TP HCMÔng Nguyễn Đắc Dũng có tuổi nghề lâu nhất trong số những người làm nghề thu mua và tân trang bồn cầu cũ để bán lại trên đường Võ Văn Kiệt.
Trưa nắng tháng 6, dưới bóng cây dù lớn đặt sát vỉa hè, ông Dũng xịt chất tẩy rửa rồi mắm môi chà kỹ càng những chiếc bồn cầu cũ vừa mua lại từ một người chuyên tháo dỡ nhà cửa. Mùi hóa chất bốc lên hăng hăng và khiến đôi bàn tay trần của ông bỏng rát. Thay vì dùng găng tay, ông Dũng khắc phục bằng cách dội nước liên tục.
"Nghe tới bồn cầu cũ là thấy dơ rồi. Nhưng nghề này đã nuôi sống gia đình tôi hơn 20 năm nay", người đàn ông 58 tuổi nói.
Đoạn đường nằm trên địa phận quận 1 này có 5 điểm mua bán, tân trang bồn cầu. Cửa hàng của ông Dũng lớn nhất, ông cũng được xem là người có thâm niên nhất.
Trước đây, vợ chồng ông có chiếc xe tải nhỏ, làm nghề đốn củi bán. Vừa chở củi, ông kết hợp nhận chở thuê cho những chủ vựa phế liệu. Trong một lần đến chỗ căn nhà đang dỡ để hỏi mua sắt thép, ông Dũng thấy có người đến gạ mua lại những chiếc bồn cầu cũ của ngôi nhà. Lân la tìm hiểu, ông phát hiện ở quận 5, quận 8 có những người chuyên mua và tân trang bồn cầu để bán lại cho những người thu nhập thấp, không có khả năng mua đồ mới. Từ đó, ông còn bắt đầu mua cả bồn cầu, bồn rửa về bán lại cho chủ vựa.
Nhưng mua bán sang tay ngay cũng chẳng được bao nhiêu. Một lần ông nghĩ: Người ta làm được sao mình không thử? Vậy là giữ lại những chiếc bồn cầu cũ, tự vệ sinh để bán.
Ngày đầu tiên tiếp xúc với những chiếc bồn cầu cũ vẫn còn đọng lại khá nhiều chất bẩn, hễ đặt tay lên bắt đầu rửa, ông Dũng lại rùng mình muốn ói. Ông hình dung chiếc bồn đã qua nhiều người đã sử dụng, chất thải có thể làm mình nhiễm bệnh... Điều khiến ông sợ nhất là thi thoảng mạnh tay, nước hoặc chất bẩn bắn lên người. Về nhà, ông lao thẳng vào nhà vệ sinh tắm rửa, thay quần áo ngay lập tức. Vậy mà tới bữa cơm hay khi đặt lưng xuống giường, mùi hôi cứ ám ảnh, lẩn khuất đâu đó quanh ông.
Ban đầu còn ngại nhưng làm nhiều quen dần, ông Dũng tự trấn an bản thân rằng chất tẩy với những hóa chất sẽ diệt bớt vi khuẩn.
Tân trang bồn cầu cũ không đơn giản là đem về cọ rửa sạch là được mà phải có kỹ thuật riêng. Rửa bồn cầu không tốn nhiều công sức, nhưng phải cẩn thận. Khi đục lớp xi măng ở đáy bồn, nếu mạnh tay có thể làm vỡ, hay thậm chí chỉ nứt một chỗ nhỏ, cả cái bồn trở thành thứ bỏ đi. Thời gian đầu, ông Dũng làm vỡ liên tục. Bày hàng giữa trời nắng, có loại chịu được, có loại tự nứt vỡ.
Với những vết bẩn khó tẩy, phải chà mạnh, mất thời gian thì mới sạch hẳn. Ban đầu, cũng làm như những nơi khác nhưng ông luôn cảm thấy sản phẩm mình làm xong không được sạch, bóng láng như mong muốn.
Ông Dũng tìm đến những chỗ chuyên rửa bồn cầu, thuê người có tiếng trong nghề về làm cho mình. Không trực tiếp hỏi bí quyết nhưng vừa làm, ông Dũng vừa để ý người thợ đó dùng loại dụng cụ, chất tẩy gì, ví dụ vết bẩn do phèn dễ tẩy thì dùng loại giấy nhám hạt mịn, vết xước của kim loại thì dùng loại giấy nhám hạt to, cứng hơn...
"Điều quan trọng là phải kiên nhẫn, chấp nhận dơ", ông Dũng cười.
Sau gần một năm để ý, học lỏm từng kinh nghiệm nhỏ, vợ chồng ông Dũng đã có thể làm sạch bóng hầu hết những vết bẩn cứng đầu. Tuy nhiên, những vết do tia lửa hàn bắn vào làm chết lớp men thì không thể làm sạch. Những chiếc bồn như thế ông mua rẻ, bán rẻ.
Những chiếc bồn cầu đã qua sử dụng phần đáy thường đóng một lớp xi măng dày. Ông Dũng dùng búa, đục nhẹ nhàng gỡ từng mảng nhỏ. Sau đó, ông dùng giấy nhám, đổ chất tẩy rửa lên chà mạnh cho đến khi những vết bẩn ố vàng bị đánh bay hoàn toàn, chiếc bồn trắng tinh, láng bóng y như mới.
Bồn cũ thu về, chỉ cần bỏ công vệ sinh rồi bán lại, mỗi chiếc ông Dũng lời khoảng vài chục đến vài trăm nghìn. Đối với những chiếc là loại "có thương hiệu", may mắn mua giá rẻ, bán lại giá cao, ông có thể lời cả triệu đồng. Tùy số lượng mua vào, một ngày làm thong thả, ông Dũng tân trang được khoảng 5 -6 cái.
Từ khi theo nghề này, kinh tế gia đình ông được cải thiện đáng kể, thu nhập từ đây giúp cho cả bốn người con của ông đều được học hết lớp 12, có người vào đại học, cao đẳng.
"Thời điểm những năm 2000, mỗi ngày vợ chồng tui kiếm được cả trăm nghìn đồng trong khi nghề đốn củi phải đi mấy chục km mà chỉ kiếm vài chục", bà Nguyễn Thị Minh, 56 tuổi, vợ ông Dũng nhớ lại.
Bà Phan Thị Thảo, 80 tuổi là một người sống trong con hẻm gần cửa hàng của ông Dũng cho hay: "Về đây ở một thời gian tui mới biết có nghề này, lúc trước cứ nghĩ cửa hàng bán đồ mới. Ngày nào cũng đục xi măng nhưng hai vợ chồng đều dọn sạch, không bày bừa nhếch nhác".
Khách hàng của ông Dũng ngoài những người có thu nhập thấp thì những người khá giả cũng tìm đến. Họ thường tìm những chiếc bồn cầu có thương hiệu nổi tiếng, trị giá vài chục triệu một cái nếu mua mới. Qua tay ông, dù là hàng cũ vẫn được làm lại như mới tinh, giá cả lại rẻ hơn 4-5 lần. Cửa hàng của ông Dũng còn là địa chỉ vàng của những chủ nhà trọ, nhà nghỉ, nhà hàng... Khi mua nhiều bồn cầu cũ, họ có thể tiết kiệm được một số tiền lớn.
Thời gian đầu ông Dũng chủ động tìm đến những công trình, vựa phế liệu để mua nhưng bây giờ nhiều người chở đến cửa hàng bán. Hơn 20 năm trong nghề, chỉ cần nhìn từ xa một chiếc bồn do khách chở đến đang còn buộc trên xe là bà Minh đã định giá được sản phẩm mà không cần nhìn kỹ hay chạm vào.
Giờ đây, tuổi đã nhiều thêm, ông không còn sức nhấc bổng chiếc bồn nặng mà khom lưng, khệ nệ di chuyển. Tuy vậy vợ chồng ông bà quyết định sẽ theo nghề cho đến khi sức khỏe không cho phép nữa.
"Việc biến một vật được xem là dơ bẩn tưởng chừng bỏ đi trở thành vật mới tinh, người ta đem về xài được là tui thấy vui", ông Dũng tâm sự.
Diệp Phan
0 nhận xét:
Đăng nhận xét