Chiếc xe đạp dừng trước bình trà chanh bên vỉa hè Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, hai phụ nữ bán bánh rán kéo khẩu trang, uống vội cốc nước mát lạnh.
Bốn hôm nay, điểm trà chanh, khăn lạnh miễn phí, trở thành nơi dừng chân của chị Nguyễn Thị Lành, 49 tuổi và Nguyễn Thị Lan, 34 tuổi, quê Hà Nam. Uống xong cốc nước, họ ngồi lại một lúc như để "hoàn hồn" và để hơi nóng trong người kịp thoát ra. Ngoài trời, nắng vẫn như dội lửa xuống đường. Nơi họ ngồi có chút bóng râm do nằm dưới chân cầu vượt, có sẵn ghế nên thuận tiện cho người qua đường muốn ngồi nghỉ. Trà được pha sẵn trong bình inox, luôn giữ được độ mát, vị chua ngọt dễ uống. Thùng khăn lạnh nằm bên cạnh.
Chị Lan chia sẻ, hàng ngày bán bánh rán dọc cung đường từ Hà Đông đến Khâm Thiên. Qua đường Nguyễn Trãi thường vào khoảng giữa trưa, hai chị em đều thấm mệt. Chai nước mang theo nóng giẫy vì bị phơi nắng cả buổi đi rong ngoài đường, không thể giúp chị giải nhiệt. "Được cốc nước mát này tỉnh cả người ra", chị nói.
Nghỉ chừng 3 phút, Lan và Lành như được tiếp thêm sức lực. Họ lên xe, tiếp tục hành trình quen thuộc. Thùng bánh rán của mỗi người vẫn còn vài chục chiếc.
Hà Nội đang trong đợt cao điểm nắng nóng thứ hai, nhiệt độ trung bình 38-40 độ C, chỉ số tia cực tím từ 9 đến 10, mức rất nguy hiểm đối với cơ thể khi tiếp xúc trực tiếp. Nhưng vì mưu sinh, nhiều người vẫn phải đi lại ngoài đường giữa trưa.
Hải Phong, một shipper và người bạn đồng hành dừng xe dưới chân cầu, ngồi vào vào điểm trà chanh uống ực cốc nước. Đi giao hàng cả buổi sáng, hai thanh niên chưa ăn gì, nhưng số đơn giao còn nhiều nên họ vẫn tranh thủ. "Nóng thế này cũng không muốn ăn, chỉ háo nước thôi", Phong nói.
Phong vào nghề shipper một tháng nay, vì Covid-19 mà công việc phụ xe của cậu bị ảnh hưởng. Mỗi ngày cậu và bạn ship được khoảng 20 đơn hàng, kiếm được hơn 300 nghìn đồng. Phải chạy ngoài đường suốt cả ngày nên chàng trai mang theo bình nước có sẵn đá bên trong, tiện ở đâu, Phong sẽ bổ sung nước ở đó.
"May nhờ những điểm tiếp nước miễn phí ở Nguyễn Trãi, Lê Trọng Tấn, phố Chùa Láng... mà bớt được một phần mệt mỏi", shipper này chia sẻ.
Anh Tùng, người pha những bình trà chanh miễn phí cho biết, vì thương cảnh người lao động vẫn phải đi ngoài đường nên sếp của anh đã nảy ra ý tưởng này. Mỗi ngày Tùng sẽ pha từ 2-3 bình trà. Khăn lạnh và cốc dùng một lần được bổ sung liên tục. Nhóm dự định sẽ đặt thêm tủ bánh mỳ để người lao động có sẵn đồ ăn và nước mát uống.
"Từ khoảng 10 giờ trưa, các bác xe ôm, người đi chợ về nhiều nên hay dừng lại uống. Người đến người đi liên tục", anh Tùng chia sẻ. Cả nhóm của anh đều rất vui khi thấy chia sẻ bớt chút vất vả với người lao động.
Ngoài điểm này, từ đầu tháng 5, bên ngoài các Tổ hợp 0 đồng ở số 226 Bà Triệu, 66 Láng Hạ và 70 Thái Hà cũng đặt sẵn các cây nước khoáng.
Chị Vũ Thị Hà, quản lý tổ hợp miễn phí cho biết, trung bình một điểm tiêu thụ hết 2 bình nước mỗi ngày. Riêng Láng Hạ, nơi tập trung nhiều shipper và sinh viên nên tiêu thụ hết 3-4 bình.
Tại địa điểm này, để phòng tránh Covid-19 nên không đặt cốc mà khuyến cáo mọi người tự mang chai đến lấy. "Chúng tôi sẽ duy trì các cây nước miễn phí tới hết mùa hè", Hà cho biết.
Quá trưa, ông Đinh Hùng Song, 52 tuổi, đeo chiếc balo nặng trịch đi ngang điểm trà chanh. Ông thoáng dừng lại khi nhìn thấy hai chữ "miễn phí", sau đó mới dám vào. Vừa được xuất viện K Tân Triều, ông ra đoạn đường này đón xe về quê nhà ở Đông Triều, Quảng Ninh.
Bốn tháng xạ trị, nhưng một tuần qua ông thấy mệt nhất, không phải vì bệnh, mà vì thời tiết quá khắc nghiệt.
Uống xong cốc nước mát, ông rối rít cảm ơn.
Phan Dương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét