Hà NộiSợ nghề làm dép cao su của bố vợ thất truyền, anh Nguyễn Tiến Cường quyết định bỏ việc tại công ty phần mềm, "hồi sinh" loại dép này, đưa nó ra thị trường thế giới.
Chiều cuối tuần, anh Cường chụp lại mấy mẫu dép mới đang đắt khách trên thị trường, chạy xe sang nhà bố vợ là ông Nguyễn Quang Xuân, 78 tuổi, ở Nguyễn Biểu, quận Ba Đình. Mở ảnh ra, hai bố con chụm đầu nghiên cứu cách làm cả buổi chiều. Nắng tàn trên mái hiên phủ đầy hoa giấy, nhưng những câu chuyện về đôi dép cao su vẫn chưa dừng.
"Bỏ nghề, mất thu nhập cả 5, 6 năm trời nhưng khó hơn cả với tôi chính là thuyết phục được bố vợ chia sẻ bí quyết làm dép lốp cao su như bây giờ", anh con rể quê gốc Hải Dương, nói. Năm 2010, anh Cường là một trong ba người sáng lập một công ty phần mềm kế toán, thu nhập trên 1.000 USD.
Bố vợ anh Cường là ông Phạm Quang Xuân, học làm dép lốp cao su từ năm 12 tuổi. Ông là một trong những người làm 10 đôi dép mô phỏng dép cao su của Bác Hồ - trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Hồi đó, tuổi cao, nhưng nhớ nghề, có khách đặt, lâu lâu, ông Xuân lại làm vài đôi bán. Nghe bố vợ trò chuyện với khách về lịch sử đôi dép cao su, anh bất ngờ với khả năng sáng tạo của người xưa. Cách làm dép tỉ mỉ, cầu kỳ của bố vợ cũng lôi cuốn anh kỹ sư phần mềm. Một đôi hoàn thiện có thể mất gần một ngày công. Quai dép được mài giũa để ôm trọn chân người đi, nhưng mượt chứ không sắc cạnh - làm cứa chân người dùng như những sản phẩm bày bán đại trà.
Ở Hà Nội, ông Xuân là người duy nhất mở xưởng làm dép cao su thủ công tại nhà. Anh Cường tiếc khi thấy sản phẩm độc đáo sắp mai một nên xin nhạc phụ dạy làm dép để "giữ nghề" và phát triển thành thương hiệu riêng.
Ông Xuân không thích kinh doanh và cũng không tin con rể - vốn là dân văn phòng có thể làm được việc. "Tôi là một người thợ, luôn thích được truyền nghề. Nhưng lúc ấy tôi nghĩ con trai mình nó còn chẳng theo nghề, con rể là kỹ sư công nghệ, lóng ngóng làm sao làm được công việc lem luốc này", ông kể.
"Vốn đã thích gì phải quyết làm bằng được", anh Cường kiên nhẫn thuyết phục dù biết ông khái tính. Tuy nhiên, mỗi lần về nhà ngoại, hễ anh lân la gợi chuyện về dép cao su, ông Xuân lại im lặng, thậm chí "tỏ thái độ" với con rể.
Anh Cường không chịu từ bỏ mà nghĩ cách khác để thuyết phục. Một lần, biết ông Xuân chuẩn bị đi du lịch, anh viết tay một lá thư dài hai trang, trình bày nguyện vọng, kế hoạch phát triển đầy đủ, nhờ vợ nhét túi bố vợ để ông tranh thủ đọc lúc ngồi xe. Sau chuyến du lịch trở về, con rể nhắc đến chuyện truyền nghề, ông Xuân không còn im lặng.
Hàng ngày, ngoài giờ làm ở công ty công nghệ, anh đến nhà bố vợ phụ ông làm dép. Động tác nào chưa hiểu, Cường quay clip rồi về nhà xem lại. "Người ta học được nghề phải mất vài năm, nhưng cậu ấy chỉ mất 6 tháng. Cái gì khó thì cậu ấy đều xung phong làm để biết thật rõ", ông Xuân khen.
Thuyết phục thành công bố vợ, anh lên mạng xây dựng một website bán dép, đọc các câu chuyện lịch sử gắn liền với dép cao su để làm nội dung quảng bá. "Ban đầu tôi nghĩ chỉ bố vợ làm dép, như vậy nhà mình là độc quyền. Thấy có nhiều người vẫn đang làm, tôi có chút thất vọng, tìm cách biến bất lợi thành có lợi", anh kể.
Thợ các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa lành nghề, nhưng sản phẩm làm ra không tinh xảo, anh thuê họ làm việc cho mình. Sau đó, anh thuyết phục bố vợ cùng bắt xe khách về tỉnh hướng dẫn thêm kỹ thuật. "Ông khó tính với những người không am hiểu như mình, nhưng rất sẵn lòng hướng dẫn thợ", anh Cường kể.
Anh Cường chỉ tập trung sản xuất hai mẫu dép cơ bản là mẫu dép cao su Bác Hồ - có ba quai và đôi dép bộ đội bốn quai, trung thành với màu đen nguyên bản. Mỗi đôi dép bán ra, anh viết thuyết minh về nguồn gốc, ý nghĩa lịch sử bằng ba thứ tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung, tặng kèm khách để quảng bá. Để sản phẩm "thủ công 100%", anh mua vỏ bao xi măng, dán thành túi có dây quai đựng hàng cho khách.
Chị Phạm Nga, 39 tuổi, vợ anh Cường kể: "Anh nói về đôi dép bất kể lúc nào, chỉ còn thiếu ôm dép lên giường ngủ. Có lần con gái tôi thử giấu tờ giấy chép tay ghi lại lịch sử dép cao su xem bố làm thế nào, vậy mà anh vẫn nhớ rồi tự chép lại".
Vừa làm ở công ty phần mềm kế toán, anh Cường vừa in tờ rơi bán dép cao su. Khắp các quán nhậu quanh phố Lê Văn Lương - nơi đặt trụ sở công ty Cường khi đó, hầu như không nhà vệ sinh nam nào không dán tờ rơi quảng cáo mặt hàng này.
Có thợ lành nghề, có sản phẩm, nhưng mỗi tháng, anh Cường chỉ bán được vài chục đôi. Biết mình kém khâu marketing, anh dành tiền đi tour du lịch Thái Lan, Trung Quốc học hỏi. "Tôi thấy muốn bán gì đó, họ lại dẫn khách đến điểm mua hàng, kể một câu chuyện liên quan đến sản phẩm. Rõ ràng là đôi dép cao su gắn với lịch sử cách mạng Việt Nam là đã có câu chuyện rồi, chỉ cần áp dụng theo thôi", anh nhớ lại.
Sau chuyến du lịch, anh Cường liên hệ với bảo tàng Hồ Chí Minh đăng ký một điểm biểu diễn và giới thiệu về dép cao su với các đoàn du khách. Nhiều lần anh bỏ tiền túi mời các đoàn du lịch đến xem nhưng lịch trình đã có sẵn nên họ từ chối. Anh chi hơn 200 triệu đồng làm buổi biểu diễn lớn, mời báo chí, những nhân vật nổi tiếng đến dự. Tuy nhiên, sau 5 tháng trưng bày tại bảo tàng, số lượng bán ra vẫn giậm chân tại chỗ.
Không chịu từ bỏ, năm 2015, anh Cường nghỉ việc ở công ty phần mềm, tập trung vào việc mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh dép cao su.
"Thời điểm đó, dù đang mùa đông, nhưng đêm nào đầu tôi cũng ướt sũng mồ hôi vì suy nghĩ", anh kể. Đúng lúc bế tắc nhất, vài khách ghé điểm trưng bày dép cao su gợi ý nên cải tiến nhiều mẫu mã theo xu hướng hiện đại, làm dép nhẹ hơn để tiện dụng. Nhiều người mua hàng cũng chê size, số dép không chuẩn.
"Trước đây, tôi luôn mặc định là phải làm loại dép đúng như mẫu thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Nghe gợi ý, tôi như người tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm", anh nhớ lại. Anh giám đốc doanh nghiệp dép lốp cập nhật các mẫu dép đang đắt khách trên mạng, nhờ bố vợ hướng dẫn thợ làm theo. Thay vì chỉ có hai mẫu như trước, cơ sở của anh sản xuất 30 mẫu dép khác nhau, có 10 màu. Riêng màu đen có tới 10 kiểu.
Thay vì chỉ sản xuất dép cho nam giới, rất nhiều mẫu dép nữ và dép trẻ em hiện đại từ lốp cao su đã được doanh nghiệp sản xuất, bán ra thị trường.
Với kỹ năng phần mềm công nghệ có sẵn, anh lập hồ sơ trực tuyến cho từng mẫu dép, từng size dép để chấm dứt tình trạng dép bị sai kích cỡ. Ông chủ doanh nghiệp cũng ứng dụng kỹ năng quản trị phần mềm vào việc xây dựng kho dữ liệu sản phẩm.
Khi sản phẩm hoàn thiện, cùng với quảng bá trên mạng xã hội, truyền thông, các đoàn du khách ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ,... tự tìm đến ngày một đông. Năm 2016, mỗi tháng anh xuất ra thị trường nước ngoài cả nghìn đôi dép. Ông Nguyễn Quang Xuân được ca ngợi là "Vua dép lốp", anh Cường được biết đến với biệt danh "Cường phò mã" vì kế nghiệp bố vợ.
"Giờ tôi hoàn toàn tin tưởng con rể. Cậu ấy có kế hoạch làm bài bản, chứ không đơn thuần làm nghề để bán vài đôi như mình. Nhờ cậu ấy mà tôi cũng được 'nổi tiếng' theo", ông Xuân nói vui.
Anh Nguyễn Việt Thanh, 32 tuổi, nhân viên một ngân hàng chi nhánh Nghệ An từ năm ngoái đến nay, đã mua 20 đôi dép cao su cho mình và người thân, bạn bè. "Tôi thường mua dép này mỗi lần đi du lịch. Ngồi trên ô tô chân sẽ rất thoáng, không có mùi hôi, đi đường xa leo trèo khá bền, rửa vào nước thì thoải mái", anh nhận xét.
Hiện tại, công ty sản xuất, kinh doanh dép lốp cao su của anh Cường có hơn 10 cửa hàng trên toàn quốc. Trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp này bán ra thị trường 6.000 đôi, phân phối tại trên 60 quốc gia. Đa phần khách hàng ngoại quốc, lại là kỹ sư công nghệ nên doanh nghiệp của anh Cường tập trung phát triển mảng kinh doanh trực tuyến.
"Bản thân tôi là người thích sự mới lạ, độc đáo. Nếu sợ rủi ro, ở yên ở vị trí cũ có thể tôi an toàn, nhưng mãi day dứt. Khi mạnh dạn chọn sống với đam mê, nỗ lực vì nó, tôi đã có một cuộc sống trọn niềm vui", anh Cường nói.
Phạm Nga
0 nhận xét:
Đăng nhận xét