Trung QuốcTrên mảnh đất cỏ mọc um tùm, Li Junxian lẩm bẩm trong khi cuốc đất. 'Nếu bố mẹ tôi nhìn thấy cảnh này họ sẽ rất tức giận', chàng trai 30 tuổi cười lớn.
Chiếc áo hoodie và đôi giày thể thao hàng hiệu đã chứng minh Li không thạo việc đồng áng. Lớn lên từ một đô thị phía nam Quảng Châu, anh có nhiều năm làm đại diện bán hàng cho một công ty quốc tế.
Nhưng một tháng trước kiệt sức vì đấu đá ở văn phòng và lạc lõng trong thành phố, Li bỏ việc, nhảy lên xe, chạy liên tục 10 tiếng theo những con đường quanh co. Cuối cùng anh dừng chân ở ngôi làng xa xôi của tỉnh Phúc Kiến. Li đã tham gia Southern Life Community - một cộng đồng những người có chung tiêu chuẩn sống, trong đó lấy tự cung tự cấp làm mục tiêu sống.
Được xây dựng trên một sườn đồi gồ ghề, cây cối rậm rạp, cộng đồng này bao gồm hai ngôi nhà, một nhà kho xiêu vẹo và một nhà mái vòm. Ngoài ra còn có sáu con gà và một nhà vệ sinh ủ phân sử dụng mùn cưa thay vì xả nước.
Tuy nhiên, điều kiện khắc nghiệt đã không ngăn cản Li và hàng chục người khác sống ở đây. Các thành viên của nhóm, hầu hết ở độ tuổi 20 và 30, nói rằng họ cam kết tạo ra một xã hội mới không có "đặc quyền hoặc thứ bậc".
Và họ không đơn độc. Trong những năm gần đây, giới trẻ Trung Quốc ngày càng mất niềm tin vào cuộc sống mệt mỏi và cạnh tranh gay gắt ở thành phố lớn, khiến họ hoặc phải tiết kiệm cực độ, hoặc "bỏ phố về rừng".
Theo Peter Yang, một nghiên cứu sinh tại Đại học Chicago, các mô hình như Southern Life Community đã phát triển mạnh hơn từ cuộc khủng hoảng Covid-19, khiến nhiều người ở Trung Quốc phải đánh giá lại các ưu tiên của họ và đặt câu hỏi về sự tập trung quá mức của xã hội vào tăng trưởng kinh tế.
Từ lúc về đây, Li làm việc trên đồi, làm đồ thủ công mỹ nghệ và cải tạo nơi ăn chốn ở của cộng đồng. Đối với anh, nơi này mang đến hình ảnh khác về một cuộc sống khác với xã hội ngoài kia. "Đó là một quá trình chữa bệnh đối với tôi. Không giống như người trong thành phố, mọi người ở đây rất chân chất và tốt bụng", Li nói.
Tại đây các thành viên bình đẳng. Họ không bị bắt phải có trách nhiệm hoặc chia sẻ tài sản, mà thường tụ tập ăn tối, ca hát, đọc thơ. Tang Guanhua, người sáng lập Southern Life Community, nói: "Chúng tôi muốn hiểu những gì mình thực sự cần và gắn kết mối quan hệ mật thiết với nhau".
Dáng cao với mái tóc dài và chiếc quần thùng thình, Tang là người tiên phong trong phong trào này. Trước đây anh là nhà thiết kế đồ họa tự do, sau đó vỡ mộng với cuộc sống ở Thanh Đảo và bắt đầu suy nghĩ về lối sống không ganh đua, bóc lột cuối những năm 2000.
"Ngày đó tôi được giao thiết kế sản phẩm thu hút mọi người. Nhưng thực sự tôi không biết liệu các sản phẩm có mang lại lợi ích thật không. Điều gì sẽ xảy ra nếu sản phẩm tôi quảng cáo lại hại người khác", anh trăn trở.
Quyết định đoạn tuyệt công việc, anh nghĩ nếu mọi người tự cấp tự túc thì có thể giải quyết tất cả các vấn đề của xã hội, đó là xóa bỏ rào cản giai cấp, thúc đẩy hoàn thiện bản thân và không còn cạnh tranh nữa.
Năm 2010, anh chuyển đến một túp lều nhỏ ở ngọn núi Lào Sơn, cách Thanh Đảo 30 km. Bạn đồng hành là Xing Zhen, cô gái mà Tang gặp trong một triển lãm hai năm trước. Xing - người làm về phân tích chứng khoán - đã bị hấp dẫn bởi lối sống phóng khoáng của Tang. Sau hai lần đến thăm anh, cô bỏ việc lên núi kết hôn cùng Tang.
