TP HCM18 năm sau ly hôn, chị Tiểu Phương, chồng cũ và hai người vợ sau của anh vẫn giữ mối quan hệ thân thiết, coi nhau là bạn, quan tâm con họ như con mình.
Khi con trai nhận tháng lương đầu tiên, chị Nguyễn Tiểu Phương, 47 tuổi, ở quận 1, tổ chức một bữa ăn ở nhà hàng để chúc mừng. Người mẹ mong chờ giây phút được con trai tặng cho một bao lì xì để đánh dấu bước trưởng thành đầu tiên của mình nhưng chẳng ngờ anh con trai đã "nướng" hết tiền vào đồ công nghệ.
"Hơn 20 năm chăm bẵm. Mẹ cứ đinh ninh tháng lương đầu đời con sẽ tặng mẹ một bao thư. Ai dè! Mẹ hụt hẫng quá!", chị Phương vờ than thở. Cả bốn người gồm mẹ con chị, chồng cũ và vợ mới của anh đều cười nghiêng ngả.
Những buổi gặp mặt của Tiểu Phương - huấn luyện viên một trung tâm yoga và gym - với gia đình của chồng thường xuyên diễn ra trong không khí vui vẻ và thoải mái như vậy. Những người quen biết hâm mộ Tiểu Phương bởi thành tích gần như luôn đứng đầu các đường chạy marathon phong trào. Giới runner còn truyền tai nhau câu chuyện "làm bạn với chồng cũ và hai người vợ sau" của Tiểu Phương với sự ngưỡng mộ.
"Tôi làm vợ của anh ấy 8 năm, nhưng chắc sẽ làm bạn với anh ấy cả đời", chị chia sẻ.
Chị Phương và chồng cũ ly hôn 18 năm trước. Chồng chị vốn là một người đàn ông thành đạt, đẹp trai, gia đình nề nếp, song cũng vì thế xung quanh luôn có rất nhiều cám dỗ. Từ khi có con, họ ngày càng xung khắc với nhau. Tới một ngày người vợ nhìn anh chồng đã bên mình 8 năm mà "thấy như người xa lạ". "Chính lúc đó tôi nhận ra đã hết yêu anh ấy rồi", chị nhớ lại.
Ban đầu Phương đề nghị ly hôn, chồng vẫn cố níu kéo. Cuối cùng anh chấp nhận, nhưng đòi quyền nuôi con. Chị nói: "Chia tay xong, anh sẽ có gia đình khác rất nhanh và có người phụ nữ khác sinh con cho anh. Còn em xác định chỉ có mình con thôi". Ông xã đành thuận theo mong muốn của chị. Thứ duy nhất có thể khiến họ xảy ra tranh chấp đã được giải quyết như vậy.
Dù là người chủ động đưa ra đề nghị chia tay, thời gian đầu Tiểu Phương vẫn thấy buồn bã. Đang trong một nếp sống có vợ có chồng, nay chỉ có một mình lẻ loi, nhiều lúc người phụ nữ thấy yếu lòng. Chị chọn cách hạn chế gặp, hạn chế nói chuyện với chồng cũ để lấy lại trạng thái cân bằng.
Thời đó, hàng đêm cậu con trai chị vẫn ôm tấm chăn của bố vào lòng, hỏi mẹ: "Bố đi công tác hay sao lâu về thế mẹ?", "Có phải bố không yêu con, yêu mẹ nữa không?"... Chị giải thích: "Bố mẹ vẫn rất yêu con. Chỉ là bố mẹ không còn hợp nhau, không sống chung với nhau nữa". Người mẹ quán triệt nguyên tắc không bao giờ nói xấu chồng trước con trai. Trong lòng cậu bé, bố vẫn luôn gắn với hình ảnh người đàn ông thành đạt trên thương trường.
Khoảng hai năm sau ly hôn, mối quan hệ của hai người từng là vợ chồng trở lại trạng thái bình thường. Họ lại có thể nói chuyện với nhau thoải mái như hai người bạn thân thiết. "Thậm chí, tôi có thể ôm vai bá cổ anh ấy giống như khoác vai đàn em trên đường chạy", Tiểu Phương chia sẻ. Nhiều khi đang cà phê với bạn, người đó cần tư vấn kinh doanh, chị liền gọi cho anh xin tư vấn, thậm chí kéo anh khỏi công việc để "hầu chuyện" bạn mình. Những bữa ăn giữa hai mẹ con chị với chồng cũ và bạn gái anh diễn ra ngày càng nhiều hơn.
Một ngày, chị hỏi anh: "Sao anh sống với cô ấy mà không kết hôn đi. Con gái người ta có thì". Anh hỏi lại: "Em đồng ý hả? Vậy anh sẽ cưới cô ấy". Tháng sau anh gửi thiệp mời.
Tiểu Phương vui vẻ đón nhận tin này, nhưng con chị thì phản ứng ngược lại. Cậu bé con tên Kiên, lúc này 6 tuổi thắc mắc: "Tại sao bố lại kết hôn với cô? Sống với nhau cũng được mà". Người mẹ giải thích: "Đúng là sống với nhau cũng được nhưng nếu vậy cô sẽ không có danh phận, nghĩa là cô sẽ không có trách nhiệm chăm sóc bố. Đàn ông luôn cần một phụ nữ bên cạnh để chăm sóc, giống như Kiên có mẹ, như bà ngoại chăm ông ngoại. Vì thế bố và cô kết hôn là điều bình thường thôi".
Chị Phương tạo điều kiện cho con gần bố. Những năm đầu bố mới lấy vợ hai, cứ cuối tuần là cô lại qua đón Kiên về nhà mình chơi, thi thoảng đi du lịch ba người. Khi cô sinh em bé, Kiên háo hức tới độ từ chiều thứ 6 đã gom đồ chơi, cặp sách sẵn, để sáng thứ 7 bố tới đón sang chơi cùng em. Sau này cô chia tay bố, qua Mỹ định cư, mẹ con chị Phương vẫn thân thiết với cô trên mạng xã hội. Tương tự, 5 năm trước anh đi bước nữa, chị Phương vẫn chơi với người thứ ba như bạn.
Suốt 18 năm kể từ khi ly hôn, Tiểu Phương vẫn giữ thói quen sáng mùng Một đưa con về chúc Tết nhà nội. Người phụ nữ xác định "ly hôn nhưng không từ bỏ gia đình nội của con". Giỗ chạp chị về, sinh nhật ai chị cũng bảo con nhắn tin chúc mừng. "Lần nào cô thứ hai từ Mỹ về, chồng cũ và vợ anh ấy sẽ nấu cơm, 4 người lớn và hai đứa nhỏ ngồi lại cùng ăn uống với nhau vui vẻ", chị Phương kể.
Cách hành xử của mẹ đã ảnh hưởng lên Kiên. "Mẹ không dạy nhưng mẹ sống để tôi thấy mình chỉ có thêm mẹ chứ không mất gì", Lê Trung Kiên, 22 tuổi, chia sẻ.
Nhiều người nói, tâm sinh lý của con cái là vấn đề đáng lo nhất khi ly hôn. Song chị Phương đã có một đứa con được nhiều người bạn ví như "trời cho". Mỗi lần mẹ tham gia giải chạy, Kiên thường đi theo phục vụ. Là thanh niên, nhưng 4h sáng mẹ gọi "Kiên đi lấy cho bọn mẹ xô đá", "Kiên nấu mẹ bát mỳ" thì liền bật dậy làm ngay. Có lần mẹ tham gia chạy một giải ở Tam Đảo, còn 10 km cuối thì tai nghe hết pin. Khi biết chuyện, Kiên liền chạy bộ xuống để đưa tai nghe cho mẹ...
Năm Kiên học lớp 10, chị Phương phát hiện con có người yêu. Mối tình học trò kéo dài gần 3 năm và chấm dứt đúng vào ngày thi đại học. Điều khiến người mẹ bất ngờ là, dù chia tay Kiên vẫn đỗ vào Đại học khoa học tự nhiên với điểm khá cao. Cậu và bạn gái cũ vẫn hỏi thăm nhau, thậm chí tư vấn tình cảm cho nhau khi có người mới. "Tôi nghĩ con trai vượt qua được mối tình học trò một phần do ảnh hưởng từ bố mẹ", chị Phương nói.
Chồng cũ chị Phương chia sẻ, anh và chị chia tay vì không còn hợp nữa. Nhưng hậu ly hôn, trách nhiệm với nhau mới là quan trọng. Anh cùng phối hợp với vợ cũ lo học hành, sự nghiệp của con trai; hiếu thuận, thường xuyên thăm nom bố mẹ vợ. Ngược lại, khi anh cần hỗ trợ gì trong việc kinh doanh, bố mẹ chị Phương vẫn luôn sẵn lòng giúp đỡ. "Không còn tình, chúng tôi đối với nhau bằng nghĩa", người đàn ông ngoài 50 tuổi nói.
Hiện, anh đã xây xong một khu nghỉ dưỡng ở Bến Tre, với mơ ước vài chục năm nữa đó sẽ là nơi để dưỡng già của vợ chồng anh và hai người vợ cũ. Con cái tiện về thăm nom. Ý định này được anh nói nhiều lần trong các cuộc trò chuyện 4 người, rằng "vợ chỉ có người cuối, còn người đầu và thứ hai là bạn".
Nguyễn Tiểu Phương chia sẻ thêm, chị có nhiều bạn thân là nam giới nên nói chuyện với họ chị rút ra "đàn ông rất đơn giản, chỉ có phụ nữ hay phức tạp vấn đề". Hiểu được điều này chị đã học cách buông bỏ ích kỷ, ghen tuông, sống đơn giản.
"May mắn là chồng cũ và những người phụ nữ đã đi qua đời anh rất tân tiến, nên chúng tôi có được mối giao hảo tốt đẹp", chị Tiểu Phương chia sẻ.
Phan Dương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét