Đồng NaiThấy nhiều cụ già không còn người thân chăm sóc bà Nguyễn Thị Hồng, 54 tuổi ở xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch đón về nhà, chăm sóc miễn phí đến cuối đời.
4 giờ chiều, khi ánh nắng cuối ngày đã dịu, khoảng sân lớn trước dãy nhà của bà Hồng ở ấp Rạch Bảy, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, xuất hiện hơn 40 cụ già lục tục kéo nhau ra ngồi. Mỗi người một ghế đá, các cụ ông, cụ bà kể nhau nghe những câu chuyện không đầu không đuôi. Họ đều không còn người thân, có cụ bị tai biến, đãng trí, có cụ thần kinh không ổn định... từ nhiều nơi được bà Hồng đưa về chăm sóc.
"Bây giờ là giờ uống sữa và ăn bánh. Đã quen nếp nên cứ đến giờ là các cụ ra ghế ngồi chờ, không ai bảo ai", bà Nguyễn Thị Hồng nói.
Gần 15 năm qua, nhà của bà được người dân địa phương quen gọi là "mái ấm cô Hồng" - nơi dưỡng lão của hàng trăm người già vô gia cư cho đến khi họ trút hơi thở cuối cùng. Hiện tại, mái ấm đang nuôi 76 người, trong đó có 32 người bị tai biến chỉ nằm một chỗ. Mỗi cụ đến với mái ấm mang một câu chuyện riêng, nhưng có điểm chung là họ không còn bất cứ người thân nào để nương tựa.
"Có năm vừa xong ba ngày Tết, sáng mở cổng thì thấy một bà cụ bò từ ngoài đường vào, hỏi chuyện thì cụ không nhớ chút gì về thông tin cá nhân mà chỉ nói 'tới ở với cô Hồng'", người phụ nữ 54 tuổi kể.
15 năm "lo chuyện bao đồng" nên người dân ấp Rạch Bảy đã gần như quên hẳn bà Hồng cùng chồng từng làm nghề buôn bán xăng dầu cho những chiếc xáng cạp trên sông. Bà kể, thời còn đi buôn cùng chồng, bà gặp không ít hoàn cảnh nhưng ám ảnh nhất là hình ảnh những cụ già gầy gò, run rẩy đi nhặt ve chai, bán vé số trong khi đáng lẽ cuối đời họ phải được nghỉ ngơi, được con cháu chăm sóc, phụng dưỡng. Nhiều lần bà nói bâng quơ với chồng: "Tui ước sau này khi con cái lớn, có nhà cửa khang trang nhất định sẽ đón các cụ về nuôi".
Chồng bà, ông Trần Thanh Thuận, 58 tuổi khi ấy đã phản đối ngay: "Bà thương người ta thì gửi tiền vào các mái ấm nơi đó có người chăm sóc chứ người già bệnh, ốm đau sao bà lo nổi".
Năm 2004, vợ chồng bà xây nhà. Với số tiền tích cóp sau nhiều năm, bà bảo chồng hãy làm nhà rộng nhất có thể với "ý đồ" để dành chỗ cho những người già vô gia cư. Nhưng tuyệt nhiên, bà không nói ý nghĩ đó ra với chồng.
Một năm sau, bà Hồng lên Biên Hòa để thăm hai con đang đi học. Lần đó, bà nhìn thấy một bà cụ ngồi ở mé sông ôm mặt khóc. Lại hỏi chuyện, bà cụ kể mình không có chồng con, người thân thất lạc từ lâu. Thời trẻ đi làm giúp việc nhưng giờ đã hơn 70 tuổi, sức khỏe yếu không còn ai thuê mình, không có chỗ ở, không biết sẽ về đâu trong những ngày cuối đời nên tủi thân mà khóc. Nghe xong câu chuyện, bà Hồng nói: "Nếu bà không có nơi nào để về thì về nhà con, con nuôi bà đến cuối đời. Nhưng ở nhà con phải ăn chay, bà có ăn được không?". Bà cụ đáp lại: "Tui ăn gì cũng được, miễn có chỗ nằm che nắng mưa".
Vậy là bà Hồng dẫn bà cụ về nhà. Trên đường đi, bà thầm cầu cho chồng không phản đối quá gay gắt, sợ làm tổn thương đến bà cụ già. Nhưng khi về đến nhà, ông Thuận đồng ý luôn. Thở phào, nhưng cũng bất ngờ với thái độ của chồng, bà hỏi: Sao anh không phản đối?. Ông Thuận trả lời: "Anh định phản đối vì sợ em cực khổ nhưng anh hết nói nổi em rồi".
Vậy là bà cụ sống cùng vợ chồng bà Hồng. Bốn năm tiếp theo, căn nhà đón thêm ba cụ già nữa. Hàng ngày, vợ chồng bà lên ghe xuôi sông Sài Gòn buôn bán, tối về trải chiếu ngủ ngoài phòng khách nhường căn phòng và chiếc giường cho các cụ.
Cách đây 10 năm, bà Hồng nghe được ở Sài Gòn có ông cụ neo đơn đang ở nhà trọ, sống bằng nghề đạp xích lô. Sau một cơn tai biến, ông cụ chỉ nằm một chỗ. Chủ nhà trọ không biết phải làm sao nên đến nhờ bà Hồng nuôi giúp. Nhà không còn chỗ, ông cụ lại tai biến nên việc chăm sóc rất bất tiện nên bà Hồng bàn với chồng xây một căn nhà khác trên mảnh đất trống cạnh nhà, chia làm hai. Một bên làm chỗ ngủ cho 4 cụ, một bên để trống "mỗi lần sang chăm các cụ thì mình nghỉ ngơi". Ông Thuận nghe vợ, dựng căn nhà lá trong 3 ngày, sang ngày thứ 4 bà Hồng nhắn chủ trọ chở ông cụ về.
"Lúc bấy giờ tui mới ngộ ra, ý định của bả ngăn nhà ra làm hai là để chỗ cho ông cụ bị tai biến này", ông Thuận kể. Cũng năm đó, bà Hồng quyết định ở nhà chăm mẹ bệnh đồng thời chăm các cụ, không cùng chồng đi buôn bán nữa.
Bà Hồng không những đã "kéo" được chồng đồng hành cùng mình mà một số anh chị em ruột và hàng xóm cũng đến phụ bà chăm sóc các cụ. Anh Nguyễn Văn Lợi, 42 tuổi, nhà ở cách mái ấm khoảng 100 mét cứ 2h sáng mỗi ngày đều sang nhà bà Hồng để phụ nấu nướng."Tui thấy người già thì nhiều mà người chăm thì ít, mình có sức khỏe thì giúp thôi. Tui thường phụ nấu nướng và pha sữa vì các cụ dậy sớm lắm, tới sáng thì về đi làm, cứ như thế cả chục năm rồi", anh Lợi nói.
Để nuôi các cụ, ban đầu bà Hồng dùng tiền cá nhân, nhưng khoản tiền tiết kiệm của gia đình đã cạn từ lâu, năm mẫu đất của vợ chồng bà cũng được bán dần, lấy tiền trang trải cho mái ấm. Năm năm nay, mái ấm của bà được nhiều người biết đến hơn nên gạo hoặc tã giấy dùng cho các cụ bị liệt nằm một chỗ là hai thứ cần thiết nhất cũng được nhiều mạnh thường quân hỗ trợ.
Riêng bà Hồng, quanh năm vẫn chỉ mặc những bộ đồ bà ba nâu. Từ ngày đón các cụ già vô gia cư về nuôi, vợ chồng bà chưa có một chuyến du lịch hay ăn uống bên ngoài. "Trước kia, thỉnh thoảng nhà có mua sầu riêng "ăn sang" một bữa. Nhưng giờ thì thôi luôn, các cụ ăn gì mình ăn đó", bà nói.
Ông Võ Thanh Hoàng, Phó Chủ tịch xã Phú Hữu chia sẻ thêm: "Cô Hồng không chỉ giúp đỡ những cụ già neo đơn ở trong huyện mà còn ở nhiều nơi khác nữa. Mỗi dịp lễ Tết, cô ấy còn vận động quà từ mạnh thường quân để trao thêm cho người nghèo trong địa bàn xa. Các cụ ở mái ấm đều được địa phương hỗ trợ làm bảo hiểm, làm tạm trú, khi mất thì làm giấy báo tử".
Diệp Phan
0 nhận xét:
Đăng nhận xét