Cả hai lớn lên ở thành phố và hầu như không có kỹ năng sinh tồn nào. Họ thậm chí không thể phân biệt đâu là cỏ dại, đâu là rau. Cả hai lên mạng tự học làm xà phòng, dệt quần áo và đúc nông cụ, tạo ra điện. Sau đó họ biên soạn thành "hướng dẫn sinh tồn" phát hành miễn phí.
"Quá trình này mang lại cho chúng tôi tự tin khi biết có thể làm ra mọi thứ bằng chính tay mình. Ngay cả khi một ngày nào đó bị ném lên một hòn đảo, chúng tôi vẫn có thể biến nó thành nhà của mình", Xing nói.
Sáng kiến của họ đã thu hút giới truyền thông. Bên cạnh các ý kiến chế giễu cặp đôi "ảo tưởng", cũng có những người muốn sống cuộc đời như vợ chồng Tang.
Tuy nhiên năm 2015, các nhà đầu tư bất động sản tràn về Lào Sơn, dẫn đến vợ chồng Tang bị mất mọi thứ đã tạo dựng. May mắn sau đó họ kêu gọi được một quỹ phi lợi nhuận về môi trường ở Phúc Kiến tài trợ, từ đó tiếp tục thử nghiệm của mình. Cả hai thành lập Southern Life Community trên mảnh đất 202 hecta.
Bài học này đã dạy cho cặp vợ chồng giá trị của việc có một mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ và họ quyết định tập trung vào việc phát triển xã mới. Để thu hút thêm thành viên, họ cho phép những cư dân lựa chọn cách muốn sống. Từ chỉ vài người, cộng đồng này đã mở rộng lên hơn 30 cư dân và truyền cảm hứng thành lập một số cộng đồng khác ở Trung Quốc.
Nhiều thành viên mới chỉ ở lại vài tuần. Trên núi có kết nối Internet và cư dân thường mua thực phẩm từ một ngôi làng gần đó. Một số thậm chí còn đặt hàng thông qua các ứng dụng giao hàng phổ biến của Trung Quốc.
Mặc dù các cửa hàng địa phương rất vui khi có thêm hoạt động kinh doanh, dân làng nhận thấy mô hình này "có vấn đề". Ông Lin, một người về hưu, thường tự hỏi những người trẻ mà ông thấy đang cố gắng đạt được điều gì. "Họ gọi đây là trải nghiệm, nhưng tôi không biết họ đang trải qua những gì. Họ không làm gì cả. Đất đai hầu hết đều cằn cỗi", ông nói.
Tang thỉnh thoảng nói chuyện với những người mới đến về lối sống bền vững hơn, nhưng thuyết giảng không phải là phong cách của anh. "Mọi thứ đã không đạt đến mức lý tưởng mà tôi mong đợi. Tôi chưa gặp bất kỳ ai cam kết với lối sống mà tôi đã có khi ở trên núi. Nhiều người chỉ dừng lại sau một vài lần thử", anh nói.
Fan Yueyi, một sinh viên mới tốt nghiệp ở độ tuổi 20, cho biết cô đến đây vì chán nản khi cảm thấy áp lực không ngừng leo lên nấc thang xã hội. "Chúng tôi lớn lên với những mục tiêu giống nhau: vào đại học và chọn những chuyên ngành hứa hẹn sẽ có công việc lương cao. Nhưng ảo tưởng đó tan vỡ khi học đại học, chúng tôi nhận thấy có nhiều lựa chọn hơn những gì đã được nói trước đây", cô bộc bạch.
Kể từ khi đến với Southern Life Community vào tháng trước, cô gái thành phố này đã học nuôi gà, trồng hoa và nấu rượu. Cô ấy cũng bớt lo lắng hơn về việc đưa ra quyết định của riêng mình. Tuy nhiên cô và không ít thành viên tại đây đã mất đi gia đình và bạn bè vì lựa chọn này
"Rất khó để nhiều người rời khỏi con đường theo lẽ thường. Từ chối các giá trị và kỳ vọng chủ đạo không chỉ là một quyết định kinh tế mà còn là một quyết định đạo đức", Peter Yang cho biết thêm.
Giống như một số cư dân ở đây, Fan không chắc mình có thể ở Phúc Kiến bao lâu, vì cô đang sống nhờ vào tiền tiết kiệm. Cô chỉ chắc một điều, dù có quay lại thành phố đi làm, cô vẫn sẽ thi thoảng trở lại đây, uống rượu mình đã nấu.
Bảo Nhiên (Theo Sixthtone)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét