Sau bốn năm điều trị căn bệnh u máu lành tính phát triển theo thể ác tính, Đoàn Hải Nguyên (4 tuổi) đã có thể cùng bố mẹ leo núi, chạy bộ mỗi ngày.
Đoàn Hải Nguyên (biệt danh Hero) được chẩn đoán mắc bệnh u máu lành tính, phát triển theo thể ác tính - một bệnh vô cùng hiến gặp trên thế giới, chưa có phác đồ điều trị, có thể tử vong sau thời gian ngắn. Suốt một năm đầu đời, bệnh viện Nhi Trung ương là nhà của Hero và mẹ Thu Hồng (Đà Nẵng).
Bốn năm sau khi điều trị, giờ đây khối u trong cơ thể đã bị xơ hóa hoàn toàn, không có dấu hiệu tái phát. Hero từ một em bé phải dành giật sự sống từng ngày đã trở thành cậu bé nhanh nhẹn, thích leo núi, trượt patin, chạy bộ mỗi ngày và đi phượt Hà Giang cùng bố mẹ. Việc bé có thể khỏi bệnh, phát triển khỏe mạnh được giới chuyên môn đánh giá như một phép màu.
"Bây giờ sức khỏe bạn ấy hoàn toàn bình thường, cao lớn hơn những bạn bằng tuổi. Rất thích ăn rau củ, trái cây và các loại hạt", chị Hồng nói.
Ngày 12/3 tới đây, Hải Nguyên sẽ cùng bố mẹ và anh trai tham gia giải chạy bộ Happy Runtại Đà Nẵng, cự ly 1,35 km. "Ban đầu tôi định đăng ký cự ly 3,5 km nhưng để an toàn nên chỉ đăng ký cự ly ngắn. Cu cậu rất háo hức khi biết cuối tuần này được đi chạy, đi dạo chơi cầu sông Hàn", mẹ Hero chia sẻ.
Đăng ký tham gia giải Happy Run
Hero thích vận động, chạy nhảy vì vậy chị luôn tìm những hoạt động vui chơi, dã ngoại để tham gia cùng con vào mỗi cuối tuần. Thêm vào đó, khi biết Happy Run là giải đấu hướng tới mục đích từ thiện, chị không ngần ngại đăng ký để cả gia đình tham gia. "Khoảng thời gian điều trị, ở xóm trọ gần bệnh viện Nhi Trung ương, tôi chứng kiến nhiều hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Vì vậy tôi quyết định tham gia, không chần chừ", chị nói.
Theo chị Hồng, cho con tham gia các hoạt động tập thể, vì cộng đồng cũng là một cách giáo dục con về lòng yêu thương và sự sẻ chia trong cuộc sống. Sắp đến ngày thi đấu, Hero cùng bố mẹ và anh vẫn duy trì luyện tập để có sức khỏe tốt nhất, chinh phục đường đua.
Thời điểm bốn năm trước, khi vợ chồng chị Thu Hồng phát hiện bất thường và đưa con đi khám, đã có nhiều kết luận được đưa ra, trong đó có một kết quả chẩn đoán ung thư từ bệnh viện Ung Bướu Trung ương.
"Cầm kết quả tôi tôi hoảng loạn, bất lực. Chồng tôi cũng khóc đau đớn. Chưa bao giờ tôi thấy chồng mình khóc như một đứa trẻ như vậy", chị Hồng kể. Tuy nhiên, các kết quả có sự mâu thuẫn. Sau nhiều lần hội chẩn, bác sĩ khuyên gia đình nên gửi tế bào qua Mỹ xét nghiệm, lúc ấy mới có kết luận cuối cùng về căn bệnh hiếm gặp này.
Suốt thời gian điều trị, chị Hồng nhiều lần được khuyên buông bỏ vì tiến triển chậm, ít hy vọng, chi phí cao. Nhưng vợ chồng quyết tâm cùng con chiến đấu. "Biết là tốn kém nhưng ở khoa con điều trị, có những gia đình hoàn cảnh khó khăn hơn rất nhiều vẫn chạy chữa cho con. Vì vậy, không lý gì chúng tôi lại bỏ cuộc khi mình có điều kiện", chị Hồng nói. Suốt một năm trời, vợ chồng chị Hồng bỏ hết công việc ở Đà Nẵng để ra Hà Nội chữa trị cho con ở bệnh viên Nhi Trung ương.
Chín tháng điều trị là hàng chục lần chuyển khoa, hàng trăm mũi hóa chất truyền vào người. Chưa đầy một tuổi nhưng hai tay em bé Hero đã chằng chịt những vết sẹo, phải những bác sĩ dày dạn kinh nghiệm mới có thể bắt trúng ven.
"Thời gian ấy, hai vợ chồng không cười nổi, luôn trong tình trạng căng thẳng, nơm nớp lo sợ, đặc biệt mỗi lần bác sĩ báo chuyển khoa. Vì mỗi lần chuyển khoa là một lần chuyển nặng hoặc phát hiện thêm bệnh mới", chị Hồng nhớ lại. Nhưng khi thấy con bé bỏng mà vẫn chiến đấu kiên cường, vợ chồng chị tin sẽ có phép màu, dốc hết sức đồng hành với con.
Sau chín tháng điều trị, Hero được về nhà. Lúc ấy chị Hồng không cho con tiếp xúc với môi trường vì sợ nhiễm khuẩn. Thời gian dịch Covid, chị bỏ hết công việc đưa con về quê ở Huế sinh sống, bảo vệ con trước mọi tác nhân xấu. Thời gian sau, khi bé thích nghi dần, chị cho con đi học mẫu giáo. Hiện tại, khối u của Hải Nguyên đã xơ hóa hoàn toàn, chị vẫn duy trì thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần.
Thanh Lan
0 nhận xét:
Đăng nhận xét