TP HCMNgười phụ nữ vào viện sinh con rồi rời đi, bỏ lại đứa trẻ nhỏ xíu, nhiễm HIV. Em được đưa đến Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân.
Bé có tên Minh Châu. Các bác sĩ sau nhiều ngày chờ đợi không thấy người mẹ quay lại, cũng không thấy gia đình đến nhận, đã làm thủ tục chuyển em qua Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân, thuộc phường Linh Xuân, quận Thủ Đức vào một ngày cuối tháng 5 để có nơi nương tựa.
Tại đây, Minh Châu có một không gian của riêng mình là chiếc cũi nhỏ, lót đệm trong một căn phòng rộng thoáng, xung quanh có nhiều bạn, từ sơ sinh đến hai tuổi và được 8 cô bảo mẫu chia ca, thay nhau chăm sóc 24/24h. Vẫn còn bỡ ngỡ với cuộc sống bên ngoài bụng mẹ, ban ngày bé ngủ rất nhiều, dù các cô bảo mẫu nựng hay thơm, dù trời bên ngoài mưa to ầm ầm, bé vẫn say ngủ. Ngủ ngày nhiều, đến tối Minh Châu thức và khóc quấy các cô. Các cô không giận bé, chỉ thấy thương bé.
"Tội nghiệp, 9 tháng mang bầu khó khăn, sinh nở cũng vất vả. Mẹ em bỏ em thì ở đây sẽ có các cô thương em, chăm lo cho em", vừa nhẫn nại giữ bình sữa cho bé bú từng giọt, cô Nguyễn Thị Nguyên, 55 tuổi, vừa thì thầm dỗ dành.
Minh Châu là chỉ là một trong 94 đứa trẻ, từ sơ sinh đến 20 tuổi, nhiễm HIV đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Linh Xuân. Đa số các bé đều như Minh Châu, bị bỏ rơi khi vừa sinh ra tại bệnh viện, không có người thân họ hàng. Một số bé mồ côi cha mẹ, được ông bà cô dì chú bác mang gửi vào trung tâm.
Thương cảm với những thiệt thòi của các bé, cô Nguyên cũng như thầy cô ở đây đều cố gắng nhẹ nhàng với trẻ. Công tác tại trung tâm từ năm 2014, cô Nguyên cho rằng, phẩm chất cần thiết nhất với các thầy cô là kiên nhẫn, yêu nghề, yêu trẻ. Làm việc tại khoa sơ sinh, nơi hiện có 9 bé, mỗi ca, cô Nguyên cùng một đồng nghiệp nữa có nhiệm vụ cho chúng bú sữa hay ăn dặm, tắm rửa, giặt giũ cho các bé, đưa em nhỏ phơi nắng, cho bé lớn hơn tập đi, tập nói, tập hát, tập vỗ tay...
Các bé sức đề kháng yếu, sức khỏe cũng kém bạn đồng trang lứa, nên ăn chậm hơn, các cô phải nhẫn nại ngồi cả tiếng đồng hồ cho bé bú hết phần sữa để đảm bảo dinh dưỡng. Tự coi mình như một người mẹ của các bé, các cô nhớ từng ngày sinh của các bé để tổ chức sinh nhật cho các con.
Biết được các cô quan tâm chăm sóc, các bé cũng rất "bám" các cô. Cô Nguyên vẫn còn nhớ một bé vào trung tâm cách đây ba năm. Nhìn bé gầy yếu, tóc thưa, trán dô, chỉ có đôi mắt đen, cô liên tưởng mình ngày nhỏ cũng tóc thưa, ốm yếu nên rất thương bé. Được các cô chăm chút, bé lớn dần, đến khi biết bò, biết đi thì lúc nào cũng lẽo đẽo như một cái đuôi của cô Nguyên, thậm chí buổi tối phải ngủ cùng cô mới chịu. Ngày bé được cho đi làm con nuôi, nhân viên của trung tâm dẫn bé ra, bé khóc. Cô nhân viên nhắc "mẹ Nguyên đã dặn con cười tươi khi gặp bố mẹ mà", bé liền mỉm cười, vui vẻ ra đi. "Đến bây giờ, tôi vẫn thấy nhớ bé", cô Nguyên chia sẻ.
Từng nghỉ công việc quản lý sản xuất tại một công ty nước ngoài để trở thành thầy "bảo mẫu" ở khoa Tuổi xanh - nơi chăm sóc những bé trai trên 6 tuổi và đã đi học, anh Nguyễn Hoàng Phi Vũ (44 tuổi) cho rằng, để làm việc với em đôi khi là cả một cái duyên. Những đứa trẻ ngoài vấn đề bệnh tật, khi bước vào tuổi teen cũng có những "nổi loạn" của lứa tuổi nên anh cũng như các thầy cô ở đây luôn phải cố gắng nhẹ nhàng và dùng biện pháp giảng giải, thuyết phục.
Nếu Tuổi xanh dành cho các bé trai đã đến tuổi đi học, thì các bé gái đồng trang lứa được xếp vào khoa Tuổi hồng. Những cô gái sắp lớn cũng biết làm điệu, biết trang trí nơi ở của mình với những món đồ chơi, thú bông được trao tặng. Và đặc biệt không ai bảo ai, chúng đều gọi cô Nhung - người nhiều năm làm tại khoa Tuổi hồng một tiếng Nhung. Cô Nhung chỉ mỉm cười bởi biết được các con coi như bạn bè thân thiết dù đáng tuổi cô, bác của các bạn nhỏ.
Giám đốc Nguyễn Lý Ngọc Thu cho biết, so với những trẻ em mồi côi tại các trung tâm bảo trợ nuôi dưỡng trẻ em khác, trẻ em ở Linh Xuân gặp nhiều khó khăn hơn khi đi học, do có yếu tố bệnh tật, khiến một số phụ huynh e ngại, dù HIV hiện nay đã là một bệnh có thể dự phòng và điều trị lâu dài. Thực tế, đã có bé từng sống tại trung tâm khi trưởng thành đã đăng ký kết hôn và vừa mới sinh con.
Tuy nhiên, bà cũng vui vì từ năm 2015, trung tâm đã có lứa đầu tiên vào đại học, cao đẳng. Một số bé giờ đã ra trường và có việc làm, có thu nhập cao mười mấy triệu. Nhưng tỷ lệ đó rất thấp. Đa số các bé không được may mắn như thế do khả năng học hạn chế, nên thường dừng lại ở lớp 9 và đi học nghề. Lao động không có tay nghề nên thu nhập cũng không cao, làm bảo vệ, trông xe...
Để hỗ trợ phần nào những chi phí chăm nuôi các bé, đồng thời cũng giúp các bé hiểu rằng cộng đồng không bỏ rơi các bé, chương trình "Tiếp sức cộng đồng - Vững vàng vượt khó", do Grab và Quỹ Hy vọng (vận hành bởi VnExpress.net) phối hợp thực hiện, đã đến Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân tặng 240 suất cơm mỗi ngày từ 21/5 đến 4/6.
Là người trực tiếp đón nhận các suất cơm hỗ trợ, chị Thanh Tuyền, nhân viên phòng hành chính nhận xét, các suất cơm đến nơi vẫn còn nóng hổi, nên các bé ăn rất ngon miệng.
Trước đó, chương trình đã trao tặng toàn bộ 15.000 suất ăn do Grab tài trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn, chịu ảnh hưởng của Covid-19 tại TP HCM và Hà Nội. Nhờ sự ủng hộ và tiếp sức từ người dùng Grab thông qua hình thức đổi điểm GrabRewards, chương trình tiếp tục trao hơn 13.500 suất ăn cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại các mái ấm và trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em, những nơi vẫn đang chịu ảnh hưởng từ Covid-19.
Kim Anh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét