Trung QuốcĐể có tiền trả nợ, cô Ngô Yến Yến quyết định mang thai, nhưng đứa bé trong bụng không cùng huyết thống với cô.
Năm 2016, người phụ nữ 43 tuổi này từ Thành Đô khăn gói đến Thượng Hải bởi đọc được thông tin "Tuyển dụng lương cao: một năm kiếm 200.000 tệ (720 triệu đồng)". Nhắn tin cho số điện thoại ghi trên tờ rơi tuyển dụng, cô được giới thiệu đó là công việc mang thai hộ. Nghĩ đến số tiền kiếm được rất lớn, không chỉ đủ trả nợ mà có thể giúp cô mở một cửa hàng nhỏ. "Tôi đồng ý tham gia", Ngô trả lời dứt khoát qua điện thoại.
Cô không nói với ai kể cả cha mẹ về quyết định của mình. Cô đến Thượng Hải và trải qua nhiều đợt kiểm tra y tế.
Thời điểm đó Ngô cũng chưa hiểu mang thai hộ là gì, chỉ làm theo sự sắp xếp của "công ty". Sau khi khám sức khỏe, cô bắt đầu uống thuốc, tiêm thuốc, kiểm tra nội mạc tử cung và chuẩn bị cho việc cấy ghép. Ngô được "công ty" bố trí cho một bảo mẫu chăm sóc, không phải lo lắng về thức ăn, quần áo hay phương tiện đi lại.
Ngày thứ bảy sau khi khám sức khỏe, Ngô được thông báo độ dày của nội mạc tử cung đã đạt tiêu chuẩn và chuẩn bị cho cuộc cấy ghép vào hôm sau. Cô nhớ mình được đưa đến nơi giống như một cơ sở y tế, xung quanh có 20-30 người phụ nữ đang chờ đến lượt. Tổng cộng có 3 phôi được đặt. Nhớ lại thời điểm làm thủ thuật, Ngô không đau đớn. "Tôi chỉ thấy gai người vì đột ngột trở thành mẹ. Nhưng tự động viên mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp", cô nói.
Ca phẫu thuật thành công. Theo chỉ dẫn của "bác sĩ", Ngô được về nhà nghỉ ngơi và hạn chế hoạt động. "Phải kiềm chế hoạt động mạnh ngay cả hắt hơi", người bảo mẫu dặn dò. Ngô bắt đầu trở nên thận trọng, ngoài ăn và đi vệ sinh, thời gian còn lại chỉ nằm trên giường. Ngày thứ bảy sau cấy ghép, cô lấy que thử thai và hiện hai vạch. Đến ngày thứ mười bốn, Ngô được đưa đến bệnh viện xét nghiệm máu, kết quả cho thấy cô có thai.
Khoản thù lao 200.000 tệ của Ngô không được trả một lần. Theo quy định của "công ty", 15.000 tệ trong số này được trả theo mức tăng dần của các tháng mang thai, ngoài ra có "lương cố định" 2.000 tệ mỗi tháng. Phần còn lại khi thành công sẽ được trả sau.
Khi mang thai được một tháng, Ngô bị ra máu và dọa sảy, cô sờ tay lên bụng nói: "Con có thể đến với thế giới này bằng cách làm việc chăm chỉ. Chúng ta có thể cùng nhau thoát khỏi tình trạng khó khăn này". Có vẻ một "hợp đồng" được lập với sinh linh bé bỏng trong bụng, Ngô mong đứa bé sinh ra thuận lợi để thu đủ tiền.
Sau ba tháng mang thai, Ngô lập hồ sơ trong bệnh viện với danh tính vợ của khách hàng. Trong cuộc kiểm tra định kỳ sau đó, cô phát hiện mình mắc giang mai. Người phụ nữ này khẳng định bản thân không làm gì để gây bệnh "Nếu có vấn đề thì ngay từ khi kiểm tra sức khỏe ban đầu công ty phải phát hiện ra", cô cự cãi với bảo mẫu. Ngô cho rằng chính môi trường cấy ghép không sạch hoặc phôi gửi vào có vấn đề.
Công ty yêu cầu cô không nói với khách hàng, đợi họ nghĩ giải pháp. Nhưng Ngô không ngờ, khách hàng sau khi biết cô mang thai đã vượt hàng nghìn km từ Nội Mông đến thăm. Đó là một cặp vợ chồng ngoài 50 tuổi, có con trai nhưng mới mất vì tai nạn nên tìm người đẻ thuê. Cặp vợ chồng này mua rất nhiều đồ ăn ngon cho Ngô và đưa một phong bì tiền cảm ơn. Thấy họ quá tốt, cô cảm thấy áy náy.
Ngay tối đó, cô nhắn tin cho người vợ nói rằng bản thân đang mắc bệnh giang mai. "Tôi không thể tiếp tục nói dối hai người", phía bên kia chỉ im lặng. Thông qua điều trị ngăn chặn, Ngô chữa khỏi bệnh sau khi mang thai được 5 tháng. Cùng thời điểm này, cô nhận được cuộc gọi từ khách hàng, yêu cầu phá thai và không muốn tiếp tục hợp đồng nữa.
Vào ngày hôm đó, Ngô thức cả đêm, trong đầu có hai luồng suy nghĩ. Một là cô bỏ đứa trẻ trong bụng, hai là lo lắng về việc sinh ra một đứa bé không khỏe mạnh.
Rạng sáng, Ngô quyết định rời Thượng Hải. Cô sợ công ty sẽ đưa mình vào vòng lao lý. Lúc đó cô chỉ nhận được khoản tiền 15.000 tệ ban đầu và một phần "lương cố định" của công ty. Ý tưởng mang thai hộ để trả nợ chính thức thất bại từ thời điểm đó.
Cuối năm 2016, Ngô trở lại Thành Đô và có ý định bỏ thai. Tuy nhiên bác sĩ khẳng định cô khỏe mạnh và đứa trẻ cũng vậy. Hơn nữa đứa trẻ trong bụng ngày càng có nhiều cử động. Nó luôn đạp về phía trước ngực, những lúc như vậy cô sờ bụng nói: "Cục cưng à, mẹ con rất đau". Như hiểu lời, đứa trẻ lại ngoan ngoãn.
Căng thẳng, phấn khích, mong đợi và ngày càng xuất hiện nhiều cảm xúc từ sinh linh bé bỏng, những ký ức về lần làm mẹ đầu của Ngô được đánh thức. Càng ngày cô càng cảm thấy đứa con trong bụng thuộc về mình.
Khi mang thai được 9 tháng, Ngô ra chợ tìm việc làm vì hết tiền. Người ta giới thiệu cô cho một người đàn ông họ Trương đã ly hôn. Khi gặp nhau, cô kể cho Trương về hoàn cảnh của mình và cả đứa bé trong bụng. Người đàn ông nói không bận tâm và đưa cô về nhà chăm sóc. Trương quan tâm tới đứa trẻ trong bụng Ngô hơn cả cô mong đợi, thậm chí anh nghĩ rằng nếu sau này hai người không ở được với nhau, có thể giao đứa bé cho anh nuôi.
Trong tài liệu do Ngô cung cấp, tên một phụ nữ khác được viết vào cột tên của người mẹ khi nhập viện. Theo giải thích của Ngô, lúc đó cô và Trương chưa kết hôn và không muốn anh chịu viện phí. Vì bản thân không có tiền nên cô đã bán giấy khai sinh của đứa trẻ cho người khác.
Tháng 4/2017 trải qua quá trình sinh mổ trong bệnh viện. Lần đầu nhìn thấy Coco với hai lúm đồng tiền, Ngô có suy nghĩ duy nhất là mang đến hạnh phúc cho cô bé. Sau khi con gái chào đời, Ngô và Trương kết hôn. Người phụ nữ này cảm thấy cuộc sống của mình cuối cùng cũng đã "nở hoa".
Tuy nhiên việc xin hộ khẩu cho con gái gặp trục trặc, vợ chồng Ngô xin tư vấn thì được hướng dẫn nếu không có giấy khai sinh phải nộp hồ sơ xét nghiệm quan hệ huyết thống. Cả hai người không có quan hệ huyết thống với Coco, bởi vậy đã mua giấy khai sinh giả rồi làm giấy quan hệ huyết thống giả.... bị lừa mất hàng trăm nghìn tệ.
Cùng đường, tháng 12/2020, Ngô tìm bố mẹ đẻ của Coco ở Nội Mông với hy vọng cho cô bé một gia đình đúng nghĩa. Không ngờ, cặp đôi này sau đó lại nhờ người khác mang thai hộ thành công một cặp song sinh. Nhìn thấy ảnh của Coco, ông bố chỉ nói "Rất tốt" nhưng không có ý định nhận con. Ông cũng không hứa về việc hỗ trợ vật chất cho cô bé.
Với Ngô, cô thấy hối hận nhiều việc đã làm kể từ khi bắt đầu mang thai hộ, nhưng lại hạnh phúc bởi sự xuất hiện của Coco. Dù không có quan hệ huyết thống với ai trong gia đình nhưng cô bé này luôn được hưởng tình yêu thương từ mọi người. Nhà nghèo nhưng Coco vẫn được nuôi bằng sữa nhập khẩu, tã nhập khẩu từ khi mới sinh ra. Ai đi đâu về cũng mua vô số đồ chơi cho cô bé.
"Con muốn được đi học" là câu nói thường xuyên nhất của Coco. Cô bé cũng thích khiêu vũ, chỉ cần nghe nhạc là giơ bàn tay nhỏ lên uốn dẻo. Rất muốn cho con đi học, nhưng không nơi nào nhận bởi Coco không có hộ khẩu.
Ngô ngày càng không chắc chắn cô và con gái sẽ đi về đâu. Gần đây người phụ nữ này bắt đầu hỏi con: "Coco có thích mẹ không?", lần nào cô bé cũng gật đầu lia lịa. Và khi thấy Ngô khóc, Coco chạy đến ôm lấy mặt mẹ lau nước mắt. Người mẹ lúc này lại mỉm cười, lẩm bẩm đủ cho mình nghe thấy: "Con gái giỏi quá, khi có hộ khẩu, con có thể được đi học múa, hát".
Vy Trang (Theo ynet.com)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét