Vài giờ sau khi mặt trời lặn, Luong Thi Tu kéo chiếc vali của mình vào một con hẻm nhỏ ở trung tâm ở Tokyo để tìm kiếm "địa chỉ vàng" dành cho người Việt ở Nhật.
Luong là một cô gái 22 tuổi người Việt, vừa bị cho thôi việc tại một khách sạn ở một thị trấn có suối nước nóng, nằm phía bắc Tokyo.
Sau vài phút đi bộ trên đường, Lương thấy Jiho Yoshimizu - người điều hành một nhóm hỗ trợ cho các công nhân Việt Nam, đang vẫy cô, từ lối vào của một tòa nhà bê tông.
Nơi Luong Thi Tu tới là ngôi chùa Phật giáo 3 tầng tên Nisshinkutsu. Nơi đây trở thành "thiên đường" cho những lao động trẻ người Việt Nam - một trong những nhóm người bị ảnh hưởng nặng nề do sự suy thoái kinh tế xảy ra, sau dịch Covid-19 ở Nhật Bản.
"Tôi cảm thấy như bị bỏ rơi. Thế nên tôi vô cùng cảm kích khi có thể đến đây", Luong nói ngay khi vừa đến chùa.
Trong giai đoạn bình thường, ngôi chùa là nơi các nữ tu cầu nguyện cho người quá cố. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động đến nền kinh tế, giờ đây họ dành thời gian cho việc chăm sóc những người Việt Nam rải rác khắp Nhật.
Bên trong chùa, những người Việt học về văn hóa Nhật Bản, nấu các món ăn Việt Nam, tìm việc làm, hoặc tìm cách đặt các chuyến bay về quê nhà. "Chúng tôi làm tất cả mọi thứ. Chúng tôi chăm sóc con người từ khi còn trong bụng mẹ, cho đến khi hóa tro cốt trong những chiếc bình", Yoshimizu, người đứng đầu nhóm hỗ trợ Nhật Bản - Việt Nam (Japan-Vietnam Coexistence Support Group), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở bên ngoài chùa, cho biết.
Ngôi chùa được cộng đồng người Việt biết đến kể từ sau khi những người lao động Việt bị mất nhà cửa sau trận động đất năm 2011 ở miền bắc nước Nhật. Khi danh tiếng của Yoshimizu lan rộng rãi trong cộng đồng, cô bắt đầu nhận được tin nhắn từ những người trẻ Việt Nam, bao gồm những người phụ nữ gặp hoàn cảnh éo le, những lao động bị mất việc đột ngột và không có chốn dung thân, hay những người lao động trốn chạy khỏi "địa ngục" - những cơ sở lao động lạm dụng, ngược đãi người làm thuê.
Năm 2019, Yoshimizu đã hỗ trợ khoảng 400 trường hợp. Tuy nhiên, kể từ tháng 4, con số này đã tăng lên đột biến. Bây giờ, mỗi ngày, cô nhận được khoảng 10-20 tin nhắn mong đợi sự giúp đỡ của những người Việt Nam trên khắp nước Nhật.
"Tôi không nhớ nổi con số", cô nói, bên cạnh là một chiếc điện thoại không ngừng đổ chuông với những cuộc gọi và tin nhắn từ người môi giới lao động, những người sử dụng lao động và cả những người lao động Việt Nam đang tuyệt vọng. "Không ai khác ở Nhật Bản có thể cung cấp sự hỗ trợ này", cô nói.
Luong là một trong những người tìm đến với Yoshimizu để được giúp đỡ, sau khi bị đuổi việc mà không được báo trước và được yêu cầu rời khỏi ký túc xá. "Tôi không có việc làm, không có nơi ở. Làm ơn hãy giúp tôi. Tôi có thể đến chùa hôm nay được không", Luong nhắn cho Yoshimizu.
Luong tốt nghiệp một trường dạy nghề vào tháng 3, sau đó bắt đầu công việc vào giữa tháng 4 tại một khách sạn cao cấp ở Nikko - một địa điểm du lịch nổi tiếng với những ngôi đền. Tuy nhiên, Luong nói rằng mình không được giao bất cứ công việc nào và ở cả ngày trong phòng ký túc xá, trong khi chẳng có việc gì làm. Cô gái cho biết mình được trả khoảng 30.000 yên (279 USD) vào tháng 5, nhưng không biết tháng 6 có được trả tiền không. Trong khi đó, một đại diện của khách sạn nơi Lương làm việc nói với Reuters rằng họ không trực tiếp tuyển dụng này nên không có gì để bình luận.
Nhiều công nhân Việt Nam đến Nhật Bản với tư cách là sinh viên, hoặc thực tập sinh, điều này khiến họ bị phụ thuộc vào chủ lao động, do đó dễ bị lạm dụng, bóc lột. Họ được tuyển dụng, được hứa hẹn với mức lương cao hơn, tuy nhiên thường phải chịu gánh nặng nợ nần từ các nhà tuyển dụng. Lao động Việt Nam hiện là nhóm lao động người nước ngoài phát triển nhanh nhất tại Nhật Bản. Năm 2019, con số này là 410.000 người, tăng 24,5% so với năm trước.
Yoshimizu đã phát biểu trước quốc hội vào tháng trước, để kêu gọi chính phủ hỗ trợ tích cực hơn cho các sinh viên, thực tập sinh Việt Nam không có bảo hiểm việc làm. Cô cho rằng chính sách hỗ trợ của chính phủ hiện nay đang chỉ tập trung vào việc hỗ trợ những người Nhật mà bỏ quên những lao động ngoại quốc giống như Luong.
Chùa Nisshinkutsu nằm ở khu Minatoku, trung tâm thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Trụ trì ngôi chùa là hòa thượng Yoshimizu Daichi, một người rất có thiện cảm với Việt Nam và mong muốn xây dựng chùa thành một nơi đi về của các phật tử Việt Nam ở nơi xa xứ.
Tại ngôi chùa này đã diễn ra các khóa tu, các buổi hướng dẫn phật tử sinh hoạt tụng kinh, thuyết pháp, hướng dẫn sinh viên trẻ học giáo lý và duy trì truyền thống Việt Nam, các ngày lễ của Việt Nam như Tết Nguyên đán, Lễ Phật đản, Vu lan, Trung thu cũng được tổ chức.
Thùy Linh (Theo Reuters)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét