Quảng Ninh"Đây là lúc tôi không thể nói, không thể cầm nắm, đến cái trở mình cũng không thể", Minh Tuấn chỉ vào một trong hai bức ảnh đặt trên bụng mình.
Đó là một bức ảnh chụp lúc Tuấn mới bị tai nạn giao thông còn bức kia là khi anh 18 tuổi, vừa tốt nghiệp trung học phổ thông. "Lúc đó, tôi là cậu thanh niên mê rap và nhảy hip hop", anh đặt tay lên bức ảnh mình đang nhào lộn. Giọng Tuấn chùng xuống, đôi mắt tràn đầy hoài niệm.
Trong căn nhà mình tại TP Hạ Long, chàng trai chằng chịt vết sẹo trên đầu - dấu tích của vụ tai nạn - đang nói chuyện qua video trên mạng xã hội với hàng chục người khuyết tật khác trong chương trình truyền cảm hứng của một dự án ở Ninh Bình. Internet chính là cầu nối của anh với thế giới bên ngoài dù toàn bộ cơ thể anh bây giờ chỉ có một ngón tay có thể cử động.
Trưa một ngày cách đây đúng 14 năm, cậu học trò vừa tốt nghiệp Minh Tuấn cùng bạn đến lớp ôn thi đại học thì va chạm với xe container. Tại hiện trường, Tuấn nằm bất động, ai cũng nghĩ nạn nhân đã lìa đời. Vài người chạy xe ôm ở gần đó thương tình lấy chiếu đắp lên người mới thấy chân, tay hơi động đậy. Lập tức, anh được đưa lên xe cấp cứu.
Khi chàng trai 18 tuổi đang được cấp cứu trong bệnh viện, ở nhà, bố mẹ anh đã chuẩn bị sẵn roi vì nghĩ con mải chơi không về. Chiều tối, họ biết Tuấn bị chấn thương sọ não, bác sĩ thông báo: Chỉ còn 5% sự sống.
Bà Trần Thị Hạnh (mẹ Tuấn) kể: "Các bác sĩ bảo tôi hãy nắm tay thật chặt, áp vào ngực và gọi tên để giữ tâm thức của con ở lại". Chấn thương quá nặng, bác sĩ sợ Tuấn chẳng còn cơ hội sống nữa. Có lẽ vì tiếng gọi của mẹ mà cậu học trò đã không "bỏ đi". Hai mươi ngày sau, khi bác sĩ cấu ngực, Tuấn hơi nhăn mặt - dấu hiệu đầu tiên của sự tỉnh lại. Nhưng cậu không thể nói. Tuấn cứ nghĩ vết thương sẽ lành và mình sẽ hồi phục, nhưng bác sĩ thông báo: Bệnh nhân sẽ phải sống thực vật suốt phần đời còn lại.
Sau vài tháng điều trị ở bệnh viện Việt Đức, Minh Tuấn được chuyển về bệnh viện tỉnh để tiện việc chăm sóc. Trên đường, khi thấy mặt anh thâm lại, có dấu hiệu ngừng thở, nhân viên y tế đi theo xe ái ngại nhìn bà Hạnh nói: "Chúng tôi rất tiếc nhưng cháu không thể sống được". Người mẹ gạt nước mắt, cố nài nỉ: "Xin cứ tiếp tục bóp bóng thở và cấp cứu cho con tôi". Xe di chuyển thêm được khoảng 10 km, da mặt anh hồng trở lại. Lần thứ hai, chàng trai trẻ chiến thắng thần chết.
Sau một năm điều trị ở các bệnh viện lớn nhỏ, Tuấn được bố mẹ đón về nhà. Anh đau đớn về thể xác, nước mắt trào ra khi biết mình sẽ tàn phế suốt đời. Giấc mơ vào đại học tan vỡ. Niềm đam mê hip hop cũng tan vỡ. Mọi sinh hoạt của Tuấn đều phụ thuộc bố mẹ và em gái.
Anh giãy lên khóc như một đứa trẻ. Mỗi lần kỷ niệm về những ngày cùng bạn bè nhảy và hát trên sân khấu trở lại, ý định tự tử lại nhen lên trong đầu. "Nhưng sức tàn chẳng thể làm gì", anh nghĩ số phận đã an bài.
Năm 20 tuổi, Tuấn lần đầu nói chuyện trở lại. Trò chuyện với mọi người giúp anh giải tỏa căng thẳng trong lòng. Tuấn nghe đài, nghe nhạc, chỉ khóc khi cơn đau ập đến quá sức chịu đựng. Mỗi lần chăm sóc con trai, bà Hạnh lại đùa "nhanh khỏe để đưa mẹ đi dạo". Sự quan tâm của bố mẹ giúp anh bớt nghĩ mình là gánh nặng.
Một lần, anh Tuấn tình cờ xem chương trình về hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng. Thấy anh Hùng bại liệt toàn thân, chỉ nặng 20kg nhưng mở công ty, giúp đỡ hàng trăm thanh niên khuyết tật, Tuấn vừa ngạc nhiên vừa khâm phục. "Anh ấy còn làm được tại sao mình lại không", Tuấn rạo rực nghĩ. Anh nhờ bố mua cho một chiếc máy tính cũ để tập luyện.
Ông Đặng Văn Lợi, bố Tuấn đặt laptop lên bụng con, giao con chuột vào tay anh. Tuấn cố ngóc đầu lên nhưng 10 ngón tay không thể cử động, con chuột rơi xuống sàn. Ngày thứ hai, ngày thứ ba vẫn thế.
Anh nhờ em gái đặt một túi nilon lên bụng để tập cầm nắm."Người thường cầm chưa đến một giây, nhưng với tôi chỉ nhấc tay lên cũng đau đớn đến tê dại. Chỉ nắm được cái túi nilon đã là kỳ tích. Tôi luôn nghĩ mai không làm được thì ngày kia, cứ cố gắng lên", Tuấn kể.
Sau hai tháng, cầm được túi nilon, Tuấn chuyển sang cầm chai nhựa, tập cầm tạ 0,5 kg. Vừa tập cầm nắm, anh vừa tập gõ bàn phím. Các ngón tay không thể cử động, chàng trai khuyết tật dùng sức mạnh của cả bàn tay để sai khiến. Sau hai giờ chiến đấu với bàn phím, từ "tin tức" lần đầu tiên hiện trên máy tính. "Phút đó, mọi bất lực, đau khổ dồn nén đều tan biến hết. Tôi tin, chỉ cần cố gắng sẽ làm được mọi thứ", anh nói.
Năm năm sau biến cố đời mình, các vết loét trên cơ thể thành sẹo, anh có thể ngồi xe lăn. Tuấn bắt đầu học cách dùng mạng xã hội, kiếm tiền trên YouTube. Trong lúc bố mẹ nấu ăn, anh quay clip giới thiệu cách chế biến, thuyết trình rồi đăng tải. Làm suốt ba năm liền, kênh Vlog này không mang lại thu nhập. Tình cờ biết ông Tuấn Hà - giám đốc một doanh nghiệp dạy marketing online, anh Tuấn mạnh dạn nhắn tin nhờ tư vấn.
"Nhiều người khuyết tật thường chọn cách buông xuôi số phận, còn cậu ấy tuy liệt toàn thân nhưng vẫn mày mò học hỏi. Kênh của Tuấn xây dựng 3 năm không kiếm được đồng nào mà cậu vẫn duy trì, chứng tỏ rất quyết tâm", ông Hà quyết định tuyển dụng chàng trai khuyết tật làm phụ tá cho mình. Nhiệm vụ của anh là chăm sóc và giải đáp thắc mắc của học viên.
Kiến thức học được về marketing, Minh Tuấn vận dụng giúp bố bán xe máy cũ trên mạng xã hội. "Tháng đầu tiên tôi đặt chỉ tiêu bán được hai cái, nhưng tháng đó tôi bán được tới 17 cái", anh hào hứng kể. Mỗi chiếc xe máy Tuấn bán được bố trả công 100.000 đồng.
"Tôi từng hỗ trợ nhiều người khuyết tật, nhưng cậu ấy là người xuất sắc nhất mà tôi từng làm việc", ông Tuấn Hà nói.
Tuấn cũng đang dần trở lại với đam mê âm nhạc của mình. Không thể nhảy hip hop, anh sáng tác nhạc và đọc rap. Thỉnh thoảng, trên mạng xã hội, Tuấn "khoe" những bài hát do mình sáng tác và thể hiện. Chất giọng khỏe khoắn khiến người nghe chẳng thể biết anh là người khuyết tật nếu không nhìn màn hình.
Mỗi lần đi thay ống thở, Tuấn phải truyền một lượng kháng sinh lớn. Anh biết sức khỏe mình ngày một yếu đi. "Tôi muốn làm điều gì đó ý nghĩa cho cuộc đời này để dù mất đi thì những giá trị mình để lại vẫn còn", anh tâm sự. Vì vậy, khi ước muốn tự lập và báo hiếu bố mẹ đã thành, Tuấn nghĩ đến những người đồng cảnh ngộ. Vài tháng nay, anh xây dựng một kênh YouTube hướng dẫn người khuyết tật cách phục hồi chức năng – từ chính kinh nghiệm của mình.
24 giờ mỗi ngày, ông Lợi dành hơn một nửa để chăm sóc con trai, khi vợ đang phải vắng nhà. Nhưng thay vì buồn và mệt mỏi, nghị lực của con truyền sức mạnh sang ông.
"Tôi chỉ có mình Tuấn là con trai. Mọi hy vọng đã tắt khi bác sĩ nói con sẽ chẳng thể phục hồi. Nhưng hôm nay, tôi rất tự hào. Con không chỉ tự lập mà còn phụ giúp bố mẹ và giúp đỡ mọi người", ông Lợi nói, nhìn về phía cậu con trai đang say sưa hát ca khúc vừa sáng tác.
Phạm Nga
0 nhận xét:
Đăng nhận xét