Các nhà tâm lý chỉ ra rằng, trẻ trưởng thành như thế nào phụ thuộc vào việc bố mẹ đối đãi với chúng ra sao ở thời hiện tại.
Nên tin vào sức mạnh của "lòng tin", đừng keo kiệt với những lời khuyến khích và động viên dành cho con. Hãy nói với trẻ 5 câu này mỗi ngày để con có thành tích tốt nhất.
"Con hôm nay..."
Công việc bận rộn cộng với áp lực cuộc sống khiến cha mẹ không còn nhiều thời gian cho con. Nhiều trẻ luôn tự phải chống đỡ với những cảm xúc tiêu cực, không cảm nhận được sự chia sẻ từ người thân.
Nhiều bố mẹ thích hỏi "Con hôm nay thế nào?" nhưng câu hỏi này quá trừu tượng, trẻ không biết trả lời bắt đầu từ đâu. Vì vậy cha mẹ nên chủ động tìm hiểu cuộc sống hàng ngày của con, đồng thời đặt những câu hỏi cụ thể để kích thích trẻ hứng thú chia sẻ. "Bữa trưa hôm nay con ăn gì?"; "Hôm nay con học được điều gì mới?" "Hôm nay con có giúp đỡ người khác không?" ; "Nếu dùng 1-10 điểm để đánh giá hôm nay, con sẽ cho mình bao nhiêu điểm?" Khi sự chia sẻ hàng ngày trở thành thói quen, bố mẹ mới thấu hiểu được suy nghĩ thực sự của trẻ.
"Con học nhanh quá!"
Bài tập về nhà là một trong những nguyên nhân "gây chia rẽ" tình cảm nhất giữa cha mẹ và con cái. Khi kèm con học, nhiều người chọn cách quát mắng và ép buộc mong trẻ chăm chỉ hơn. Sự thật là những trẻ ngoan không phải từ những lời quát mắng và đe nẹt. Trẻ bị quát mắng mỗi khi học bài sẽ hình thành ấn tượng "Vì học mà bị bố mẹ mắng", từ đó trẻ sẽ ghét rồi sợ học.
Cha mẹ thông minh biết rằng, khi kèm con học, không được đưa vào đó sự ép buộc mà phải "khen ngợi". Nếu trẻ không muốn làm bài tập, bố mẹ có thể nói "Hôm qua con học rất tốt, hôm nay con rút lui sao?". Hãy gợi ý cho trẻ về thành tích tốt và chúng sẽ vui vẻ vì được công nhận và sẵn sàng hoàn thành bài tập. Nếu trẻ không tập trung làm bài, bị xao nhãng bởi các yếu tố bên ngoài, bố mẹ có thể nói: "Con làm bài tập rất nhanh mà. Hãy cố gắng hoàn thiện bài trong 30 phút nhé".
Hãy để trẻ cảm thấy rằng bản thân chúng đã rất tuyệt vời và có thể làm tốt hơn nữa. Sự lười biếng của trẻ chỉ là tạm thời. Trẻ cần được cha mẹ hướng dẫn uốn nắn kịp thời để rèn luyện thói quen học tập tốt.
"Bố/mẹ tin rằng con sẽ làm tốt việc đó"
Tin tưởng con làm tốt mọi việc là một lời khích lệ có giá trị nhất với trẻ nhỏ. Nhà văn nổi tiếng người Anh Charles Dickens từng nói: "Trong cuộc sống có bốn thứ không bao giờ được phá vỡ. Đó là tin tưởng, quan tâm, lời hứa và tình yêu. Bởi khi bị phá vỡ, chúng chẳng phát ra âm thanh nào nhưng sẽ gây đau đớn tột cùng".
Khi thiên tài Edison 8 tuổi, ông từng đặt ra câu hỏi với giáo viên: vì sao 2+2=4?. Vì câu hỏi này, ông bị giáo viên cho là chậm chạp, năng lực thấp. Tuy nhiên, mẹ Edison, người luôn tin tưởng con trai mình, đã luôn kiên nhẫn dạy dỗ cậu bé. Dưới sự dìu dắt của mẹ, Edison say mê đọc sách - thói quen này trở thành nền tảng cho những phát minh lớn trong tương lai của cậu. Nếu người mẹ tin vào lời giáo viên, tin rằng con trai mình là một đứa trẻ kém cỏi, thế giới sẽ không có "vua của những phát minh? sau này.
Thành công vào sự tin tưởng con cái được thể hiện rõ nhất qua trường hợp của tỷ phú Elon Musk - ông chủ của hai hãng công nghệ lớn Tesla và SpaceX. Khi còn là đứa trẻ, Elon Musk luôn sống hướng nội. Anh chỉ thích ở nhà một mình đọc sách. Thay vì ép buộc con phải ra ngoài giao lưu với bạn bè, bà Maye Musk luôn động viên: "Mẹ nghĩ đó không phải là vấn đề, nếu con thích thì con cứ ở nhà đọc sách".
Sau khi tốt nghiệp trung học, Elon Musk muốn sang Canada du học, thực hiện ước mơ về khoa học công nghệ. Để con trai có thể theo đuổi ước mơ, mẹ anh không ngần ngại đưa cả gia đình rời Nam Phi. Khi Musk đến Stanford học đại học, anh đã bỏ học ngay ngày thứ hai vì có ý tưởng khởi nghiệp mới. Thay vì phản đối, bà Maye Musk luôn ủng hộ và hỗ trợ con. Khi nhắc về mẹ, Elon Musk thường cho rằng mình là một người may mắn. "Niềm tin này không hề mù quáng vì trẻ có khả năng vô hạn. Ngay cả khi bây giờ trẻ không đủ tốt, đủ giỏi nhưng chúng có thể tỏa sáng vào ngày mai", mẹ tỷ phú từng nói trong một cuộc phỏng vấn.
Ngoài những lời khen và động viên, điều trẻ cần nhất chính là sự tin tưởng từ bố mẹ. Trung tâm Nghiên cứu Thanh thiếu niên Trung Quốc đã thực hiện một cuộc khảo sát tại 6 tỉnh, thành phố bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông, Vân Nam, Cam Túc, Hà Nam, với câu hỏi thăm dò: "Câu mà con muốn nói với cha mẹ nhất là gì". Kết quả cho thấy câu "Hãy tin con" đứng đầu, với tỉ lệ phiếu bầu lên tới 63,5%. Điều này cho thấy tầm quan trọng không thể phủ quyết của việc trẻ em được cha mẹ tin cậy.
"Con không hề ngốc, chỉ cần cố gắng hơn nữa"
Trong quá trình kèm con học bài, nhiều cha mẹ than phiền con làm chậm và sai, dù giảng đi giảng lại nhiều lần. Đối mặt với việc con thường xuyên mắc lỗi, nhiều người dùng những từ như "ngu ngốc", "dốt nát", "không có tương lai" để chì chiết trẻ.
"Định vị quyết định địa vị", bố mẹ định hướng cho con cái như thế nào thì kết quả đạt được sẽ như vậy. Nếu cha mẹ thường xuyên khen con thông minh thì trẻ sẽ có được sự tự tin, không ngại khó trong học tập. Nếu thường xuyên bị mắng nhiếc, mạt sát thì điều đầu tiên, trẻ sẽ nhận thức được rằng bố mẹ không yêu thương mình, không hài lòng, thậm chí phủ nhận sự tồn tại của mình khiến trẻ không biết giải quyết vấn đề khi gặp khó khăn.
Khi con bị người ngoài chỉ trích vì sự kém cỏi, có thể kể cho trẻ nghe câu chuyện "Chim ưng thông minh và hải âu ngốc nghếch". Chú chim ưng được mọi người khen ngợi là thông minh nhưng lại lười biếng và không muốn bay qua đại dương. Trong khi hải âu bị nhiều người chê ngu ngốc lại không nghĩ nhiều đến lời đánh giá. Chú đã không ngừng bay và vượt qua vô vàn khó khăn, cuối cùng cũng bay được sang bên kia đại dương". Nói với trẻ rằng. "Chỉ cần con không ngừng cố gắng thì sẽ làm nhanh và giỏi hơn ai hết". Hãy luôn động viên, khuyến khích trẻ cố gắng mỗi ngày để chúng vượt lên chính mình.
"Không quan trọng nếu con trượt kỳ thi một lần. Điều quan trọng là con không ngừng nỗ lực"
Khi con cái gặp thất bại như thi trượt kỳ thi quan trọng, việc đầu tiên bố mẹ nên làm là hãy bình tĩnh và kiên nhẫn động viên con. Có thể dùng những lời khích lệ để át dần tâm trạng rầu rĩ. Chẳng hạn: "Con cũng không nên vì một lần thất bại mà cho rằng tất cả đã hết"."Mẹ nghĩ là chắc chắn lần sau con sẽ làm tốt hơn"."Không sao cả! Việc gì rồi cũng sẽ qua!".
Những lời động viên của bố mẹ trong lúc này có tác động rất lớn. Nó là cơ sở củng cố lòng tin, ý chí tiến thủ của con trẻ. Nó giúp trẻ lấy lại cân bằng tinh thần, dần rũ bỏ gánh nặng tâm lý về thất bại vừa qua.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng có thể đứng trên đỉnh cao, sẽ có lúc vấp ngã, chỉ cần trẻ giữ tinh thần cao, không ngừng leo lên thì chiến thắng luôn ở trong tầm mắt. Trước mắt trẻ còn cả một cuộc đời, vì thế các bậc làm cha mẹ đừng vì bất kỳ lý do nào tạo những áp lực khiến các con bị ảnh hưởng. Không có cánh cửa nào là duy nhất để chọn lựa, khi trẻ đã tuột tay ở cánh cửa thứ nhất, thì hãy đảm bảo rằng, chúng sẽ được chính bố mẹ cầm tay dắt đến cánh cửa tiếp theo!
Vy Trang (Theo aboluowang)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét