Một chuyên gia tâm lý sau khi ly hôn người chồng nghiện tình dục đã kết luận: Phải đối mặt với thực tế đây là căn bệnh phổ biến để lựa chọn cách điều trị tốt nhất.
Kerry Kerr McAvoy – Tiến sĩ tâm lý, Đại học California - chủ nhiệm dự án phục hồi tâm lý cho những người bị tổn thương liên quan đến chứng nghiện tình dục (Good Men Project), kể về cuộc hôn nhân của mình với người đàn ông "từng có đời sống tình dục bí mật".
"Tôi không hề biết, anh ta làm gì những khi thức khuya, những chuyến đi gặp gỡ gia đình hay bạn bè, hay những khoảng thời gian anh ta ở xa tôi. Anh ta đã gặp gỡ những người phụ nữ khác. Anh ta rất giỏi giữ kín đời sống tình dục phong phú của mình. Anh ta chặn tin nhắn, cuộc gọi của bạn gái, bạn tình cho đến khi anh ta cảm thấy an toàn và không bị tôi chú ý đến thì liên lạc với họ", McAvoy cho biết.
"Thi thoảng, anh ta diễn trò phải vật lộn với "kiểu yêu mới" và nói với tôi như thể anh ta đang nỗ lực để tốt hơn. Tôi đã tin anh ta. Thực lòng, tôi đã tin rằng những khiếm khuyết trong chuyện yêu của anh ta sẽ ổn với cả hai chúng tôi.
Nhưng rồi mọi chuyện của anh ta bị bại lộ khi một trong những người phụ nữ của anh ta liên lạc với tôi. Sự dũng cảm của cô ấy khiến tôi khám phá ra bản chất con người này", nữ tiến sĩ nói.
Hóa ra, người đàn ông là chồng cô bị chứng nghiện tình dục. Anh ta không thể chung thủy với người vợ của mình khi bản thân luôn nghĩ đến việc làm tình với tất cả những người anh ta có cảm hứng.
Đây là một chứng bệnh, nhưng lại không thể hiểu như một căn bệnh thông thường bởi nó còn là hành vi có thể vi phạm đạo đức và các chuẩn mực xã hội. Không nhiều người dễ dàng chấp nhận nó.
Nghiện tình dục là một thuật ngữ mang tính xã hội nhiều hơn y học. Nó không phải là kiểu nghiện như nghiện ma túy hay rượu vì họ không nhất thiết phải "yêu" ngay lập tức để "cắt cơn". Tuy nhiên, những thôi thúc tình dục đi kèm khi "lên cơn nghiện" vẫn là một đối tượng nghiên cứu khoa học và được xem xét điều trị y tế khi cần thiết.
Nếu các căn bệnh nghiện khác làm thay đổi chức năng của não, được xếp vào loại bệnh rối loạn sức khỏe tâm thần, thì nghiện tình dục không thuộc nhóm này.
Gail Saltz, phó giáo sư tâm thần tại Bệnh viện New York thuộc Trường Y khoa Weill-Cornell cho biết, hoóc môn dopamine (thường được gọi là hoóc môn hạnh phúc) tham gia vào hành vi kích hoạt ham muốn tình dục trong não. Khi một người nghiện tình dục ngừng quan hệ, hoóc môn này sẽ lập tức phát tín hiệu lên não, kích thích nhu cầu của họ, đòi hỏi bổ sung sự thỏa mãn về tình dục. Hoóc môn này có thể có tác dụng trong suốt thời gian dài. Nhưng theo Saltz, cảm giác đó là bình thường bởi trong hầu hết các trường hợp nó không tác động đến cuộc sống hàng ngày như cách của rượu và ma túy.
Trong khi đó, tiến sĩ tâm lý học David Ley ở Albuquerque, bang New Mexico cho biết, trong các nghiên cứu về chứng nghiện tình dục, không thấy các "bệnh nhân" có sự gia tăng bất thường trong hoạt động quan hệ. Thay vào đó, hầu hết những bệnh nhân này phải đấu tranh với ham muốn tình dục của mình để không phá vỡ quy tắc đạo đức, hay nền tảng tôn giáo và nền văn hóa bảo thủ của chính họ.
Đầu năm 2020, một nghiên cứu dựa trên khảo sát 3.500 người được công bố trên Tạp chí Tâm lý Bất thường cho thấy, các yếu tố tôn giáo và đạo đức thường làm gia tăng sự lo lắng của những người nghiện phim khiêu dâm, khiến họ có cảm giác tội lỗi và xấu hổ.
"Mức độ xấu hổ và xung đột nội tâm trước những ham muốn tình dục càng cao, người ta càng nỗ lực ngăn chặn và kiểm soát hành vi tình dục của mình", ông Ley cho biết, "Mặc dù những người này không thực sự quan hệ tình dục hay thủ dâm nhiều hơn bất cứ người bình thường khác".
Trong phân loại bệnh của Tổ chức Y tế thế giới, rối loạn hành vi tình dục bao gồm cả việc quan hệ tình dục quá mức và rối loạn hành vi tình dục cưỡng bức. Tuy nhiên, có ranh giới giữa hai hình thức này.
Ví dụ, một người quan hệ tình dục nhiều nhưng họ nhận được sự đồng thuận của đối tác và không ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật thì không bị coi là rối loạn hành vi tình dục cưỡng bức. Hành vi tình dục sẽ trở thành rối loạn khi nó làm suy yếu chức năng của một người, khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn.
Theo phó giáo sư Saltz, các triệu chứng rối loạn hành vi tình dục cưỡng bức bao gồm: Suy nghĩ không ngừng nghỉ về tình dục; Tham gia vào các hành vi tình dục rủi ro, khiến họ có nguy cơ mang thai và các bệnh truyền nhiễm; Tham gia vào các hành vi tình dục tại nơi làm việc; Mất hứng thú với những sở thích khác và tiêu tiền vượt mức để quan hệ tình dục.
Một đánh giá khoa học được công bố vào năm 2014 trên Tạp chí Dược phẩm Ngày nay ước tính, khoảng 3% đến 6% dân số thế giới phải đấu tranh với nhu cầu thỏa mãn tình dục mãnh liệt của mình bằng việc xem phim khiêu dâm trong nhiều giờ liên tục.
Hiện nay, để điều trị chứng rối loạn tình dục cưỡng bức hay chứng nghiện tình dục không đơn thuần chỉ là sử dụng thuốc để giúp ổn định hooc môn dopamine, mà còn là các biện pháp tâm lý như điều trị hành vi nhận thức, thực hành chánh niệm (thiền), tư vấn tâm lý...
Việc điều trị nghiện tình dục không áp dụng chung một công thức cho tất cả mọi người, nó tùy thuộc vào các chuẩn mực văn hóa cơ bản ở nơi họ sinh sống, các giá trị cộng đồng và quan hệ xã hội, động lực quan hệ tình dục và tình trạng sức khỏe tâm thần, PGS Saltz cho biết.
Dương Mi (Insider, Good Men Project)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét