Chàng trai Thái Lan mê tiếng Việt

TP HCMBảy năm trước, chàng trai khiếm thị Apichit một mình đến Sài Gòn học tiếng Việt với khoản tiền lộ phí của mẹ và lời dặn: "Nếu khó khăn quá hoặc hết tiền thì về".

Chiều muộn một ngày cuối tháng 6, kết thúc buổi học của lớp Việt Nam học trong trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Apichit Mingwongtham, 36 tuổi, nhờ người bạn Hàn Quốc đặt hộ chuyến xe ôm để về phòng trọ, chuẩn bị cho buổi dạy tiếng Thái của mình.

Trong lớp học tiếng Thái cho người mới bắt đầu, tuy là giáo viên người Thái Lan nhưng Apichit giảng bài hoàn toàn bằng tiếng Việt. Dù không nhìn thấy học viên, anh nhận ra từng người thông họ qua giọng nói của họ. Để dạy học, thay vì viết bảng, Apichit gõ phím máy tính, nhắn lên một nhóm chat trên Facebook hoặc dùng máy chiếu để chiếu lên màn hình TV, sau buổi học thầy sẽ gửi file cho học viên qua email.

Để có ngày hôm nay, Apichit mang theo "mối tình kỳ lạ" với tiếng Việt đã hai lần lặn lội một mình sang Sài Gòn và hoàn thành xuất sắc chương trình cử nhân ngành Việt Nam học.

Sau 3 năm dạy tiếng Thái cho người Việt, Apichit đã có hơn 400 học viên online, khoảng 60 học viên kèm trực tiếp. Ảnh: Diệp Phan.

Sau 3 năm dạy tiếng Thái cho người Việt, Apichit đã có hơn 400 học viên online. Anh cũng đang dạy kèm trực tiếp cho khoảng 60 người. Ảnh: Diệp Phan.

Mối duyên của chàng trai quê tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan với tiếng Việt bắt đầu từ năm 6 tuổi. Ngày đó, mỗi lần bật radio, cậu bé Apichit thường vô tình bắt trúng một vài kênh tiếng Việt. Thích thú với một ngôn ngữ lạ và "nghe có vẻ buồn cười", Apichit thắc mắc: "Việt Nam ở đâu? Việt Nam có ăn những món như quê mình không?..."

Từ đó, anh nghe đài mỗi ngày, cố dò tìm để được nghe tiếng Việt rồi bắt chước. Câu đầu tiên mà Apichit nói được là "Các bạn nghe đài thân mến" dù không hề hiểu nghĩa.

Năm 11 tuổi, Apichit chuyển lên Bangkok học trường nội trú dành cho người khiếm thị. Tất cả những gì chàng trai biết về Việt Nam chỉ được "nâng cấp" lên mức: "Việt Nam là một nước thuộc ASEAN".

Năm 2006, anh thuyết phục được hai người em của mình cùng vài người bạn sang Việt Nam du lịch. Thích thú vì đã đặt chân đến được Việt Nam, nhưng vì không nhìn thấy gì, anh không có nhiều trải nghiệm ấn tượng. Lúc đó, chàng sinh viên năm 2 khoa Luật, đại học Thamasat chỉ ước có một người bạn Việt Nam chở mình đi lòng vòng. Vốn tiếng Việt của anh dừng lại ở mức chỉ nói được từ "xin chào", hoặc "giảm giá" khi muốn mặc cả món hàng nào đó ở chợ.

Trở về Thái Lan, Apichit tiếp tục học và có bằng cử nhân Luật. Năm 2011, Apichit muốn học thêm một ngôn ngữ khác, tiếng Việt vẫn là điều anh ưu tiên đầu tiên. Anh lên mạng, tìm những người bạn Việt Nam để kết bạn. Trong khoảng một năm, Apichit dạy tiếng Thái cho một cô gái Việt, còn cô dạy tiếng Việt cho anh.

