Cử nhân bỏ việc về quê hái quả rừng, thu tiền tỷ

Bắc GiangNông Chí Khiêm, 32 tuổi, cựu nhân viên của một Đài truyền hình hiện đang sở hữu 180 ha rừng sim, cho thu nhập trung bình mỗi năm khoảng 4 tỷ đồng.

Trưa tháng 6, giữa cái nắng như đổ lửa, Nông Chí Khiêm và vợ thay nhau đảo lúa, lạc, đỗ tương phơi kín con dốc trước nhà. Khác với người dân ở xã Tân Hiệp, Yên Thế, đa phần dựa vào cây lúa, cây ngô mà sống, số nông sản này của gia đình Khiêm chỉ để ăn và chăn nuôi. Thu nhập chính của vợ chồng anh đến từ quả sim và phúc bồn tử.

Hai bên cổng vào nhà, hàng cây sim cảnh đậu quả sai trĩu cành, hoa vẫn tiếp tục bung nở. Sau vườn, chàng cử nhân Điện tử Viễn thông, cựu nhân viên một Đài truyền hình đang trồng 3.000 gốc sim. Trên một quả đồi cách nhà không xa là 7.000 gốc sim khác cũng đang bắt đầu cho khai thác.

"Chỗ này mới trồng nên sản lượng chưa cao. Nguồn quả chủ yếu của tôi ở quê nội, vùng núi Chi Lăng, Lạng Sơn. Tại đó tôi đấu thầu và mua khoảng 180 hecta đất rừng, vốn là thung lũng sim", Khiêm nói và hé lộ mức thu nhập trung bình mỗi năm vài tỷ đồng từ chính quả sim - thứ quả dại tưởng như chỉ để ăn cho vui miệng. 

Ít người biết, đã từng có những thời gian Khiêm mù mịt về tương lai. Năm 2014 công việc, sức khỏe của cả gia đình đều không thuận lợi. Anh quyết định nghỉ việc tại một Đài truyền hình, đưa vợ con về quê. Họ theo mẹ vợ mở xưởng thu mua lá tre xuất khẩu, đồng thời làm trang trại lợn, gà, bồ câu, thỏ. Nhưng làm gì cũng không thành công.

Vườn sim tại nhà của Nông Chí Khiêu có khoảng 3.000 gốc. Mỗi cây 5 tuổi này có thể cho thu hoạch 5-7 kg/vụ. Ảnh: Phan Dương.

Vườn sim tại nhà của Nông Chí Khiêu có khoảng 3.000 gốc. Mỗi cây 5 tuổi này có thể cho thu hoạch 7 kg quả. Ảnh: Phan Dương.

"Mối tình" của Khiêm với cây sim rừng bắt đầu từ bốn năm trước. Tết Thanh Minh năm đó anh về quê nội tảo mộ, mải mê dọn cỏ, bày biện mâm cỗ cúng. Lúc ngước lên, anh hoa mắt bởi màu tím hoa sim bao quanh mình. Loài này gắn với cả tuổi thơ của anh. Cây mọc kín trên bờ ruộng nhưng không ai chặt đi. Mỗi lúc làm đồng mệt, mọi người thường ngồi dưới tán cây, vặt quả ăn tới no được. "Cha mẹ tôi kể những năm 1975 đói kém, người dân Hiệp Hòa kéo đến vùng Chiến Thắng quê tôi hái sim ăn thay cơm, nón trắng cả quả đồi", Khiêm kể.

Loài cây này càng nơi đất cằn cỗi lại càng sống khỏe, mà chẳng lo mất mùa. Cây vừa có thể làm thuốc, làm cảnh, gia súc chẳng buồn ăn. Anh nhớ đến chuyến đi Phú Quốc dạo trước, ở đó quả sim được thu mua với giá 75.000 đồng mỗi kg. Chợt một ý tưởng kỳ lạ lóe lên trong đầu Khiêm.

Ngay hôm đó Khiêm tìm cách liên hệ với các nhà máy ở Phú Quốc và được họ xác nhận "bao nhiêu cũng mua". "Trong tôi rạo rực. Tôi hình dung ra con đường phía trước sáng lắm", Nông Chí Khiêm kể. 

Trước khi bắt đầu, anh tìm đọc nhiều tài liệu. Thông tin về quả sim ít, nhưng quả việt quất tương tự như sim thì có nhiều sản phẩm đa dạng. Anh chia sẻ mình có nguồn cây, quả dồi dào lên các diễn đàn xuất nhập khẩu và hội dược liệu, không ngờ có hàng trăm số điện thoại gọi tới. Không chỉ quả sim, nhiều người hỏi mua rễ, lá, hoa.

Quả sim sau khi thu hoạch sẽ được đóng thùng vận chuyển đi các tỉnh. Ảnh: Ngọc Thành.

Quả sim sau khi thu hoạch sẽ được đóng thùng vận chuyển đi các tỉnh. Ảnh: Ngọc Thành.

Mùa hè năm 2016, Khiêm đứng ra vận động anh em trong nhà vào rừng hái sim về bán. Tổng cộng năm đó, anh vừa xuất ra Phú Quốc, vừa bán lẻ được khoảng 35 tấn, giá trung bình 35.000 đồng mỗi kg.

Mùa đông, Khiêm và vợ đèo nhau vào rừng tìm những cây sim 2-3 năm tuổi về trồng. Dân bản thấy anh làm vậy thì nói: "Thằng này làm cái nghề oái oăm", "Sim rừng chặt đi không hết lại mang về trồng", "Ai đời làm văn phòng quần là áo lượt không muốn lại chui rúc vào rừng, đầu đội nón mê đen nhẻm"... Người cười, người coi thường, các cô bác thì xót xa cho đứa cháu học hành tốt nhất trong nhà.

Nhưng vợ Khiêm thì ủng hộ. Chị Trần Thị Châm, 31 tuổi kể, mùa đông vùng núi chỉ khoảng 8 độ. Từ 5h sáng, chị ngồi sau xe chồng vào rừng. Tay ôm hộp cơm, muối vừng, lương khô.

Miền Bắc có hai giống sim chính, tẻ và nếp. Sim nếp sai quả, to, nhiều thịt, ít hạt, cũng ngọt thơm hơn sim tẻ. Song trong rừng tỷ lệ cây nếp chỉ chiếm khoảng 30%. Mùa đông, cây không còn quả, chỉ có thể phân biệt bằng lá. Có những lúc họ mải mê tìm cây, lạc nhau cách xa hàng km. "Nhiều bữa đang làm, chợt ngẩng lên chạm phải ánh mắt người đi rừng hay người chăn trâu, sợ chỉ muốn hét lên nhưng lại không dám hét", Châm kể về nỗi sợ nhất của mình.

Khiêm thì ám ảnh nhất những con sâu róm mèo. Có lần anh chạm phải con sâu to như ngón tay cái, cả bàn tay chi chít lông sâu. "Tôi đứng hình, rồi run bần bật", anh hồi tưởng. Lúc đó Khiêm chỉ biết dừng công việc, gọi vợ lại nhờ nhổ lông sâu ra. 

"Khó chịu nhất là chạm tay vào vật gì đó, rất cộm, râm ran. Cầm đôi đũa ăn cơm cũng bực. Ong đốt sưng híp mặt vẫn không bì được sự khó chịu do lông sâu róm", Khiêm chia sẻ.

