiều video quảng cáo "thẩm mỹ phong thủy" trên nền tảng mạng xã hội thu hút gần 600.000 lượt xem. Tùy từng dịch vụ, giá mỗi lần can thiệp dao động từ 2 triệu đến vài chục triệu đồng.
Anh Hữu Khang, chủ một cơ sở thẩm mỹ tại Hải Dương cho biết vị trí phong thủy "đắc địa" được nhiều người chọn chỉnh sửa là mũi, vành tai, cằm để tạo tổng quan hài hòa, mặt tròn phúc hậu.
Theo Khang, quan niệm phổ biến của người Việt là cằm phải tròn đầy, nhân trung chạy xuống và tụ ở cằm mới "hứng" được tài lộc hoặc tai vểnh, dái tai dày, cụp; riêng mũi đầu phải tròn, cánh mũi quặp, cuộn vào trong, hậu vận mới tốt.
"Dịp cuối năm, khách hàng đến cơ sở của tôi tăng, đa phần muốn cải thiện nhan sắc, thay tướng đổi vận nên thường chọn tiêm chất làm đầy trước. Khi thấy có biến chuyển tốt trong cuộc sống, mới quyết định can thiệp dao kéo", anh Khang nói.
Ông chủ cơ sở thẩm mỹ này cho rằng thẩm mỹ phong thủy một công đôi việc, vừa đẹp bề ngoại lại trấn an tinh thần.
Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho rằng thẩm mỹ phong thủy chỉ là trào lưu vô căn cứ theo kiểu truyền miệng, không thuộc "trường phái phong thủy" nào.
"Nhiều người đổ xô đi thẩm mỹ mong đổi vận thực chất chỉ thay đổi vẻ bề ngoài chứ không phải bản chất bên trong. Suy cho cùng tâm sinh tướng, tâm thế của một người sẽ ảnh hưởng và làm thay đổi gương mặt họ. Tâm thiện thì tướng thiện", chuyên gia nêu quan điểm.
Nhắc về lý do khiến nhiều người, đặc biệt là nữ giới hưởng ứng các trào lưu thẩm mỹ phong thủy, ông Hải chỉ ra ba nguyên nhân. Một là không hiểu rõ bản chất của phong thủy và thần học, bởi cố gắng sửa "vỏ" bên ngoài mà không tu ở gốc rễ nên dễ rước họa vào thân. Hai là "tham", xuất phát từ tâm lý hơn thua, muốn nổi trội, có số phận hơn người nên nảy sinh ham muốn, dễ bị dụ dỗ. Cuối cùng là bản thân người chỉnh sửa không có chủ kiến, chạy theo trào lưu do chính những người làm dịch vụ, chiêu trò marketing dẫn dắt.
Cùng quan điểm, bác sĩ Việt Dung cho hay, chưa bàn đến việc thay số đổi vận, việc thẩm mỹ theo phong thủy có thể để lại những hậu quả về sức khỏe nếu thực hiện tại những cơ sở không uy tín.
Bà Dung dẫn số liệu trường hợp đến xử lý hoại tử, nhiễm trùng do thẩm mỹ hỏng tại khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai chiếm 10% tổng số ca mỗi tháng.
Với Mỹ Tâm, ngoài nỗi đau phát hiện chồng ngoại tình, chị còn phải chịu đau đớn từ chính chiếc mũi bị nhiễm trùng vì hoại tử. Cảm giác đau nhức buốt lên đỉnh đầu khiến chị mất ngủ cả tháng. Bản thân cũng phải nghỉ phép không lương, tránh tiếp xúc với mọi người vì ngại và xấu hổ với gương mặt chưa phục hồi.
Cẩm Chi, 25 tuổi, ở TP HCM, người từng tiêm chất làm đầy vào gò má, môi và tạo tai dáng tài lộc, cũng gặp rắc rối. "Tôi bị người yêu chê vì khuôn mặt cứng đơ, không có hồn. Máy chấm công ở công ty không nhận diện được khuôn mặt, phải nhờ kỹ thuật cài đặt lại", Chi nói. Thậm chí bố mẹ bạn trai còn lầm tưởng cô là người yêu mới của con, bởi khuôn mặt khác lạ.
Không hối hận như Mỹ Tâm và Cẩm Chi, Kiều Ly luôn tin "tướng mũi quyết định tài vận". Cô dự định tham khảo thêm vài thầy tướng số khác để tìm dáng mũi phù hợp trước khi đi chỉnh sửa lần thứ ba.
Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải cho rằng Kiều Ly sẽ chỉ tốn tiền vô ích. "Chỉnh bộ phận này hay bộ phận khác không thể thay đổi số phận. Chẳng có thầy phong thủy nào có thể giúp bạn đạt được cuộc sống tốt đẹp hơn chính mình", ông Hải nói.
Hải Hiền - Quỳnh Nguyễn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét