Trung QuốcĐiền Tĩnh nuốt những viên thuốc màu trắng mẹ đưa với tên gọi “thuốc thông minh” trước kỳ thi đại học.
Năm ngoái khi vừa bước chân vào lớp cuối cấp, Điền Tĩnh, sống tại Bắc Kinh nhận được một vỉ thuốc từ tay mẹ. "Nó có thể cải thiện tình trạng học tập của con", bà nói. Cô bé liền nghĩ về điểm số đang giảm dần, về đề vật lý không thể hoàn thành trên lớp và quyết định nuốt những viên thuốc.
Loại thuốc mẹ đưa, Điền Tĩnh không biết tên. Cô cũng không hỏi bà có hiểu gì về nó không, chỉ nhớ đã có người uống thuốc này và thành tích học tập cải thiện tốt. "Con hãy thử đi, nó có thể giúp con đỗ vào trường đại học mong muốn", mẹ khích lệ con gái.
Thời điểm đó, Điền Tĩnh chuẩn bị tham gia tuyển sinh đại học (gaokao- cao khảo), được ví như kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới. Kết quả thi gaokao quyết định tương lai của thí sinh. Điểm cao đồng nghĩa cơ hội theo học trường hàng đầu, việc làm tốt, thu nhập cao sau khi ra trường.
Những ngày đầu, cô học sinh cuối cấp uống một viên mỗi sáng, nhưng không thấy cải thiện. Con số, kiến thức trong sách vật lý khiến cô bé vật vã mỗi giờ kiểm tra.
Thời gian sau, lượng thuốc được tăng lên hai viên mỗi ngày. Sau khi tăng liều, Điền Tĩnh cảm thấy mình có thể tập trung tốt hơn trong lớp và hiểu rất nhanh những gì giáo viên đang giảng. Những tiết vật lý không trở thành ác mộng với cô nữa. "Nó dễ làm hơn trước rất nhiều", cô nhận định.
Sau khi uống thuốc 3 tháng, trong kỳ thi định kỳ, Điền Tĩnh lọt vào top 10 trong lớp - kết quả tốt nhất từ trước đến nay. Viên thuốc màu trắng có kích thước bằng móng tay đã trở thành vũ khí bí mật mà cô bé không thể sống thiếu.
Nhưng mọi thứ vẫn chưa kết thúc
Một tháng sau khi uống thuốc, Điền Tĩnh bắt đầu rụng tóc và liên tục mất ngủ. Đến học kỳ cuối, người mẹ nhận thấy bất thường từ con gái và khuyên cô bé ngừng dùng loại thuốc này.
Sau khi ngừng thuốc, Điền Tĩnh bắt đầu bị đau đầu, buồn nôn và lo lắng.
Tính khí cô bé cũng trở nên thất thường, dễ nổi nóng và cãi vã với tất cả mọi người. Nhiều lần năn nỉ mẹ cho uống thuốc trở lại nhưng không được, cô bé đã lấy trộm tiền để mua thuốc trên các trang rao vặt.
Không để con gái sống quá phụ thuộc vào thuốc, trước kỳ thi tuyển sinh đại học 2019, mẹ Điền Tĩnh đã đưa con đến bệnh viện. Các bác sĩ phát hiện ra rằng, thành phần thuốc có chứa tới 70% chất kích thích. Nói cách khác, nó hoàn toàn không phải "thuốc thông minh" như lời quảng cáo, mà là methamphetamines, một loại ma túy tổng hợp được sản xuất, buôn bán và vận chuyển bất hợp pháp ở Trung Quốc.
Bác sĩ Từ Kiệt đến từ Trung tâm phục hồi Công nghệ cao Bắc Kinh, người giám sát sự phục hồi của Điền Tĩnh nói rằng, viên thuốc màu trắng tên thực sự của nó là Ritalin và Adderall.
"Tại Trung Quốc, thuốc thông minh có 2 loại chính. Một loại là amphetamines như Adderall, có cấu trúc hóa học tương tự methamphetamine, loại còn lại thường được gọi là nonamphetamine, là một chất có trong Ritalin. Về mặt lý thuyết, rủi ro khi dùng Ritalin thấp hơn nhiều so với dùng Adderall. Tuy nhiên, Adderall không có sẵn ở bệnh viện nhưng luôn có cách để tìm được trên thị thường đen", bác sĩ Từ nói.