Mỗi ngày họ tìm được khoảng 200 cây, tương đương khoảng một tạ. Khiêm lái đằng trước, vợ ngồi lên đống cây cao ngất đằng sau. Nhiều lúc lên dốc, xe bốc đầu dựng ngược, đôi vợ chồng mỗi người bay mỗi ngả. Đi vào đoạn đường vừa mở cũng dễ lộn cả người cả xe xuống ruộng; đường một lốt xe cũng dễ trật bánh ngã xoành xoạch. "Có hôm lăn xuống ruộng sâu 7 m. Hì hục nửa tiếng mới nâng xe lên được", Khiêm kể.

Nhiều hôm lạc vào vùng nhiều cây sim nếp, hai vợ chồng say sưa đào cây tới tối mịt. Họ vận chuyển được ra khỏi rừng, lại tiếp tục chạy xe 70 km về nhà lấy ôtô lên đánh cây về. Xong việc đã 4h sáng. 

"Mệt nhưng mà ham. Giờ nghĩ lại không hiểu sao hai vợ chồng có thể làm được như thế", chị Châm nói. Tổng cộng họ đã vào rừng 50 chuyến trong 3 tháng mùa đông năm đó.

Người dân được thuê hái sim trong đất của Khiêm được trả 12.000 đồng/kg. Mỗi tiếng có thể hái được 4 kg, người già hay trẻ nhỏ cũng có thể thu được 300.000 đồng/ngày. Ảnh: Nông Chí Khiêm.

Người dân được thuê hái sim trong đất của Khiêm được trả 12.000 đồng/kg. Một người có thể hái được 4 kg một tiếng. Ảnh: Nông Chí Khiêm.

Đào được cây nào, vợ chồng Khiêm trồng ngay cây đó. Suốt nhiều tháng liền, Khiêm phơi nắng ngoài đồi, ngày 4 lần tưới nước để cây nhanh bén rễ. Mùa hè năm 2017, vườn sim bắt đầu cho những trái đầu tiên. Loài cây này một khi đã sống thì không cần tác động gì thêm nữa.

Từ năm đó, Khiêm tổ chức thu hái quả bài bản. Anh thuê khoảng 30 người dân các bản Nà Cải, Nà Tình, Tình Lùng (thuộc xã Chiến Thắng, Chi Lăng) vào rừng hái sim, thu được khoảng 50 tấn. Năm 2019, Khiêm đấu thầu 150 héc ta và mua thêm hơn 30 hecta, trên đó sim rừng bạt ngàn. Vụ này anh thu được hơn 100 tấn quả.

Mùa thu hoạch sim thường diễn ra từ rằm tháng 7 tới rằm tháng 8 hàng năm. Sau đó đến mùa mâm xôi (phúc bồn tử). Năm ngoái, Khiêm bắt đầu hái mâm xôi trong khu đất của mình, tổng cộng bán được 20 tấn quả. Nhờ hai mùa quả này và bán cây sim giống, vợ chồng anh thu được 4 tỷ đồng/năm. 

Với vùng nguyên liệu dồi dào, Khiêm đang hợp tác với một cán bộ nông nghiệp, dự tính mùa năm nay sẽ làm thêm các sản phẩm như tinh bột sim, mật sim, siro sim...

Anh Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Yên Thế cho biết, gia đình anh Khiêm hiện là hộ đầu tiên trên địa bàn trồng cây sim quy mô lớn. Đây là loại cây bản địa. Mô hình của gia đình anh Khiêm thành công sẽ cho cơ hội mở rộng ra khắp địa bàn.

Phan Dương

Let's block ads! (Why?)

About Unknown

Unknown
"Mình là Phương Nguyễn, thâm niên 4 năm kinh nghiệm thiết kế website và làm marketing, tuy nhiên kể từ 1 năm trở lại đây mình không còn làm marketing nữa, và chỉ tập trung vào viết plugin và giao diện cho Wordpress, nếu các bạn thấy bài viết hay thì hãy chia sẻ cho những người khác cùng tham khảo, còn nếu muốn thiết kế website hoặc sửa web hay đặt một plugin có chức năng đặc biệt, hãy liên hệ ngay tới Phương"
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Đăng nhận xét