Thay vì 'lấy chồng giàu', phụ nữ Trung Quốc hiện đại coi "có bất động sản, được trả lương cao, mặc hàng hiệu và có lối sống phương Tây" mới là người thành công.
Một cảnh được cho là "kinh điển" của bộ phim truyền hình Trung Quốc Ba mươi chưa phải là hết, một trong những nhân vật chính bị cắt ra khỏi bức ảnh chụp chung với một nhóm các bà nội trợ giàu có, khi họ cùng tham gia một hoạt động xã hội. Nguyên nhân là vì cô đeo một chiếc túi xách hiệu Chanel khoảng 4.800 USD, trong khi những người khác đều đeo túi Hermès Birkin hoặc Kelly, có giá rẻ nhất cũng từ 12.000 USD.
Theo nội dung phim, nhân vật nữ cuối cùng giành được sự đồng tình từ các quý bà và có các cơ hội kinh doanh từ nhóm đó, sau khi cô tậu cho mình một chiếc túi da đà điểu màu xanh hiệu Birkin.
Đoạn phim ngắn ngủi - sau khi ra mắt năm ngoái - đã gây nên cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội về giá trị của Chanel và Hermès - từ lâu được coi là hai thương hiệu thời trang và phụ kiện cao cấp danh tiếng nhất thế giới.
Một nghiên cứu gần đây của công ty Bernstein đã phân tích các chương trình truyền hình Trung Quốc tác động thế nào đến người tiêu dùng nữ ở nước này. Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, Trung Quốc trải qua một giai đoạn thịnh vượng chưa từng có trong suốt 40 năm qua. "Phim truyền hình Trung Quốc đã phát triển như một tấm gương phản chiếu của xã hội, mà xã hội đó đặt của cải và tiền bạc lên vị trí trung tâm", nghiên cứu cho thấy.
Báo cáo chỉ ra, Trung Quốc đã chứng kiến sự gia tăng lượng người tiêu dùng nữ: Phụ nữ chiếm lĩnh thị trường vào năm 2018 với 71% người tiêu dùng hàng xa xỉ là nữ, trong đó phụ nữ từ 26-35 tuổi được coi là nhóm cốt lõi trong thị trường hàng xa xỉ.
Các nhà nghiên cứu cho biết, điều này bắt nguồn từ tỷ lệ lao động nữ ở Trung Quốc đã tăng cao hơn. Sức mua của nhóm này tăng lên khi họ được học hành cao hơn, thu nhập cao hơn. Họ sẵn sàng chi tiền để tự thưởng cho bản thân sau quá trình làm việc chăm chỉ và đạt được các thành tích cá nhân.
"Người tiêu dùng mua các sản phẩm xa xỉ vì họ cảm thấy mình đang nâng tầm bản thân bằng cách sở hữu một thứ gì đó đặc biệt, độc quyền và đáng giá", nghiên cứu cho biết.
Bernstein nhận định rằng khán giả không chỉ tìm đến những hình mẫu trên truyền hình để có thêm được các ý tưởng về thời trang, họ còn rút ra được thái độ đối với sự nghiệp và cuộc sống từ chính những hình mẫu đó.
Các nhà nghiên cứu cũng quan sát thấy rằng các bộ phim truyền hình trong những năm gần đây tập trung hơn vào sự giàu có hoặc chủ nghĩa vật chất. Trung Quốc chứng kiến sự chuyển đổi định nghĩa của một người phụ nữ thành đạt - từ "kết hôn với một người chồng tốt" thành "trở thành kiến trúc sư cho chính cuộc đời thành đạt của bạn". Các vai chính không còn là "một nam tổng tài giàu có". Giờ đây, hình mẫu phụ nữ trong phim truyền hình Trung Quốc là: giỏi, trẻ đẹp, độc lập tài chính.
Theo đó, hình mẫu điển hình của một phụ nữ thành đạt là độc thân, sở hữu tài sản tích lũy nhờ công việc được trả lương cao. Hình mẫu này diện những bộ quần áo thời trang từ các thương hiệu xa xỉ và có lối sống phương Tây, điển hình là thích tập gym và ăn salad.
Các nhà nghiên cứu cho rằng phụ nữ Trung Quốc hiện đại phải đối mặt với áp lực to lớn khi họ cố gắng đáp ứng kỳ vọng của xã hội về một phụ nữ thành đạt, xinh đẹp, có cuộc sống hôn nhân tốt, đồng thời cũng phải có sự nghiệp riêng phát triển. Do đó, tiêu dùng hàng xa xỉ cũng trở thành cách để họ giải tỏa căng thẳng và lo lắng.
Thùy Linh (Theo SCMP)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét