Hàn QuốcTừ Mỹ, Kara Bos trở về Hàn Quốc để tìm cha mẹ đẻ. Nhưng khi gặp cha, ông và gia đình xua tay, đuổi cô khỏi cửa.
Ngày 18/11/1983, bé gái mặc áo choàng lụa đỏ được phát hiện khóc trong bãi đậu xe thuộc một khu chợ ở Goesan, miền trung Hàn Quốc. Cô bé đủ thông minh để cho biết mình 2 tuổi và tên là Kang Mee- Sook, đúng như giấy tờ nhận con nuôi.
10 tháng sau, cô bay đến Michigan, trở thành một trong 7.900 đứa trẻ Hàn Quốc được đưa ra nước ngoài – chủ yếu là Mỹ - để làm con nuôi.
Hiện nay, cô gái đó đổi tên thành Kara Bos, một công dân Mỹ và là mẹ của hai đứa con. Từ kết quả xét nghiệm ADN, cô đã biết cha mình là một người đàn ông 85 tuổi, ở Seoul. Bos yêu cầu tòa án Hàn Quốc đưa ra phán quyết ông là cha ruột của cô để đủ điều kiện gặp, hỏi ông lý do bỏ rơi mình và mẹ cô là ai.
Đây là vụ kiện quan hệ cha con đầu tiên được đệ trình tại Hàn Quốc bởi một người được nhận nuôi ở nước ngoài. Phán quyết của Tòa án Gia đình Seoul, dự kiến vào ngày 12/6 có thể sẽ là mồi lửa đầu tiên thổi bùng ước muốn của hàng nghìn người Hàn Quốc ở nước ngoài đang tìm kiếm cha mẹ ruột.
"Ông ấy đã và vẫn là mối liên kết duy nhất với mẹ tôi. Đó là mục đích tôi tìm kiếm ông", cô gái hiện sống cùng chồng người Hà Lan ở Amsterdam nói. Cô nộp đơn kiện vì muốn chứng minh ông là cha mình và tìm lời đáp mẹ của cô là ai. Câu hỏi đó, hơn một năm qua cô cố tiếp cận ông để được giải đáp, nhưng bị cự tuyệt.
Hàn Quốc chưa bao giờ tưởng tượng sẽ có vụ kiện như của Bos, khi họ đưa hàng nghìn trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi ra nước ngoài vào những năm 1970 và 1980.
Mỗi năm, hàng trăm em bé Hàn Quốc vẫn được gửi ra nước ngoài. Tổng cộng, hơn 167.000 trẻ đã trở thành con nuôi ở quốc gia khác từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên năm 1953.
Trong những năm gần đây, nhiều trẻ, giờ trưởng thành đã trở về nước. Trong đó bao gồm một số người bị trục xuất khỏi Mỹ, do cha mẹ nuôi không có quốc tịch. Họ kêu gọi nhận con nuôi trong nước và bảo vệ các bà mẹ đơn thân – những người phải từ bỏ con mình do định kiến xã hội.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm người nhận không dễ dàng. Nó có thể bị ngăn cản bởi các giấy tờ nhận nuôi không rõ ràng hoặc giả mạo. Nỗi sợ và xấu hổ khiến cha mẹ ruột không dám thừa nhận họ từng có một đứa con ngoài giá thú.
Luật riêng tư địa phương cho phép người nhận con nuôi có được thông tin họ cần để liên lạc với cha mẹ ruột, như địa chỉ và số điện thoại, chỉ khi người đẻ ra đứa trẻ đồng ý.
"Chúng tôi có quyền được biết về quá khứ, nguồn cội của mình, nhất là khi đã trưởng thành", cô Bos nói.
Bos được Russell và Mariann Bedell nhận nuôi ở Sheridan, Mich vào năm 1984. Năm năm trước, lần đầu tiên làm mẹ, cô mới nghĩ đến nỗi đau đớn tột cùng mà người mẹ Hàn Quốc phải trải qua khi bỏ rơi mình. Cô nhận ra mình có ước muốn tha thiết được gặp mẹ.
Cô đã đến Hàn Quốc năm 2017, tìm đến nơi bị bỏ rơi năm 1983, phát tờ rơi trong khu phố để tìm kiếm thông tin từ bất cứ ai có thể nhớ đến mình. Câu chuyện của Bos đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nước này, nhưng không có kết quả.
Trước đó một năm, Bos đã tải dữ liệu ADN của mình lên một website phả hệ trực tuyến. Tháng 1/2019, cô kiểm tra lại tài khoản và phát hiện có quan hệ máu mủ với một sinh viên Hàn Quốc 22 tuổi, đang học tại Oxford. Khi kết nối, thanh niên này giới thiệu cô với một người anh em họ của mình. Kết quả ADN hiển thị trên phả hệ trực tuyến cho thấy họ là cháu trai và cháu gái của cô. Mẹ của hai thanh niên này ở độ tuổi 50 – cùng cha với Bos.
Tuy nhiên, hai người thanh niên cắt đứt liên lạc với cô, vì mẹ họ không muốn Bos liên lạc với cha đẻ - người chỉ được biết có họ Oh. Bos không thể có địa chỉ của ông. Khi cô đến nhà một trong hai người chị em gái cùng cha khác mẹ, quỳ gối nài nỉ xin gặp cha, những người này báo cảnh sát.
Ngày 18/11/2019, tròn 36 năm sau khi bị bỏ rơi, Bos đệ đơn kiện, yêu cầu công nhận quyền cha con với ông Oh. Thủ tục nộp đơn kiện giúp cô có địa chỉ của cha đẻ một cách hợp pháp. Tháng 3 năm nay, Bos ấn chuông trước cổng căn hộ đắt tiền ở Seoul của cha. Người vợ mở cửa. Bằng vốn tiếng Hàn ít ỏi, cô nói với người phụ nữ lý do mình đến đây. Một lúc sau, ông Oh bước ra.
Cô giáp mặt cha và hỏi: "Ông có biết tôi không? Ông có biết cái tên Kang Mee-sook không?".
"Vẻ mặt ông ấy nghiêm khắc, không nói. Ông xua tay muốn đuổi tôi đi. Cánh cửa đóng lại", cô kể. Khi Bos đến một lần nữa, một trong hai chị em cùng cha khác mẹ của cô xuất hiện nói cô đang xâm phạm nhà họ, khẳng định không có quan hệ máu mủ với Bos.
Tuy nhiên, cô con gái bị cự tuyệt đã thuyết phục tòa án yêu cầu ông Oh làm xét nghiệm ADN. Kết quả được đưa ra vào tháng 4 năm nay. Xác suất hai người là cha con là 99,99%. Ông Oh không giải thích điều gì. Ông không có luật sư, gia đình cũng không đến tòa.
"Nếu Bos thắng kiện vào tuần tới, hai chị em cùng cha khác mẹ không thể ngăn cô gặp cha mình. Nhưng ông Oh không bị ép phải gặp cô ấy", Yang Jeong-eun, luật sư của Bos nói.
Cô Bos cho hay, dù tâm nguyện được thỏa mãn hay không vụ kiện vẫn đáng giá. Bởi nó bóc trần nỗi đau tột cùng của những đứa con nuôi Hàn Quốc bị từ chối khi trở về nơi mình sinh ra để tìm nguồn cội. "Dù cha tôi đã 85 tuổi, ông ấy vẫn phải có trách nhiệm trả lời lý do tại sao lại bỏ rơi tôi và mẹ tôi là ai", cô nhắc lại.
Cô Bos cũng nghĩ đến trường hợp mẹ đẻ muốn giữ bí mật về quá khứ của mình. Nhưng vì cho rằng được biết quá khứ là quyền cơ bản đối với những đứa trẻ bị bỏ rơi, cô vẫn kiếm tìm.
Nhật Minh (Theo New York Time)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét