Nhật ký 'làng lụt'

Quảng BìnhSáng 18/10, mẹ tôi vừa đẩy nốt khối bùn dưới hiên nhà sau 3 ngày lũ thì mưa lại xối xả và nước bắt đầu dâng. Trận lụt thứ hai bắt đầu.

Chị Quỳnh Hương, giảng viên khoa Báo chí - ĐH Sư phạm Đà Nẵng, quê thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh chia sẻ những ngày sống trong lũ lụt ở quê hương mình.

Thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình ngập trong biển nước vào sáng 19/10. Ảnh: Quỳnh Hương

Thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình ngập trong biển nước vào sáng 19/10. Ảnh: Quỳnh Hương

Trong nhóm chat chung của cả gia đình, chị tôi liên tục cập nhật: Nước đã lên đến bậc tam cấp cuối cùng, nước đã mấp mé hiên, nước vào nhà, nước đã lút chân bàn...

Tối 18/10, làng Đồng Tư đã hoàn toàn ngập chìm trong nước. Mạ tôi ngồi ngơ ngác, nhìn quanh ban thờ ba bắt đầu thấm ướt từng tấm liễn. Anh rể tôi từ nhà khác bơi qua, cùng chị dâu út, thắp nén hương rồi bưng ban thờ ba lên gác. Trong nhóm chat, chị dâu cả vừa gửi hình con trâu đã đưa vào nơi cao nhất trong nhà mà giờ chỉ còn nhìn thấy vệt đen trên sóng lưng và cái mũi nó còn cố nhoi lên trên mặt nước. "Nước hỏng cẳng (chân) nó rồi, chắc bó tay thôi", chị nhắn xong rồi thở hắt.

Thôn Đồng Tư của tôi nằm giữa hai con sông, được gọi tên "làng lụt". Nhà tôi mới sửa sang, kiên cố và cao gần nhất xóm nhưng nước vẫn ngập tới ngực. Chị dâu út xoay xở cùng mẹ già và hai con thơ, chồng ở xa không về được. Nước vào nhà và dần dâng cao, mọi người lên tầng hai thì không bị ngập nhưng mưa tạt ướt như giữa trời. Nước tạt qua cửa sổ, chảy ngược vào sàn nhà. Bà cháu, mẹ con gắng quét, đẩy, tát nước ra mà không xuể.

20h ngày 18/10, chị gái tôi thông báo bị bầm tím và trầy xước hết chân tay do cố gắng khiêng vác đồ đạc và ôm hai con heo lên cao. Giống như chị tôi, bà con trong thôn ai cũng tìm cách cứu lấy tài sản trong nhà. Họ cố kê cao, kê cao chút nữa nhưng không thắng được mực nước. Giường tủ, đồ đạc bàn ghế, xong nồi... nổi lềnh phềnh trong lũ, trôi dạt khắp nơi. Phía sau, nhà cậu tôi nước ngập sát mái, không còn chỗ nấp. Kế bên, một nhà có gác xây đã lâu nước đã mấp mé tầng 2.

Làng tôi giờ toàn người già và trẻ nhỏ, thanh niên đều đi xa lập nghiệp. Đứa cháu bên Nhật gọi về: "Nhà mình còn đỡ, nhà mấy bạn cháu tội lắm dì ơi, lút hết rồi, không biết di chuyển được chưa, không biết còn có chi ăn không?".

Đêm nằm nghe tiếng mưa, tôi hình dung đêm nay sẽ là một đêm rất dài trong màn nước mênh mông. Những lần tỉnh giấc trong giấc ngủ chập chờn, tôi với cái điện thoại đọc tin tức.

"Cứu thôn Đồng Tư với kẻo nước lút quá to rồi, nhiều nhà sắp lút hết không còn chỗ trú cần di dời sang nhà cao. Hiện đò của thôn bị hỏng máy không thể làm gì được, mong cứu trợ gấp!", anh trai tôi là phó trưởng thôn Đồng Tư kêu cứu.

Tôi run run chia sẻ dòng trạng thái. Dưới dòng bình luận, bạn tôi cho hay: "Giờ nước to và chảy mạnh, trời tối đen, một số đò chạy máy công suất nhỏ (máy coler) không thể và không dám chạy vào, chắc phải chờ trời sáng". Không ai ngủ cả. Chị dâu nhắn: "Nghe nhiều tiếng kêu cứu, có cả tiếng khóc và kêu: Heo chết rồi, bò trôi rồi trời ơi!".

Điểm tập kết hàng cứu trợ, vị trí giữa hai thôn Xuân Dục (Xuân Ninh) và Đồng Tư (Hiền Ninh). Ảnh: Tôn Nữ Khánh Tùng.

Điểm tập kết hàng cứu trợ, vị trí giữa hai thôn Xuân Dục (Xuân Ninh) và Đồng Tư (Hiền Ninh). Ảnh: Tôn Nữ Khánh Tùng.

Sáng 19/10, tin từ chị dâu: "Sáng ra tạnh mưa, nước xuống chút, nghe tiếng mọi người gọi nhau rồi". Chị gửi tấm ảnh mọi người vẫy nhau từ xa và thêm dòng chú thích: "Mặc kệ của cải ngâm trong nước, mọi người trong xóm có vẻ vẫn an toàn và lạc quan vậy đó". Tin của chị khiến buổi sáng của chúng tôi nhẹ nhàng hơn.

Nhưng trời vẫn mưa, nước lại lên, những tin tức không còn được cập nhật đều đặn. Người thì mệt lả, người thì điện thoại sắp hết pin, những câu hỏi của chúng tôi không còn được trả lời ngay như trước. Chị tôi nhắn vỏn vẹn một câu: "Lâu lâu nhắn thôi, để tiết kiệm pin". Trên Facebook, người bạn cùng làng phát clip trực tiếp về việc nhóm của bạn vừa cứu được một người phụ nữ tên Mơ mắc kẹt trong ngôi nhà gần ngập lút ở cuối làng. Được cứu ra nhưng chị Mơ vẫn hoảng sợ, khóc nức nở trên thuyền cứu hộ.

Phát và cứu trợ thức ăn tại nhà ông Hoan, xóm Đồng Lực, thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Hoàng Văn Thân.

Phát và cứu trợ thức ăn tại nhà ông Hoan, xóm Đồng Lực, thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Hoàng Văn Thân.

Tôi nhắn tin hỏi đứa bạn về tình hình của mẹ già một mình ở quê, bạn bảo, bà lên tra (gác lửng gần sát mái nhà) ngồi, lương thực đủ 3 ngày, nước còn cách tra khoảng 1 mét. Bạn còn nhắn động viên tôi: "Dù thế nào, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi!".

Hôm 20/10, tôi mang tinh thần này nhắn tin chúc mừng mẹ, các chị em. Tôi chúc những người phụ nữ thương yêu của mình ngoài ấy hãy mạnh mẽ như những chiến binh, kiên cường để vượt qua những ngày khó khăn nhất trong đời. Đáp lại, chị dâu tôi nhắn: "O út yên tâm nhé. Giờ cả nhà ai cũng là siêu nhân rồi".

Cuối ngày, tôi nhắn hỏi đứa em họ về tình hình dì tôi ở làng bên, em nhắn: "Nói chung, kĩ năng sinh tồn của mạ em tốt nên không sợ, chỉ sợ mạ mệt quá rồi đổ bệnh ra thôi". Em gửi cho cái hình dì cười rất tươi tại nơi trú tránh trong góc tối chật chội. Tôi an lòng.

Ba ngày nay nước lụt cứ chơi trò lên xuống, giờ nó vẫn đứng im. Người dân quê tôi có người đã kiệt sức, có người bắt đầu hết nước uống đồ ăn. Đã có những chuyến hàng cứu trợ đầu tiên dù phải rất khó khăn mới di chuyển và gửi đồ vào được.

Vẫn lo lắng nhiều nhưng tôi tin, như lời bạn mình, dù thế nào cũng sẽ ổn thôi. Bởi vì bà con tôi đùm bọc san sẻ nhau; bởi vì những tấm lòng cả nước vẫn đang hướng về. Bởi vì những đứa con xa quê như chúng tôi vẫn thao thức cùng quê.

Let's block ads! (Why?)

About Unknown

Unknown
"Mình là Phương Nguyễn, thâm niên 4 năm kinh nghiệm thiết kế website và làm marketing, tuy nhiên kể từ 1 năm trở lại đây mình không còn làm marketing nữa, và chỉ tập trung vào viết plugin và giao diện cho Wordpress, nếu các bạn thấy bài viết hay thì hãy chia sẻ cho những người khác cùng tham khảo, còn nếu muốn thiết kế website hoặc sửa web hay đặt một plugin có chức năng đặc biệt, hãy liên hệ ngay tới Phương"
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Đăng nhận xét