Người đàn ông Hà thành mang 26 tỷ đi trồng nấm

Hà NộiSuốt hai năm đầu theo nghiệp trồng nấm, mỗi ngày Triệu Quang Trung mất gần 30 triệu đồng vì nấm hỏng. Tóc bạc gần nửa đầu nhưng anh không bỏ cuộc.

Lái chiếc xe đỗ gọn vào bãi phía trước khu nhà xưởng, anh Triệu Quang Trung, 46 tuổi, bước vội vào trong, thay bộ đồ chuyên dụng, xắn cao ống quần và bắt đầu công việc thường nhật của mình: Kiểm tra tiến độ phát triển của nấm. Xong việc, đi ngang qua khu vực thu hoạch, thấy nhân viên đang vác nấm lên xe tải, anh cũng xắn tay vác hai thùng lên xe, rồi mới đi tiếp. Người lạ đến xưởng sẽ không thể đoán "ông chủ Trung" là ai trong số gần chục người đàn ông ở đây.

Nhìn dáng vẻ của anh, không ai ngờ cách đây 6 năm, trong lúc đang "phất lên" nhờ kinh doanh nấm Hàn Quốc nhập khẩu và có trong tay hàng chục tỷ đồng, người đàn ông này dám xông vào lĩnh vực trồng nấm và từng suýt phá sản bởi nhiều năm liên tục thất bại.

Cuộc phiêu lưu của Triệu Quang Trung bắt đầu từ một chuyến thăm của ông anh kết nghĩa người Hàn Quốc. Trong lúc hai người đang đi siêu thị cùng nhau, người anh - vốn là một chuyên gia về nấm - bất chợt cầm lên tay một hộp nấm, lắc đầu, chép miệng bảo: "Thứ kém chất lượng như này ở Hàn Quốc người ta sẽ vứt đi, thế mà ở đây lại đem bán".

Vốn là một tu nghiệp sinh và làm việc 12 năm trong lĩnh vực vi sinh - nấm ăn, nấm dược liệu ở Hàn Quốc nên anh Trung rất "suy nghĩ" với câu nói này. Sau một đêm tính toán, người đàn ông Hà thành quyết định bước sang lĩnh vực mới, trong đầu văng vẳng câu hỏi của ông anh: "Sao chú không tự trồng nấm sạch mà bán cho dân mình?".

Phòng trồng nấm linh chi sừng hưu - một loại nấm dược liệu được tại xưởng sản xuất nấm của anh Trung. Ảnh: Phạm Nga.

Phòng trồng nấm linh chi sừng hươu - một loại nấm dược liệu được sản xuất tại xưởng của anh Trung. Loại nấm này được bán cho các viện nghiên cứu, đơn vị bào chế dược liệu. Ảnh: Phạm Nga.

Nghe anh Trung bàn, vợ anh giật mình, khuyên chồng cân nhắc. Bạn bè thì thắc mắc: "Có vài chục tỷ trong tay, thiếu gì cách để vừa được ngồi phòng lạnh, vừa kiếm tiền nhanh mà lại lao đi trồng nấm. Mày có điên không?".

Giao lại việc kinh doanh cho vợ, người đàn ông 40 tuổi mang 26 tỷ, vừa là vốn, vừa là tiền vay mượn đặt mua 17 container máy móc, thiết bị từ Hàn Quốc chở lên xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn khởi nghiệp. Công ty sản xuất và tiêu thụ nấm của Triệu Quang Trung xuất hiện như một chấm nhỏ trên "bản đồ" doanh nghiệp Việt Nam từ đó.

Trong khu xưởng rộng 2.500 m2, anh dựng một căn nhà cấp bốn, ở cùng hai nhân viên và ba người làm thời vụ. Giường chưa có, họ trải chiếu dưới sàn mà ngủ. Nấu ăn, giặt giũ, quét nhà, sáu người đều chia đều đầu việc. Sáng anh dậy sớm hơn nhân viên. Họ vác máy, anh cũng gồng lưng đẩy thiết bị vào xưởng lắp đặt. Khi xưởng hoàn thiện là những ngày ông chủ Trung rong ruổi khắp các tỉnh Cao Bằng, Hòa Bình, Bắc Cạn, Lạng Sơn... để tìm mua lõi ngô, mùn cưa về làm nguyên liệu.

Mọi việc tưởng thuận lợi, nhưng những mẻ nấm thành phẩm đầu tiên đều không đạt tiêu chuẩn dù làm đúng công thức và quy trình. Anh cầu cứu chuyên gia Hàn Quốc, họ chỉ nhắn lại: Kiểm tra lại nguồn nguyên liệu, test axit trong mùn cưa và lõi ngô. Làm theo, anh mới biết nhiều thương lái thu mua mùn cưa, lõi ngô đã ngấm nước mưa rồi phơi khô, đem bán cho mình. Anh dặn họ: "Lần sau nếu phơi mắc mưa thì báo để tôi hỗ trợ, chứ đừng bán. Các anh được lời vài triệu, còn một mẻ nấm hỏng, tôi mất gần 30 triệu".

Nguyên liệu đạt chuẩn, nhưng nấm khi mốc xanh, khi mốc hoa cau, lúc mốc thạch cao... Hàng trăm mẻ nấm trồng 60 ngày mới trưởng thành đều phải vứt đi. Biết nguyên nhân là do độ ẩm nguyên liệu chưa đạt chuẩn, anh Trung dừng sản xuất hàng loạt. Mỗi ngày, anh trồng một mẻ, cuốn chiếu ngày một để thử độ ẩm khác nhau. "Nhiều bữa mấy anh em vừa tếu nhau vừa làm đến khuya, không ăn cũng chẳng thấy đói. Mọi người đi ngủ, đến 2-3 giờ sáng anh ấy vẫn làm việc", anh Tô Văn Ngàn, một trong những nhân viên đầu tiên của anh Trung nhớ lại.

Ngày lao động chân tay, đêm thức đọc tài liệu, túc trực để tận mắt chứng kiến nấm trưởng thành thế nào, anh "nông dân Hà Nội" chỉ ngủ vài tiếng mỗi ngày, thậm chí thức trắng. Nhưng kết quả những mẻ nấm sau vẫn giống mẻ nấm trước. Những mẻ nấm trị giá gần 30 triệu lại được mang đi đổ bỏ.

Suốt ba tháng liền, dù xưởng cách nhà chỉ hơn 20 km, anh vẫn không có thời gian về thăm vợ con. Hai đứa trẻ nhớ bố, vợ anh phải đưa con lên thăm. Nhìn thấy chồng tóc bạc trắng nửa đầu, người gầy gò, đen nhẻm, chị nhà xót ruột: "Anh làm để sống hay làm để chết vậy?". Người vợ khuyên chồng từ bỏ, về kinh doanh như trước nhưng anh không nghe.

Có những ngày, không khí làm việc ở xưởng căng thẳng và chỉ có những khẩu lệnh ngắn gọn. "Làm đúng quy trình chưa?", anh Trung chất vấn nhân viên khi lại một mẻ nấm nữa hỏng. "Em làm đúng rồi". "Đúng sao lại mốc xanh thế này!", anh bực tức. Nhưng ngay sau đó anh kịp trấn tĩnh, động viên anh em cùng cố gắng.

Anh Ngàn cho biết, làm cùng, anh học được sự kiên định của anh Trung: "Mất tiền tỷ mà vẫn điềm đạm, giữ bình tĩnh. Anh ấy đam mê, ai nói gì cũng không chịu bỏ cuộc".

Nhưng không phải ai cũng nghĩ như anh Ngàn, một số nhân viên thấy doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nên chán nản, xin nghỉ việc. Có người bạn cho vay vốn, thấy nguy cơ mất trắng nên đề nghị anh chuyển đổi kinh doanh. Thuyết phục không được, hai người không còn thân thiết như trước. "Đi qua những ngày đó, tôi phải đánh đổi nhiều thứ, không chỉ tiền bạc mà còn sứt mẻ tình cảm", Triệu Quang Trung nói.

Về thăm nhà, anh Trung bị bố mẹ phản đối gay gắt. Họ hàng, cô dì, chú bác cũng trách đứa cháu "tự nhiên đi bỏ tiền vào chỗ không đâu". Mọi thứ dồn lên vai khiến người đàn ông bế tắc. "Tôi ức vì rõ ràng mình có chuyên môn, có kỹ thuật mà làm mãi không thành và buồn vì không được mọi người tin tưởng, ủng hộ", anh nhớ lại.

Anh mang chuyện của mình chia sẻ với người anh kết nghĩa ở Hàn Quốc. "Yên tâm, chú nhất định sẽ thành công. Thiếu tiền anh sẽ cho vay, kỹ thuật cần anh sẽ hỗ trợ. Chú mà bỏ cuộc thì anh không nhìn mặt nữa", người đàn ông cũng khởi nghiệp thành công từ nấm khi chưa có máy móc tối tân, khích lệ. Sau đó, cứ mỗi tháng một lần, người này lại bay sang Việt Nam tư vấn cho anh Trung.

Như được tiếp thêm sức mạnh, anh tiếp tục thức đêm làm việc, có khi 5 tháng liền không về nhà. Hơn hai năm, sau gần 1.200 mẻ nấm thử nghiệm, gần 5 tỷ mất trắng, cuối cùng, anh cũng xác định được độ ẩm mùn cưa để làm nấm ở Việt Nam là 14%.

"Thành quả ngọt ngào đập tan áp lực trong tôi. Nhân viên làm việc cũng hăng hái hơn. Những cuộc họp không còn căng thẳng", anh Trung kể.

Sản phẩm nấm đùi gà tại xưởng sản xuất của anh Triệu Quang Trung. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sản phẩm nấm đùi gà, một trong năm loại nấm ăn đang được nuôi trồng tại xưởng của anh Triệu Quang Trung. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhưng vừa giải tỏa được áp lực sản xuất, mối lo không bán được hàng lại đè nặng lồng ngực anh. Mỗi ngày sản xuất một tấn nấm, nhưng anh chỉ bán được 200kg. Khách hàng thấy nấm mập mạp, hình thức bắt mắt thì sợ bị "phun thuốc" hoặc "nhập bên Trung Quốc về".

Những ngày đó, cả ông chủ và nhân viên mang nấm đến nhà người dân quanh xưởng và hơn 20 khu chung cư ở Hà Nội tặng miễn phí để giới thiệu, nhưng không ai dám ăn. Hôm sau, để chứng minh đúng là nấm "Made in Việt Nam", Trung mang nấm còn chưa hái đến để người dân nhìn tận mắt, giới thiệu địa chỉ xưởng sản xuất. Một số người am hiểu về nấm đồng ý lấy. Ăn thấy ngon, họ giới thiệu các đoàn về xưởng khảo sát thực tế.

Anh cũng tuyển người gần xưởng nấm đến làm việc để vừa tận dụng nhân lực có sẵn, vừa cho họ biết quy trình trồng nấm ra sao để "tiếng lành đồn xa". Từ đó, khách hàng tìm đến với công ty anh Trung mỗi lúc một đông.

Tung ra thị trường năm loại nấm là nấm yến, nấm ngọc châm đen, ngọc châm trắng, nấm hương, nấm đùi gà, giá của xưởng anh Trung rẻ hơn giá nhập khẩu, nhưng đắt hơn nấm Trung Quốc và nấm truyền thống. Không thể cạnh tranh bằng giá, anh chuyển sang chỉ sản xuất loại các nấm mà Trung Quốc chưa có, đồng thời khảo sát thị trường.

Phát hiện kênh phân phối nấm Trung Quốc chủ yếu ở chợ, anh chuyển hướng tiếp cận các siêu thị lớn, nhà hàng, đồng thời, đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap để xây dựng lòng tin của khách hàng.

Anh Triệu Quang Trung vừa được nhận bằng khen nông dân xuất sắc nhờ nỗ lực và thành quả có được. Ảnh: Phạm Nga.

Anh Triệu Quang Trung vừa được nhận bằng khen nông dân xuất sắc Việt Nam nhờ nỗ lực và thành quả có được. Hiện tại, công ty anh Trung đang tiến hành chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm cho một số đơn vị, trong đó có một tập đoàn ở Bắc Ninh. Ảnh: Phạm Nga.

Năm 2017, công ty của anh sản xuất 230 tấn nấm, doanh thu 20 tỷ. Lợi nhuận thu về, anh tiếp tục đầu tư máy móc, trang thiết bị. Năm 2018, anh mở rộng xưởng sản xuất lên 5.000 m2. Hết năm 2019, anh sản xuất 350 tấn nấm, doanh thu 36 tỷ, lợi nhuận trung bình khoảng 25%. Vừa qua, anh Trung là một trong 63 người được nhận bằng khen Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020.

Nhìn thành quả có được của anh Trung, những người trước kia rời bỏ anh muốn quay lại, nhưng bị từ chối. Những anh em theo anh từ ngày đầu được anh truyền kiến thức, kỹ năng đủ sức tự khởi nghiệp. "Tôi mừng vì đã chứng minh được cho mọi người thấy quyết định của mình không hề sai. Thế nhưng vợ tôi thì vẫn càm ràm 'làm gì mà làm lắm thế'", anh cười hào sảng.

Năm nay, vì Covid-19 nên sản lượng nấm xuất ra thị trường giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trải qua nhiều "trận bão", thách thức này, chỉ như cơn "áp thấp suy yếu" đến trong cuộc đời anh "nông dân tỷ phú".

Phạm Nga

Let's block ads! (Why?)

About Unknown

Unknown
"Mình là Phương Nguyễn, thâm niên 4 năm kinh nghiệm thiết kế website và làm marketing, tuy nhiên kể từ 1 năm trở lại đây mình không còn làm marketing nữa, và chỉ tập trung vào viết plugin và giao diện cho Wordpress, nếu các bạn thấy bài viết hay thì hãy chia sẻ cho những người khác cùng tham khảo, còn nếu muốn thiết kế website hoặc sửa web hay đặt một plugin có chức năng đặc biệt, hãy liên hệ ngay tới Phương"
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Đăng nhận xét