Phần Lan17h đi làm về nhà, anh Aleksei Kivijärvi lập tức mặc bộ quần áo màu xanh lá cây kiểu quân phục bộ đội Việt Nam để ra vườn bổ củi, cắt cỏ.
Ngày nào Aleksei cũng dành ba đến bốn tiếng ở vườn, nhiều hôm làm đến tối muộn. Nguyên nhân của sự chăm chỉ, theo chị Hoàng Thị Hoạt (vợ anh) xuất phát từ một câu nói đùa: "Ở Việt Nam chỉ những người chăm chỉ mới được mặc đồ này".
"Anh ấy yêu đồ bộ đội Việt Nam trước cả khi yêu tôi", chị Hoạt, quê Đăk Lăk hiện đang sống ở TP Helsinkiranta, nói.
Aleksei kể, năm 2018 anh lần đầu đến Việt Nam du lịch. Dù chỉ đến TP HCM và Hà Nội nhưng ấn tượng nhất là ở đâu cũng thấy người dân mặc bộ đồ màu xanh lá, đội mũ cối hoặc tai bèo. Hỏi ra anh mới biết đó là bộ quần áo được may từ chất vải và kiểu dáng gần giống với quân phục của bộ đội Việt Nam. Mọi người thích mặc vì bền và dễ vận động, thoáng mát phù hợp với thời tiết. "Từ người lao công đến cô bán nước hay xe ôm đều mặc đồ bộ đội chỉ khác là không đeo bảng tên hay quân hàm", anh kể.
Trước khi sang, Aleksei đã tìm hiểu qua về lịch sử Việt Nam và hiểu phần nào về những cuộc chiến tranh mới qua chưa lâu. Anh cũng muốn mua một bộ thể hiện sự hâm mộ nhưng vẫn hơi sợ vì không biết người ngoại quốc có được phép mặc hay không.
Năm 2019, anh trở lại Việt Nam đi thăm Phú Quốc và gặp chị Hoàng Thị Hoạt. Chàng trai Phần Lan được giải thích người Việt mặc đồ bộ đội thể hiện sự tự hào, trân trọng những gì người lính đã làm để giành lại độc lập, tự do, hòa bình cho đất nước. Điều này khiến anh càng thêm yêu và tò mò nhiều hơn về văn hóa Việt.
"Chúng tôi tình cờ gặp nhau trên chuyến bay, cả hai đều đi một mình. Tôi được Hoạt kể rất nhiều về Việt Nam, từ món ăn đến văn hóa khiến tôi phải lòng cô gái này", Aleksei nói.
Yêu nhau được hai năm đến năm 2021, cả hai quyết định kết hôn. Trước khi cùng chị Hoạt trở lại Phần Lan, Aleksei rụt rè thổ lộ với bố vợ về mong ước được mua một bộ đồ bộ đội. Chiều lòng con rể, ông bố đã cùng anh dạo khắp khu chợ quê, mua tặng anh. Anh con rể khi đó háo hức, mặc ngay tại cửa hàng rồi khoác tay bố ra về.
Về Phần Lan, ngày nào Aleksei cũng mặc. Ngoài vài tiếng trong ngày, cứ cuối tuần là anh ở lì cả ngày ngoài vườn, làm lụng đủ thứ để được thành "anh bộ đội".
Có những hôm anh còn mặc đi khoe với hàng xóm, tay cầm nón quạt phe phẩy rồi kể chuyện chiến tranh Việt Nam. "Nhìn anh không khác gì đàn ông Việt. Những gì tôi kể về lịch sử của đất nước mình đều được anh kể lại cho hàng xóm", chị Hoạt nói.
Được vợ kể về sự ngăn nắp, gọn gàng, kỷ luật của bộ đội ngay cả việc giữ gìn trang phục, mỗi lần mặc xong, Aleksei đều giặt sạch sẽ, ủi phẳng phiu rồi treo ở một góc riêng biệt trong phòng. Chỉ cần có nếp nhăn, anh sẽ chỉnh lại ngay lập tức.
Sự hâm mộ đồ bộ đội của Aleksei đã "lây" sang cả bố chồng chị Hoạt. Ông cũng thường mặc bộ đồ này vì được con trai cho xem hình đã chụp bộ đội ở Việt Nam. Những ngày lễ ở Phần Lan hay dịp tụ họp gia đình, họ hàng, bố con anh Aleksei đều ưu tiên diện bộ quần áo xanh lá cây. "Đến cả việc gặp bạn bè trong sự kiện quan trọng, chồng tôi đều mặc nó hoặc mang theo để khoe với họ bằng cả niềm tự hào", chị Hoạt kể.
Cũng qua những câu chuyện của vợ kể về thời kháng chiến, những người lính thường hát những bài hát cách mạng giúp họ có thêm ý chí chiến đấu, anh chồng đòi vợ dạy mình. Đến nay Aleksei đã thuộc bài "Bác đang cùng chúng cháu hành quân", "5 anh em trên một chiếc xe tăng", "Tàu anh qua núi", "Cô gái mở đường".
"Mỗi bài tôi mất vài tiếng để nghe vợ kể và giải thích ý nghĩa từng câu. Mặc đồ bộ đội, thêm giai điệu hào hùng của các khúc ca, tôi như được sống trong thời chiến của Việt Nam", chàng rể Phần Lan nói.
Chị Hoạt cũng cho biết để giải thích sâu xa và chi tiết rất khó nên chị cố gắng nói nói ngắn gọn kết hợp cho chồng xem phim tài liệu, hình ảnh để anh nắm được bản chất, cốt lõi câu chuyện. Người vợ cho biết trong điện thoại chồng giờ chỉ có hình các loại quân phục của bộ đội Việt Nam đủ loại từ phòng không không quân, hải quân, biên phòng...
"Chồng mặc bộ đồ này hơn ba năm, cứ rách lại khâu vì nghe tôi nói mỗi người chỉ được mặc một bộ nên anh càng trân trọng", chị Hoạt nói. "Nếu năm mới anh chăm chỉ hơn tôi sẽ mua tặng bộ hải quân".
Tháng 8/2023, vì muốn lưu giữ kỷ niệm cho chồng khi mặc đồ bộ đội hàng ngày, chị quyết định quay video và đăng lên mạng xã hội.
Câu chuyện về anh chồng Tây mê đồ bộ đội Việt Nam hút hàng triệu lượt xem và để lại bình luận trêu đùa. Có người còn thương Aleksei "bị vợ lừa" và nhắn anh: Ở Việt Nam, ai cũng mặc được bộ đồ này anh ngừng bổ củi đi. Nhiều người nói xúc động khi thấy anh mặc quân phục đứng chào cờ trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội và Dinh độc lập ở TP Hồ Chí Minh.
Dù sống cùng chồng ở Phần Lan nhưng chị Hoạt cảm thấy bớt nhớ nhà hơn khi nhận được những lời động viên hay chia sẻ của mọi người trên mạng xã hội.
Những ngày đầu tháng 1, nhiệt độ ở Phần Lan xuống âm 19 độ C, tuyết rơi dày đặc nên Aleksei không thể mặc đồ bộ đội nhưng mỗi ngày anh đều mang ra là phẳng phiu hoặc giặt giũ sạch sẽ khi dính bụi.
"Tôi sẽ cố gắng chăm chỉ làm việc hơn nữa để được mặc quân phục mỗi ngày và mơ ước mua được chiếc mũ cối, giày quân nhân, ba lô để mặc cho chuẩn 'bộ đội Việt'", Aleksei nói.
Thanh Nga
0 nhận xét:
Đăng nhận xét