Vị này cũng cho biết, trước mỗi kỳ thi quan trọng, nhiều trẻ em đã được gửi đến trung tâm phục hồi Công nghệ cao Bắc Kinh bởi sử dụng "thuốc thông minh" gây nghiện. Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất mới 14. Giống như Điền Lượng, bố mẹ của cậu bé đã bắt con dùng "thuốc thông minh" nhằm cải thiện kết quả học tập. Nhưng cuối cùng lại trở thành con nghiện.
Những năm qua, việc sử dụng thuốc thông minh gia tăng đáng kể tại Trung Quốc, nhiều nhất là trong giới học sinh. Việc này liên quan tới áp lực thi cử, phải đỗ vào một trường đại học danh tiếng, tốt nghiệp bằng giỏi và có công việc với thu nhập cao trong tương lai.
Trong 4 năm trở lại đây, bác sĩ Từ Kiệt đã tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân, độ tuổi từ 14 đến 25, những người đều trở thành con nghiện sau khi uống thuốc thông minh. Một phần ba trong số này là những học sinh trung học cuối cấp đang đối mặt với kỳ thi đại học sinh tử.
"Đáng sợ hơn thuốc thông minh chính là sự kỳ vọng quá mức của bố mẹ", vị bác sĩ có hàng chục năm kinh nghiệm nhấn mạnh.
Trong một bài báo gần đây có tên "Bố tin con đến thế giới này để trả ơn" được nhiều bố mẹ Trung Quốc quan tâm, tác giả Phàm Tiểu Tây nói về quá trình ông chấp nhận việc con trai là một người không có thành tích tốt.
Khi con trai của Phàm học cấp một, dù rất cố gắng học tập, đến các lớp luyện thi, học với gia sư... nhưng điểm số của cậu bé không tốt như mong đợi của bố. Năm lớp 4, cậu bé tình nguyện không nghỉ hè để tham gia lớp học tiếng Anh và Toán. "Bố, hãy đăng ký cho con thêm một lớp tiếng Anh nữa. Nếu không sau nghỉ hè con sẽ kém hơn bạn cùng lớp...", cậu bé chủ động nói với bố.
Nghe câu nói của con trai, Phàm Tiểu Tây cảm thấy rất đau khổ. Ông quyết định buông bỏ sự lo lắng, không còn so sánh con với những đứa trẻ khác. "Chỉ cần con cố gắng hết sức là được", ông nói.
"Chúng ta bắt con cái nỗ lực học tập để làm gì? Không gì hơn là để chúng tự nuôi sống được bản thân trong tương lai. Con trai tôi rất chăm chỉ, luôn nỗ lực hết mình. Vì vậy tương lai dù con làm một công việc bình thường thì tôi tin cháu vẫn tự nuôi được bản thân, không phải dựa dẫm vào ai", ông viết trong bài báo.
Buông bỏ thành tích của con, Phàm Tiểu Tây luôn nói rằng dù không xuất sắc trong học tập nhưng cậu bé vẫn có thế mạnh ở khía cạnh khác. Không lâu sau, vì tích cực trong công việc chung, cậu bé đã trở thành cán bộ lớp. Lớn lên, con trai của ông Phàm cũng trở thành một lãnh đạo xuất sắc vì cậu luôn nỗ lực và chăm chỉ.
"Là cha mẹ, không chỉ nên buông bỏ sự kỳ vọng quá mức mà còn phải che chắn cho con khỏi sự xâm nhập của ma túy", bác sĩ Từ Kiệt nói.
Theo bác sĩ này, "thuốc thông minh" duy nhất mà cha mẹ cần cung cấp cho con cái chính là nuôi dưỡng thói quen tự giác, hướng dẫn trẻ phương pháp học tập và tuân thủ nó. Bởi nếu tin tưởng vào một loại thuốc "thần kỳ", không qua nỗ lực từ bản thân sẽ đem lại hậu quả khôn lường, giống như cô bé Điền Tĩnh năm nào.
Về phía Điền Tĩnh, sau sáu tháng điều trị, cô bé đã cai nghiện thành công, nhưng phải từ bỏ kỳ thi đại học năm đó. Tác hại của việc nghiện ma túy cũng khiến trí nhớ của cô bé suy giảm, không muốn liên lạc với bạn bè, kể cả với người thân. Sau điều trị, cô bé cũng bị trầm cảm nặng, nhiều lúc rơi vào trạng thái u uất, muốn tự tử.
"Tôi từng trách mẹ vì đã mua loại thuốc đó, mong tôi đỗ vào trường đại học danh tiếng. Nhưng nghĩ lại thì bà muốn giúp đỡ tôi, chỉ là không đúng cách mà thôi", Điền Tĩnh nói.
Vy Trang (Theo sohu)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét