Trung QuốcMột cặp vợ chồng làm ăn xa, lái xe về nhà đón Tết thì thấy con trai hai tuổi đứng trước cổng làng với ánh mắt ngóng đợi, ai nhìn thấy cũng xót xa.
Khi chiếc xe đến gần, cậu bé tránh sang một bên, nhìn chằm chằm vào người ngồi trên xe. Bà nội kể, khi cậu bé biết bố mẹ trở về đã chạy ra cổng làng đợi. Đợi một lúc không thấy ai, cậu bé lại về nhà, rồi lại đi ra cổng làng. Cha của cậu bé nói: "Cả hai vợ chồng đều bật khóc".
Câu chuyện xảy ra tại thành phố Vĩnh Thành, tỉnh Hà Nam.
Trên đời không có cha mẹ nào muốn xa con để đi làm ăn, không cha mẹ nào không muốn nhìn con lớn lên từng ngày. Nhưng với nhiều người, mang theo con là điều bất khả thi.
Tuy nhiên, không có khoản tiền nào có thể thay thế cảm giác an toàn trong lòng con trẻ, không có gì có thể thay thế những năm tháng quý giá nhất của trẻ. Nếu có thể, dù khó khăn hãy mang con đi cùng. Tuy công việc rất quan trọng vì mang lại thu nhập nuôi sống gia đình nhưng tiền bạc không thể mua được thời gian trưởng thành của trẻ.
Ông Lưu Tân Vũ, người sáng lập tổ chức từ thiện "Trên con đường đến trường", đã chú ý đến nhóm trẻ em bị bỏ rơi trong 6 năm. Trong cuốn sách của mình có tên "Sách trắng về tình trạng tinh thần của trẻ em bị bỏ lại ở Trung Quốc" có một dữ liệu đáng kinh ngạc: 10% trẻ em bị bỏ lại quê cho rằng cha mẹ đã chết; 2,6 triệu trẻ em thậm chí không nhận được cuộc gọi nào từ cha mẹ khi đi làm ăn xa. Viện Khoa học Trung Quốc cũng đã tiến hành một cuộc khảo sát quốc gia về trẻ em bị bỏ rơi và kết luận: 34% trẻ em có ý định tự tử và hơn 9% trong số đó đã thử hành vi tự sát.
Trên mạng xã hội hỏi đáp lớn nhất Trung Quốc Zhihu có một chủ đề: "Bạn nghĩ những trẻ em bị bỏ rơi có khiếm khuyết về tâm lý?"
Trong số những câu trả lời, câu chuyện của một cô gái có tên Hạnh Diệp nhận được nhiều sự chú ý. Khi cô sinh ra, người cha đã làm ăn xa ở thành phố nhưng cô bé không cảm thấy cô đơn vì có mẹ bên cạnh. Năm 10 tuổi, để cải thiện kinh tế gia đình, mẹ cũng đi làm ăn xa nên đưa cô về sống với ông bà ngoại.
Từ khi mẹ rời đi, nhiều đêm cô bé khóc thầm trong bóng tối nhưng không dám chia sẻ cùng ai. Với ông bà ngoại, họ luôn nhắc nhở cô bé cần học giỏi để bố mẹ yên lòng nhưng Hạnh Diệp luôn cảm thấy cô đơn. Sau khi học tiểu học, cô trở nên nhạy cảm và hay nghi ngờ, rất dễ xúc động và hầu như không có bạn bè.
Lên cấp 2, cô bé trở nên ít nói và lầm lì hơn. Cô bắt đầu nghĩ rằng bố mẹ vì tiền mà bỏ con lại cho ông bà nên cố gắng học để có điểm số cao nhất. "Đó là cách duy nhất xứng đáng với bố mẹ", Hạnh Diệp nói. Mặc dù điểm thi đại học đạt gần tuyệt đối nhưng bóng tối của tuổi thơ khiến tâm lý của Hạnh Diệp bất thường. Cô hay ghen tị với mọi người, nhạy cảm, tự tin và dễ bị tổn thương. Cô gái này cũng không thể xử lý tốt mối quan hệ cá nhân với người khác. Mối quan hệ với cha mẹ cũng chưa bao giờ tốt.
Tôn Vân Hiểu, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Thanh niên Trung Quốc, nói rằng: "Tình cảm gia đình là hệ thống nâng đỡ tình cảm tốt nhất cho trẻ, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn suốt đời. Nếu đứa trẻ không thể thiết lập mối quan hệ thân mật với cha mẹ trước 12 tuổi, chúng sẽ thiếu sự an toàn và hạnh phúc trong suốt cuộc đời".
Ông Tôn cũng cho rằng, tác hại lớn nhất với trẻ là hàng đêm chúng muốn được sưởi ấm nhưng bố mẹ lại không ở bên, là khi chúng làm sai và bực bội, bố mẹ không thể bảo vệ hay nghe con trút giận. "Những đứa trẻ đã trải qua khó khăn, đau đớn, cô đơn và bơ vơ một mình sẽ không thể có cảm giác ấm áp trong tương lai. Bởi đứa trẻ thiếu tình thương thì trái tim cũng cằn cỗi", ông Tôn khẳng định.
Trong cuốn sách "Ba tiểu luận về lý thuyết tính dục" của nhà tâm lý học nổi tiếng người Áo - Sigmund Freud có viết: "Một cậu bé 3 tuổi ở trong căn phòng tối đã hét lên với người bên ngoài: ‘Dì, hãy nói chuyện với cháu. Cháu sợ, ở đây tối quá'. Người dì đáp: ‘Làm vậy có ích gì? Vì cháu không thể nhìn thấy dì’. Cậu bé trả lời: ‘Không thành vấn đề, nơi nào có tiếng người nơi đó có ánh sáng’".
Những đứa trẻ không có cha mẹ bên cạnh cũng giống như cậu bé bị nhốt trong căn phòng nhỏ tối tăm. Chúng không cần mặc quần áo đắt tiền, ăn thức ăn ngon hoặc chơi những món đồ chơi thú vị. Tất cả những gì chúng muốn là sự lắng nghe, tình yêu thương ấm áp từ cha mẹ. Điều chúng muốn là sự an tâm và hạnh phúc trong tầm tay.
Một trường mẫu giáo với 40 năm thành lập ở Fukuoka, Nhật Bản, mở cửa hàng ngày từ 7 giờ sáng hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau. Ở đây có rất nhiều em nhỏ do công việc bố mẹ bận rộn nên thường đến đón muộn. Nhưng dù muộn đến đâu, dù mệt mỏi thế nào, bố mẹ của những đứa trẻ này cũng sẽ đến đón đúng giờ. Vào lúc 1 giờ sáng, một đứa trẻ thức dậy một cách tự nhiên, vì mẹ của nó sẽ đến vào giờ này hàng ngày. Khoảnh khắc nhìn thấy mẹ, khuôn mặt trẻ nở nụ cười, mở rộng vòng tay nhỏ bé, hạnh phúc ngã vào lòng mẹ.
Nhà tâm lý học Harvard Gilbert từng nói: "Trong thế giới người lớn, giữ chặt có nghĩa là tất cả. Cha mẹ là tất cả mọi thứ trong thế giới của con cái". Harvard Gilbert cho rằng: "Mười năm sau, bạn sẽ không hối hận vì đã thực hiện ít hơn một dự án, nhưng bạn sẽ hối tiếc vì đã không dành một giờ cho con mình. Vì vậy, khi vất vả nuôi con khôn lớn, thì sự hài lòng và sung sướng không gì có thể bù đắp được bằng tiền và quyền. Mang con đi khắp nơi là điều tốt nhất cho chính bạn và con bạn cho dù khó khăn đến đâu".
Hải Hiền (Theo sohu)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét