Hôm 18/1, nữ diễn viên Trịnh Sảng đã gây ra một vụ scandal khi thông tin cô ruồng bỏ hai đứa con sau khi do nhờ mang thai hộ được công khai rộng rãi.
Trong đoạn video, bố mẹ nữ diễn viên cũng bàn rằng sau khi hai đứa trẻ ra đời, nên đem cho người khác làm con nuôi. Video được ghi năm 2020, và hiện tại, hai đứa trẻ đã hơn một tuổi, được bố chúng - doanh nhân Trương Hằng - bảo bọc bên Mỹ, nhưng chưa có đủ giấy tờ pháp lý để được về Trung Quốc. Trong khi đó, người bố đã sắp hết hạn thị thực và buộc phải về nước.
Mang thai hộ là việc một người phụ nữ nhận ủy thác của người khác để sinh con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (đẻ thuê). Mang thai hộ phá vỡ quan niệm truyền thống về khả năng sinh sản và trật tự sinh sản, kéo theo hàng loạt vấn đề pháp lý, luân lý, đạo đức và các vấn đề xã hội khác, thậm chí hình thành một "ngành công nghiệp đen" tại nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc.
Theo tờ QQ, việc mang thai hộ là không được phép tại Trung Quốc, nó vẫn diễn ra hàng ngày và là một thị trường sôi động với chi phí trung bình của một "thương vụ" từ 650.000 tệ đến 980.000 tệ. Ước tính, tại Trung Quốc có 8.000 đường dây tổ chức mang thai hộ, đa phần tập trung tại Vũ Hán, Quảng Châu, Bắc Kinh.
Một trong những lý do khiến việc mang thai hộ gây tranh cãi, là tình trạng ruồng bỏ những đứa trẻ sơ sinh. Tờ Time Weekly (Trung Quốc) từng dẫn chứng trường hợp một bà mẹ 47 tuổi là Ngô Yến Yến mang thai hộ một cặp vợ chồng, nhưng sau đó lại bị "trả lại hàng", rơi vào tình huống dở khóc dở cười. Lý do bị "trả lại hàng", vì cô Ngô được chẩn đoán mắc giang mai trong giai đoạn có bầu (dù không hiểu vì sao lại bị - cô nói có thể lây nhiễm những người cùng phòng trong quá trình sinh hoạt chung). Không biết làm cách nào vì đã ở giữa thai kỳ, người phụ nữ quyết định cứ sinh đứa con gái ra, rồi sẽ cho ai đó làm con nuôi. Tuy nhiên, sau khi con chào đời, cô mềm lòng vì đứa trẻ "có lúm đồng tiền xinh xắn", nên quyết định giữ lại để nuôi. Hiện tại, cô gặp khó khăn trong việc làm khai sinh cho đứa bé do không có giấy chứng sinh, DNA của trẻ lại không phải của cô do không có quan hệ di truyền với đứa trẻ.
Một trường hợp khác, cặp vợ chồng gần 40 tuổi ở Thượng Hải thông qua một trung gian môi giới mang thai hộ đã ký một thỏa thuận đẻ thuê. Theo thỏa thuận này, nếu đứa trẻ ra đời là con trai và khỏe mạnh, người mang thai hộ sẽ được trả 740.000 tệ. Đúng thời hạn, một bé trai đã được giao cho đôi vợ chồng, tiền cũng được trả đầy đủ. Tuy nhiên sau đó, cậu bé được phát hiện có khiếm khuyết về thính giác. Giữa hai bên nảy sinh tranh chấp. Hai vợ chồng yêu cầu công ty mang thai hộ hoàn trả các chi phí trước đó, với lý do đứa trẻ không được như trong giao kèo.
Hai trong số những lý do phổ biến nhất dẫn đến việc những đứa trẻ bị ruồng rẫy sau hợp đồng mang thai hộ là sức khỏe em bé không đáp ứng yêu cầu, hoặc quan hệ của vợ chồng đổ vỡ trước cả khi em bé chào đời. Trong vụ việc mang thai hộ của Trịnh Sảng và Trương Hằng, diễn viên Trịnh Sảng muốn bỏ rơi hai đứa bé vì mối quan hệ của cô với vị doanh nhân đã rạn nứt.
Ở lý do đầu được đề cập, những hợp đồng mang thai với mục tiêu giúp sinh con trai thường bị phá vỡ khi thai nhi được phát hiện là gái.Trong trường hợp này, đa phần người mẹ mang thai hộ sẽ phải bỏ cái thai. Do đó, trong nhiều hợp đồng, điều khoản ràng buộc giữa người đi thuê với công ty trung gian là nếu thai nhi là gái, công ty sẽ phải trả lại 100% tiền cho người thuê mang thai hộ. Hoăc chỉ cần người mẹ mang thai hộ sinh non, đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh, người mang thai hộ lẫn công ty trung gian sẽ phải chịu mọi trách nhiệm. Khi khả năng sinh sản trở thành hàng hóa, không chỉ quyền và lợi ích của những người mang thai hộ không được đảm bảo, quyền con người của trẻ sơ sinh cũng bị đe dọa nghiêm trọng.
Ở Trung Quốc, hoạt động mang thai hộ thường diễn ra lén lút, hoặc người có tiền sẽ sang Mỹ - nơi pháp luật công nhận việc mang thai hộ - để được giúp đỡ. Trái với các hoạt động tự phát và không được pháp luật bảo hộ như tại Trung Quốc, ở Mỹ, các bước được tiêu chuẩn hóa bao gồm các bậc cha mẹ tương lai và bà mẹ mang thai hộ sẽ có luật sư hỗ trợ, có đơn vị trung gian để giải quyết các thủ tục và ký hợp đồng. Sau khi hợp đồng được ký kết, các hoạt động y tế mới được tiến hành. Hợp đồng sẽ xác định rõ trách nhiệm pháp lý của cả hai bên, có thể dài tới vài trăm trang. Phí mang thai hộ hợp pháp trung bình khoảng 200.000 USD.
Vào tháng 3/2013, Trung tâm Nghiên cứu xã hội và dư luận Quảng Châu từng thực hiện một cuộc khảo sát về việc mang thai hộ. Kết quả cho thấy 45% người ủng hộ và 42% phản đối quan điểm "Chính phủ nên hợp pháp hóa và điều chỉnh việc mang thai hộ".
Thùy Linh (Theo QQ)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét