Hà NộiVới cánh thợ lắp đặt điều hòa, cao điểm nắng nóng là những ngày cao điểm vất vả, làm không hết việc, đến bữa không ăn được cơm vì uống nước no căng bụng.
10 giờ trưa ngày đầu tháng 6, căn phòng trọ ở Hà Đông của anh Vũ Xuân nóng hầm hập do phải hứng từng đợt nắng lửa dội xuống. Màn hình điện thoại nhấp nháy liên tục. "Lại có đơn gọi", người đàn ông 37 tuổi nhăn mặt bảo vợ rồi với lấy áo chống nắng và túi đồ nghề lao ra đường.
Một tuần qua, Hà Nội đang trải qua một đợt nắng nóng cao điểm, nhiệt độ ngoài trời tại Hà Nội luôn ở ngưỡng 37-40 độ C. Mới 8h sáng, cái nóng đã bao trùm. Hiệu ứng bê tông hóa khiến thủ đô như một chảo lửa khổng lồ. Quạt hơi nước bất lực, quạt điện bình thường thì càng chạy càng nóng, từ phòng trọ đến chung cư, công sở... những chiếc điều hòa hoạt động hết công suất. Cao điểm nắng nóng cũng là những ngày cao điểm vất vả và bận bịu của những thợ lắp đặt điều hòa như Vũ Xuân.
Lúc Xuân ra đường, nhiệt độ ngoài trời đã lên tới 39 độ C, nhưng bầu không khí của thành phố còn được "khuyến mãi" thêm sự ngột ngạt vì thiếu gió. Làm đối tác sửa chữa, lắp đặt điều hòa cho các cửa hàng, đại lý tại Hà Nội, anh không có giờ làm việc cố định mà phải theo yêu cầu của khách hàng.
Sau 10 phút chạy xe máy đến nhận hàng tại kho ở quận Thanh Xuân, anh Xuân cùng một thợ phụ đến nhà khách hàng trên phố Dương Quảng Hàm, quận Cầu Giấy, cách đó khoảng 7 km. Buổi trưa, nắng dội từ trên xuống rát da, dưới mặt đường hơi nóng phả lên hầm hập. Một cục nóng, một cục lạnh điều hòa và túi đồ nghề, phụ kiện nặng hơn 80 kg được hai người thợ hì hụi chuyển lên tầng bốn bằng cầu thang bộ.
"Đường nối với cục mát nằm ở đây", chủ nhà trỏ vào cái lỗ tum bé xíu, chỉ một người có thể chui lọt. Lách mình vào trong, Xuân phải làm việc trong tư thế ngồi xổm. Bà chủ nhà thương anh thợ chịu nóng, vội bắc ghế, đặt quạt cây thổi lên tum. Nhưng cái lỗ cao quá, gió chẳng thể vươn đến nơi.
Bao quanh là ba bức tường đang bị nung nóng, đứng trong tư thế co gối gần 20 phút, mồ hôi anh thợ túa ra như tắm, mắt cay xè. Lắp xong hệ thống làm lạnh của điều hoà, anh uống liền 3 cốc nước để lấy lại sức. Thi thoảng, anh nhắc thợ phụ những câu nhát gừng. "Nóng thế này không còn sức để nói nhiều", người đàn ông có 4 năm theo nghề lắp đặt điều hòa nói.
Cục nóng điều hòa đặt ở sân thượng của ngôi nhà 4 tầng, nghĩa là thợ phải làm việc ngoài trời. Lúc đó là 12 giờ trưa, nhiệt độ đã chạm ngưỡng 40 độ C. "Nắng to nhưng trên này thoáng, còn đón được tí gió, mấy bữa trước còn kinh khủng hơn", Xuân nói. Anh thợ buộc dây vào hai đầu cục nóng, đỡ ở dưới cho thợ phụ lên trước, kéo dây đưa qua cửa lên sân thượng chưa đầy 1m2.
Gần nửa tiếng đồng hồ ở ngoài trời, Xuân hoàn thành công việc, đúng lúc chuông điện thoại báo có đơn tiếp. Uống cạn ca nước chanh chủ nhà pha, anh chạy về phố Nguyễn Xiển chuyển thiết bị qua hai giàn giáo mới đến được điểm lắp đặt.
Mùa hè, Xuân ít khi được ăn cơm đúng bữa, phần vì khách gọi liên tục, phần vì uống nước đã quá no.
Với cánh thợ điều hòa, ngày nắng, thiếu nước là rắc rối lớn nhất. Nhiều lần anh Xuân đang lắp đặt, chủ nhà vội ra ngoài, nên khóa cửa phòng khách. Làm việc ngoài trời một mình, khát nước, anh chẳng thể nhờ ai.
"Lúc ấy tôi đang treo lơ lửng ở tầng 4 lắp cục nóng, khát quá phải thả dây xuống đất, gọi bà bán nước mía", anh kể. Nước mía buộc vào dây kéo lên, anh buộc tiền thả xuống trả.
Cực là vậy nhưng những thợ điều hòa như Xuân không thể từ chối công việc bởi chỉ những đợt nắng nóng, nhu cầu lắp đặt điều hòa tăng cao, họ phải tranh thủ làm bù cho cả những đợt trời mát mẻ, vắng khách. Thi công những ngày nắng nóng, tiền công của cánh thợ cũng cao gấp nhiều lần ngày thường nên bỏ đơn nào là tiếc đơn ấy. Đã cố hết mức nhưng cũng hầu hết các thợ điều hòa đều lâm cảnh kiệt sức. "Càng nắng nóng, đơn nổ càng liên tục, không có sức mà làm", Xuân nói và cho biết, vào mùa nóng, anh thường xuyên phải làm việc từ 8h sáng đến 11h khuya.
Vợ anh Xuân là giáo viên mầm non nhưng phải ở nhà chăm hai con nhỏ, kiếm thêm thu nhập bằng cách nhận thêm 5 trẻ xung quanh. Chi phí của gia đình phần lớn dồn lên vai người chồng. Dù vậy, kiệt sức vì làm việc nhiều trong thời tiết bất lợi, thi thoảng anh nghỉ làm một ngày để "tái tạo năng lượng".
Hơn một tháng nay, thợ điều hòa Trịnh Văn Hồng, 31 tuổi, quê Nghệ An chưa về thăm con. Có những ngày, Hồng trở về phòng trọ trên phố Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân khi đồng hồ đã điểm sang ngày mới. Để nguyên bộ đồ bụi bặm, anh đổ xuống giường ngủ vùi, chẳng thiết ăn uống.
Những ngày kết thúc công việc sớm hơn, anh có thời gian tắm rửa, gọi điện về chỉ để ngắm cô con gái nhỏ đang ngủ say. Thú vui duy nhất trong ngày của anh là vừa nhìn con qua màn hình điện thoại, vừa nghe vợ thao thao về những thay đổi của nó.
Anh Hồng có thâm niên 5 năm làm nghề. Từ một thợ học việc ở cửa hàng, anh rèn luyện tay nghề để tách ra làm riêng. Phụ tùng, thang xếp, cục nóng và cục lạnh điều hòa hơn 100 kg, nhiều lần anh phải đi vác lên tầng 6. Chủ nhà tốt sẽ phụ giúp, còn không, anh chia làm ba lần vác bộ.
Nắng nóng, anh uống nước thay cơm. Anh tự nhận mình may mắn, gặp được chủ tốt, luôn chuẩn bị sẵn nước cho uống. Tuy nhiên, không ít lần Hồng gặp cảnh oái oăm. Hôm cuối tháng 5, nhiệt độ ngoài trời lên đến 47 độ C. Anh Hồng nhận được đơn lắp đặt điều hòa tại một hộ gia đình ở chung cư trên phố Chùa Láng, quận Đống Đa. Trong lúc lắp đặt, dây điện nguồn bị tòi ra ngoài. Chủ nhà "bắt đền" anh phải trả lại hiện trạng như cũ.
Nơi gặp sự cố không có ban công, anh Hồng phải thắt dây bảo hiểm, đu người ra bên ngoài kéo dây điện nguồn vào cho chủ. Nắng từ trên dội xuống. Gió từ các cục nóng điều hòa xung quanh phả khắp mặt. Hoa mắt vì nắng, đang đu người, Hồng bị một thanh sắt sượt qua lưng. Anh đau ê ẩm suốt một tuần, nhưng vẫn phải cố đi làm.
"Nhiều khi muốn bỏ quách mà về quê, nhưng về thì lấy gì nuôi vợ, nuôi con", anh nói.
Một ngày, Hồng nhận khoảng 4 đơn lắp đặt, chưa tính sửa chữa, bơm khí gas. Với điều hòa công suất 9.000-12.000 BTU, công lắp đặt khoảng 300 nghìn đồng. Điều hòa công suất 18.000 -24.000 BTU, công lắp đặt khoảng 400-500 nghìn đồng. Địa hình khó khăn hơn, công lắp đặt sẽ cao hơn.
Tháng này thu nhập khá, anh gửi thêm về quê 7 triệu đồng, trả hai tháng liền tiền nợ ngân hàng. "Làm ăn tử tế thì nghề nào cũng phải đổ mồ hôi, nước mắt ra mới có thu nhập", anh thợ quê xứ Nghệ nói. Thỉnh thoảng được chủ khen "làm việc có tâm" anh cũng mát lòng. Nhưng không ít lần, Hồng bị hàng xóm của chủ nhà - tỏ ra sành sõi chửi "ăn tham" hoặc trực tiếp "chỉ đạo" giữa lúc nắng nóng như rang người.
"Nghề này cũng là nghề làm dâu trăm họ, quan trọng là phải giữ được bình tĩnh. Anh nào máu bốc hỏa, làm việc trong thời tiết này mà gặp khách khó tính chỉ có nước bỏ nghề", Hồng nói, tay quệt mồ hôi đang đầm đìa trên gương mặt đỏ gay vì nắng.
Phạm Nga
0 nhận xét:
Đăng nhận xét