Từng thử học tiếng Nhật, tiếng Pháp, nhưng tiếng Việt vẫn là ngôn ngữ lôi cuốn anh hơn cả. Nghĩ không thể cứ học "bồi" như thế này mãi, hai năm sau, anh nghỉ việc, đến Sài Gòn ghi danh vào khóa học tiếng Việt cho người nước ngoài ở trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn.

"Tôi tự nhủ không nên lo lắng, sợ hãi điều gì, bởi vì chưa đến, chưa thử thì chưa thấy sợ", Apichit nói, rồi xin bố mẹ cho anh được thực hiện ước muốn của mình.

Tháng 5/2019, Apichit giành giải nhất cuộc thi Thư Việt Nam do Câu lạc bộ Sứ giả văn hóa, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tháng 5/2019, Apichit giành giải nhất cuộc thi Thư Việt Nam do Câu lạc bộ Sứ giả văn hóa, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ngày đó, ngoài số tiền dành dụm (đổi ra tiền Việt được khoảng 40 triệu đồng), mẹ Apichit cho anh mượn thêm 80 triệu nữa làm lộ phí. Việc để cậu con trai khiếm thị một mình đến một đất nước xa lạ cũng khiến ba mẹ anh lo lắng nhưng họ không phản đối. "Mẹ dặn tôi, nếu thấy khó khăn quá hay hết tiền thì về", anh kể.

Anh kết nối với những người bạn đã quen trước ở Sài Gòn. Ngày xuống sân bay, 6 người bạn mới đến đón anh. Họ giúp anh thuê nhà trọ, đăng ký lớp học, mua sách rồi chia nhau gõ lại trên máy tính, mang đi in thành sách chữ nổi để anh học. "Người Việt rất thân thiện, tốt bụng. Nếu không có họ, chắc chắn con đường học của tôi không thể suôn sẻ", Apichit nói.

Căn trọ của anh cách trường chỉ vài trăm mét. Anh đi học bằng xe ôm và thường nhờ bạn bè mua cơm. Đến trường, anh nhờ sự hỗ trợ của những người bạn. Apichit tham gia nhiều khóa học tiếng Việt từ cơ bản đến nâng cao bằng cách ghi âm toàn bộ buổi học của giáo viên, về nhà nghe đi nghe lại.

Không chỉ ghi âm bài giảng của lớp mình theo học, anh còn nhờ những người bạn ghi âm bài dạy ở lớp khác. "Tôi tò mò về cách dạy của những giáo viên khác, nghe thêm biết đâu lại học được thêm điều mới", anh phân trần.

Cô Võ Thanh Hương, giảng viên bộ môn Đọc hiểu - khoa Việt Nam học, dạy Apichit trong những buổi học đầu tiên chia sẻ: "Em ấy có niềm đam mê đặc biệt với tiếng Việt, có ý chí và tinh thần học đến cùng. Nghỉ giải lao, Apichit đến hỏi tôi về cách sử dụng những câu tục ngữ để áp dụng trong giao tiếp".

Tháng 8/2014, sau hơn một năm ở Việt Nam, Apichit hết tiền. Thu nhập từ việc dạy thêm tiếng Anh cho con của chủ nhà không giúp anh có thể học tiếp. Ba tháng trước khi về nước, anh duy trì việc học bằng cách nhờ một cô bạn người Nhật Bản ghi âm bài giảng. Đều đặn trước mỗi buổi học, anh đi xe ôm đến đứng đợi trước cổng trường, chờ cô bạn đến gửi máy ghi âm, cuối buổi lại đến lấy.

"Tôi biết mình hèn nhưng không còn cách nào khác vì không còn tiền", anh nói. Khi cả tiền trọ, tiền ăn cũng cạn, Apichit chia tay Việt Nam. Nhưng có trong tay hàng trăm file ghi âm, anh nghĩ: "Tôi chỉ tạm thời nghỉ để ôn tập thôi, nhất định sẽ quay lại".

Những năm sau, dù chưa giỏi tiếng Việt nhưng anh vẫn nhận công việc dịch tài liệu từ tiếng Thái sang tiếng Việt cho một công ty để kiếm thêm thu nhập và tăng vốn ngoại ngữ.

Tháng 9/2017, anh sang Việt Nam đăng ký thi chứng chỉ C2, cấp độ cao nhất trong khung năng lực tiếng Việt dành cho người nước ngoài. Cuối năm 2018, anh quyết định sang Việt Nam lần nữa vì muốn "học tiếng Việt tới nơi tới chốn".

Lần này, anh đăng ký vào ngành Việt Nam học hệ chính qui Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Vì đã đạt trình độ C2, Apichit được miễn học năm thứ nhất.

Apichit học như một người bình thường bằng cách ghi âm. Bài thi trắc nghiệm, anh nhờ giáo viên đọc đáp án để mình chọn. Với bài thi viết, thay vì nộp bài viết tay, Apichit gõ máy tính gửi email cho giảng viên. Hai năm học đại học, anh luôn là sinh viên xuất sắc của khoa.

"Ban đầu tôi thấy rất hoang mang khi người Việt ở mỗi vùng miền nói giọng khác nhau. Cùng một từ "diễn viên" nhưng người miền Bắc lại nói khác hẳn người miền Nam. Giờ đã quen, miễn họ không dùng từ địa phương thì giọng miền nào tôi cũng nghe được", Apichit cười.

Apichit học guitar điện từ năm 15 tuổi, anh có một ban nhạc ở quê nhà. Vào dịp năm mới, mọi người gặp nhau chơi nhạc. Ảnh: Diệp Phan.

Apichit học guitar điện từ năm 15 tuổi, anh có một ban nhạc ở quê nhà. Vào dịp năm mới, mọi người gặp nhau chơi nhạc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

"Apichit là sinh viên khiếm thị đầu tiên của khoa Việt Nam học trong hơn 20 năm qua. Lúc đầu khoa rất đắn đo bởi vì em ấy là trường hợp đặc biệt. Nhưng với vốn tiếng Việt "quá giỏi", khoa tin em có thể theo học nên nhận ", Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó trưởng khoa Việt Nam học chia sẻ.

Hiện tại, Apichit đã thi xong tất cả các môn, chờ ngày tốt nghiệp. Sắp tới, anh sẽ mở rộng việc dạy tiếng Thái cho người Việt và tiếng Việt cho người Thái của mình. Trước đây, vì sợ học viên không tin tưởng, Apichit giấu việc mình là một người khiếm thị. Nhưng giờ đây, dù biết rằng thầy của mình là người mù, nhiều học viên vẫn tìm đến anh.

Trường Giang, 24 tuổi, một học viên của Apichit chia sẻ: "Mình chọn học thầy vì sẽ được học tiếng Thái với người Thái. Thầy nói tiếng Việt rất giỏi nên việc học rất dễ dàng. Thỉnh thoảng, thầy còn chỉnh phát âm tiếng Thái để tụi mình nói giống người bản xứ nhất có thể".

Apichit còn lập một câu lạc bộ và kênh YouTube mang tên Tiếng Thái thiết thực để dạy miễn phí và cũng là nơi để mọi người giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Thái. Đây là một cách anh đáp lại tình cảm, sự giúp đỡ của những người bạn Việt Nam dành cho mình.

"Việt Nam và tiếng Việt là một mối duyên lớn trong đời của tôi. Tôi hy vọng sẽ được gắn bó với mảnh đất và con người nơi đây như một cầu nối gắn kết những người yêu thích ngôn ngữ Việt -Thái với nhau", anh cười.

Diệp Phan

Let's block ads! (Why?)

About Unknown

Unknown
"Mình là Phương Nguyễn, thâm niên 4 năm kinh nghiệm thiết kế website và làm marketing, tuy nhiên kể từ 1 năm trở lại đây mình không còn làm marketing nữa, và chỉ tập trung vào viết plugin và giao diện cho Wordpress, nếu các bạn thấy bài viết hay thì hãy chia sẻ cho những người khác cùng tham khảo, còn nếu muốn thiết kế website hoặc sửa web hay đặt một plugin có chức năng đặc biệt, hãy liên hệ ngay tới Phương"
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Đăng nhận xét