Hà NộiNghe thông báo từ nhà trường từ 1/2 nghỉ học, chị Hà và chồng nảy sinh mâu thuẫn. Anh không muốn cho con về quê còn chị thì ngược lại.
"Gửi con về quê có thể vô tình tiếp tay phát tán virus. Ông bà già rồi nên tránh mọi nguy cơ", chồng chị Hà khuyên vợ.
Từ đêm 30/1, khi biết tin một trường học gần nhà có học sinh dương tính với nCoV, cả nhà chị thấp thỏm không yên. Khi thành phố quyết định cho toàn bộ học sinh nghỉ, chị Nguyễn Thị Hà (Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) vừa mừng vừa lo. Câu chuyện "về quê hay ở lại thủ đô" được mang ra bàn thảo.
Cuối năm, cả hai vợ chồng đều bận, không thể ở nhà người trông con. Nhà không có giúp việc, chị tức tốc gọi bà nội lên trông con giùm. Anh Tuấn - chồng chị biết chuyện trách vợ:"Dịch bệnh diễn biến phức tạp, bà đi xe khách lên, làm sao an toàn".
Nghĩ lại, Hà thấy chồng nói có lý. Khu chung cư gia đình đang ở bị liệt vào dạng F3. Ba ngày nữa được nghỉ Tết nhưng con gái lớn 8 tuổi vẫn phải học online. Con nhỏ 3 tuổi không đến lớp thường làm nũng mẹ nên chị chẳng làm nổi việc gì. Hà gợi ý với chồng đưa con về quê mấy ngày để tập trung công việc nhưng anh phản đối. Đón bà lên không được, gửi con về cũng không xong, hai vợ chồng lời qua tiếng lại rồi nảy sinh mâu thuẫn.
Thấy vợ ấm ức, than không thể vừa chăm con vừa làm việc, anh Tuấn kể có người bạn ở Italy có mẹ già ngoài 80 tuổi. Từ tháng 3 đến giờ bà chỉ được nhìn con cháu qua cửa sổ và tiếp xúc duy nhất với vợ chồng người con đầu do ở cùng. Ngày sinh nhật, lễ Tết ... mọi người dựng một cái lều trước cửa để bà nhìn thấy con cháu tập trung về với mình đông vui như những năm trước. "Tội nhất là bà thường đi nhà thờ, nhưng gần một năm nay chỉ quanh quẩn trong nhà vì mọi người sợ bà bị nhiễm virus do đã có bệnh tiểu đường", anh Tuấn kể và chốt lại: "Người ta còn giữ cho mẹ như vậy, mình đang có nguy cơ lây nhiễm cao, không nên về quê lúc này". Nghe xong, Hà cũng thấy nguôi ngoai.
"Trẻ phải nghỉ học sớm là điều không ai muốn. Chỉ mong, ra Tết các con không phải nghỉ dài mà có thể đến trường đúng lịch", người mẹ quê Hà Nam bày tỏ.
Hàng xóm nhà chị Hà, chị Thu Hương (41 tuổi) lại không mấy lo lắng khi nghe tin con được nghỉ Tết sớm vì dịch bệnh. Chị chia sẻ thời điểm hiện tại cũng bớt bị động hơn lần đầu: "Giờ hai bé có thể tự chăm nhau do đã có kinh nghiệm ở nhà đợt Covid trước".
Tối 31/1, khi nhận thông tin các cấp ở Hà Nội được nghỉ học, chị gọi hai con lại "phân công lao động". Đứa lớp 7, đứa lớp 3 giờ đã có thể tự học online và trông coi lẫn nhau. Bố mẹ vẫn đi làm bình thường. Buổi sáng, mẹ chuẩn bị sẵn thức ăn để trưa hai chị em hâm lại mà không cần nấu nướng thêm.
Người mẹ này cho rằng, chưa nên để con về quê với ông bà vì tình hình Hà Nội còn phức tạp, cứ để các con tự lo với nhau trước. "Bố mẹ giao nhiệm vụ đầy đủ, các bé sẽ tự có ý thức trách nhiệm hơn". Chị cũng tính, nếu tình hình dịch bệnh chưa ổn, cả gia đình sẽ không về quê mà đón Tết ở Hà Nội bởi dù sao sức khỏe người thân vẫn quan trọng nhất.
Không chỉ những bà mẹ hai con mới gặp phiền toái, mới một con, chị Nguyễn Quyên, 29 tuổi, ở Duy Tân, Cầu Giấy như ngồi trên đống lửa khi thông tin về số ca dương tính liên tục dội về. Hôm 29/1, chị nhận tin phố Nguyễn Khánh Toàn, gần trường học của cậu con trai xuất hiện ca dương tính. "Cho con đi học thì sợ dịch, để ở nhà thì không ai trông cho làm. Đơn hàng cuối năm vẫn chất đống trên bàn làm việc", người mẹ đang làm kế toán một công ty bánh kẹo của Singapore nói.
Lo lắng vì chuyện "về hay ở" nên chị Quyên bị nhắc nhở vì bản quyết toán cuối năm có vài chỗ sai sót. Các đồng nghiệp khuyên cuối tuần tranh thủ đưa con về gửi ông bà nội ở Nghệ An, rồi ra Hà Nội tiếp tục công việc. Nhưng Quyên biết đó là giải pháp "đường cùng".
Thấy Quyên nửa đêm vẫn thở dài thườn thượt, chồng chị trách vợ thiếu điềm tĩnh. Nhưng hôm 31/1, Hà Nội cho học sinh nghỉ Tết sớm một tuần. Ngõ 23 Duy Tân - nơi chị sinh sống - có hai người mắc Covid-19. Quyên biết mình bối rối có cơ sở. Bây giờ, giải pháp "đường cùng" dẫu muốn, chị cũng sẽ không chọn. Chị sợ mình vô tình tiếp xúc với những người dương tính chưa được định danh. Nếu hai mẹ con về quê, nguy cơ lây lan đến cộng đồng rất cao.
Tối đó, chị gọi điện cho quản lý báo cáo và xin phép làm việc tại nhà. Nhưng cũng bắt đầu từ thứ Hai, Quyên vừa trông con, vừa giải quyết núi công việc. Mất ngủ nhiều đêm vì căng thẳng, lại công việc, con cái khiến người mẹ stress. Chị ra bồn rửa mặt, vốc nước lạnh từ vòi phả vào mặt cho tỉnh táo. "Phải kiên nhẫn. Con mình là một đứa trẻ ba tuổi, không phải người lớn", chị răn mình. Thay vì cáu kỉnh, chị dành một giờ chơi với con, dỗ dành bé. Con ngủ trưa, chị lại tranh thủ làm việc. Buổi tối, thay vì đi đến phòng tập gym, chồng Quyên về sớm một tiếng. Anh nấu cơm, rửa bát thay vợ, để chị có thời gian bù vào khoảng trống buổi chiều phải chăm con. Có bố về, Tít quấn chân, không còn phiền mẹ.
Năm nay, Tết của gia đình nhỏ này sẽ bớt rộn ràng hơn vì sẽ chỉ quẩn quanh trong nhà, có điều đây sẽ là cái Tết đáng nhớ nhất trong đời của họ.
Hải Hiền- Phạm Nga
0 nhận xét:
Đăng nhận xét