Nhiều phụ nữ coi việc đàn ông trả tiền trong buổi hẹn đầu là dấu hiệu sự "thành ý" vì nếu "chia đôi hóa đơn, thì chúng ta là gì, bạn bè à?".
Hãy hình dung thế này: Bạn đang có buổi hẹn hò đầu tiên diễn ra vô cùng tốt đẹp. Người ngồi đối diện với bạn thậm chí còn tuyệt hơn hơn cả trong những lời giới thiệu. Sau khi ăn xong, tờ hóa đơn thanh toán được đến, nếu anh ấy nói "Chúng ta 'cưa đôi' hóa đơn", bạn sẽ nghĩ thế nào?
Theo một cuộc thăm dò của trang web Refinery29 (Mỹ) với 656 phụ nữ thế hệ Millennial, 59% đồng ý rằng người đàn ông nên đề nghị trả tiền cho buổi hẹn hò đầu tiên, trong khi số còn lại cảm thấy ái ngại khi để người kia trả hết. Một phụ nữ cho biết: "Đó không phải về giới tính hay bất cứ thứ gì, mà là sự bày tỏ cảm kích và là ngôn ngữ tình yêu".
Trong một cuộc khảo sát về tình yêu và tài chính do tờ Money and SurveyMonkey thực hiện dịp Valentine năm 2020, 78% người được hỏi (cả nam và nữ) cho biết họ nghĩ đàn ông nên trả tiền cho buổi hẹn hò đầu tiên. Chi tiết hơn, 85% nam giới, và 72% nữ giới được hỏi cho rằng đàn ông nên trả tiền. Thậm chí, ở các cuộc hẹn hò sau đó, nam giới cho biết, họ "cảm thấy tội lỗi khi lấy tiền từ phụ nữ".
Tại Nhật Bản, một chàng trai có thể sẽ "mất hết điểm" nếu anh không trả tiền trong buổi hẹn hò đầu tiên. So với nhiều xã hội phương Tây, Nhật Bản khá kín đáo và truyền thống, điều này cũng ảnh hưởng không ít đến quan điểm "ai trả tiền trong lần hẹn đầu" của họ.
Sirabee - một cổng Internet Nhật Bản - đã tiến hành cuộc khảo sát gần đây với câu hỏi dành cho phụ nữ ở nhiều độ tuổi: "Nếu một chàng trai không trả tiền trong buổi hẹn hò đầu tiên, bạn có còn coi anh ta là đối tác lãng mạn?". Cuộc khảo sát đã thu thập được gần 1.000 câu trả lời với 26% nói rằng nếu một chàng trai không trả chi phí cho buổi hẹn hò đầu, cô sẽ không lãng phí thời gian của mình cho buổi hẹn hò thứ hai.
Trong số những người lựa chọn việc không tiếp tục hẹn hò, phụ nữ dưới 20 tuổi chiếm 14%, phụ nữ 20-29 tuổi chiếm 22%, phụ nữ 30-39 chiếm 21%, phụ nữ từ 40-49 chiếm 27%, phụ nữ 50-59 chiếm 36%, và phụ nữ 60-69 tuổi chiếm 31%.
Kết quả khảo sát cho thấy, nhóm trung thành với quan điểm "đàn ông nên trả tiền" là phụ nữ tuổi từ 50-59, vì hầu hết đều bắt đầu hẹn hò trong Thời kỳ kinh tế bong bóng của Nhật Bản, đạt đỉnh điểm vào những năm 1980. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc hẹn hò vào thời điểm bùng nổ kinh tế có thể khiến những người phụ nữ đó hình thành quan điểm người đàn ông nên có tiền.
Mặt khác, những phụ nữ trẻ hơn không nghĩ rằng người đàn ông phải chi tiền cho mọi thứ. Có hai yếu tố, thứ nhất là những người phụ nữ này hiểu biết sâu sắc hơn rằng trên thực tế, tiền không dễ kiếm; thứ hai là phụ nữ ở độ tuổi 40 trở xuống có quan niệm phụ nữ nên chủ động kiếm tiền thay vì dựa dẫm vào người khác, ít nhất là cho đến khi kết hôn, thậm chí lâu hơn. Có thu nhập riêng khiến họ có nhiều khả năng đề nghị trả một phần chi phí cho cuộc hẹn hò, so với nhóm phụ nữ tiền bối.
Phản bác quan điểm "đàn ông nên là người trả tiền", các nhà các nhà khoa học xã hội lại cho rằng đây là hành vi "phân biệt giới tính". Nhiều người vẫn nghĩ rằng phụ nữ nên "được tôn thờ và trân trọng", cùng với quan niệm gia trưởng rằng họ cần sự bảo vệ của đàn ông. Nó củng cố định kiến rằng phụ nữ vừa tuyệt vời vừa mong manh và rất cần sự giúp đỡ của đàn ông.
Do đó, để gạt bỏ tư tưởng này, trong các lần hẹn, tốt nhất là cánh mày râu và phụ nữ nên "cưa đôi" tờ hóa đơn.
Thùy Linh (Theo Forber, JapanToday)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét