Là một công nhân "lấy quán Internet làm nhà", nên khi quán phải đóng cửa vì Covid-19, vỉa hè trở thành chốn dung thân duy nhất của Takahashi.
Công việc tại các công trường xây dựng từng giúp anh Takahashi kiếm đủ tiền trả cho một cabin cá nhân mỗi đêm, trong một tiệm Internet ở Tokyo. Tuy nhiên, lệnh cách ly nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 không chỉ khiến anh mất việc, mà giờ đây, quán cafe nơi anh trú ngụ cũng đã đóng cửa. Người đàn ông đành vạ vật ngủ tại một bến xe bus ở Tokyo trong suốt 2 tuần nay.
"Rất nhiều công ty đã phá sản vì đại dịch. Hiện tại có rất nhiều người như tôi đang không có việc làm", Takahashi nói, khi đứng xếp hàng chờ ở khu Shinjuku để nhận một bữa ăn miễn phí từ Moyai - một tổ chức hỗ trợ người vô gia cư.
Takahashi chỉ là một trong 4.000 "người tị nạn" tại các tiệm cafe internet, những người không nhà cửa, chủ yếu là đàn ông. Những người này, trước đại dịch, thường trả từ 17 tới 28 USD để ở qua đêm trong một gian cá nhân rộng khoảng 2 mét vuông tại một trong những quán cafe internet của thành phố.
Trong vài tuần qua, Nhật Bản đang chật vật kiểm soát số lượng người mắc nCoV. Tính đến chủ nhật vừa rồi (2/5), đã có khoảng 14.000 trường hợp trên cả nước nhiễm virus và 487 người chết. Để ngăn chặn sự lây lan của virus, Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, bao gồm việc đóng cửa các tiệm cafe Internet, buộc những người vốn lấy đó làm nhà phải tìm nơi ẩn náu khác. Hiện tại, chính quyền đang cung cấp chỗ ở khẩn cấp để hỗ trợ những người này, nhưng các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã vô tình phơi bày một vấn đề kéo dài hàng thập kỷ qua.
Mặc dù Tokyo nổi tiếng là một thành phố hiện đại và thịnh vượng, nhưng nó cũng tồn tại một cộng đồng hơn 5.000 người vô gia cư, theo số liệu được công bố năm 2019. 4.000 người trong số đó tị nạn tại các tiệm cafe Internet, trong khi hơn 1.000 người khác thất nghiệp và sống dưới gầm cầu, trong các hộp các tông và lều ở các công viên dọc theo bờ sông. Các tổ chức từ thiện tin rằng con số thực còn có thể cao hơn nhiều.
"Mọi người bắt đầu sử dụng tiệm cafe internet như một lựa chọn thay thế rẻ tiền so với nhà trọ. Từ đó, nó dần dần biến thành một nơi trú ẩn kỳ lạ", Tom Gill, một nhà nhân chủng học xã hội tại Đại học Meiji Gakuin nói.
Mở cửa suốt ngày đêm, nhiều quán cafe internet, truyện tranh... cung cấp cả vòi hoa sen, dịch vụ giặt là, và quan trọng nhất, các gian cá nhân có ghế có thể ngả ra để nằm nghỉ. Các cabin này có thể được thuê theo giờ, hàng ngày, hoặc qua đêm, để ngủ. Những vách gỗ mỏng giúp ngăn cách không gian chung thành các khối, và một hành lang dài, hẹp ngăn cách giữa các dãy gian cá nhân đó. Giá cả khác nhau ở từng vị trí, nhưng 12 giờ trong một gian cá nhân như vậy giá có thể từ 17 đên 18 USD vào các ngày trong tuần, nhưng lên tới 28 USD vào các ngày cuối tuần hay ngày lễ.
Trong suốt nhiều thập kỷ qua, Nhật Bản đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của những người làm việc bán thời gian hay tạm thời như Takahashi. Những người lao động này gần như không có khả năng mua nhà. Thậm chí, thuê nhà cũng là mơ ước xa vời bởi người thuê cần phải trả tiền đặt cọc, ít nhất là ba tháng tiền thuê...
Takahashi từng làm công nhân lao động thời vụ tại một xưởng đóng tàu ở Hiroshima. Tuy nhiên anh đến Toyo vào tháng 11 năm ngoái, khi nghe tin ở thủ đô lương sẽ tốt hơn. Mức lương tối thiểu ở Tokyo là 9 USD mỗi giờ, so với 8 USD ở Hiroshima. Ban đầu, Takahashi làm việc ở thủ đô. Với tiền lương trả theo ngày, anh chọn ở lại trong quán cafe Internet. Anh không bận tâm nếu như các quán cafe đông khách vì đã "thuê bao" riêng một gian. Tất cả đồ đạc của Takahashi nằm gọn trong một chiếc balo, nhờ thế anh có thể dễ dàng di chuyển từ tiệm cafe này sang tiệm khác.
Nhưng mọi thứ thay đổi khi đại dịch ập đến.
Công ty Takahashi làm việc phá sản. Takahashi nghe nói về một quán cafe internet trong công viên ở Yoyogi chỉ với mức phí 2 USD trong 12 giờ. Nhưng khi anh đến đó, nó đã đóng cửa, và anh không còn chỗ nào để đi.
Ngày 30/4, Hatanaka Kazuo - phát ngôn viên của chính quyền Tokyo cho biết, thành phố sẽ cung cấp cho những người tị nạn quán cafe internet một phòng trong khách sạn, cho đến 6/5, khi tình trạng khẩn cấp dự kiến kết thúc. Thời gian đó có thể được kéo dài.
Để đủ điều kiện được ở những nơi như vậy, người vô gia cư sẽ cần xuất trình thẻ thành viên quán cafe internet hoặc mang theo các biên lai để chứng minh rằng họ đã sống trong các quán cafe. Gần 700 người đã chuyển vào các phòng khách sạn do chính quyền địa phương cung cấp. Phía nam Tokyo, ở thành phố Yokohama, các quan chức địa phương đã chuyển đổi tạm thời một võ đường thành một nơi ở tạm với các ngăn nhỏ riêng tư, có rèm và tuân thủ các quy tắc cách ly xã hội.
Tuy nhiên, nhiều người tị nạn quán cafe không hề biết đến chương trình này, do các quan chức Tokyo không côn khai rộng rãi chương trình, theo Ren Onishi, chủ tịch tổ chức từ thiện Moyai.
Đầu tháng 4, Moyai đã đưa ra một bản kiến nghị, yêu cầu sử dụng tạm làng của các vận động viên cho Thế vận hội Tokyo vào năm tới như nơi trú ẩn tạm thời cho những người tị nạn.
"Những người vô gia cư ở Nhật thường bị đổ lỗi cho tình huống họ mắc phải", Onishi nói. Ông hy vọng rằng vấn đề mà đại dịch mang lại cho những người như Takahashi sẽ là chất xúc tác cho sự thay đổi. Tuy nhiên, với sự kỳ thị của xã hội xung quanh tình trạng vô gia cư ở Nhật, nhiều người cảm thấy quá xấu hổ để lên tiếng đề nghị hỗ trợ.
Không biết khi nào thì đại dịch mới kết thúc, Takahashi hy vọng sẽ có thể tìm được một công việc để tiết kiệm đủ tiền đi từ Shinjuku to Hiroshima, nơi anh có thể sống cùng bạn bè. Takahashi cho rằng anh không đủ điều kiện cho một nơi trú chân tại khách sạn ở Tokyo, vì không có các giấy tờ cần thiết.
"Tôi đang cố gắng chịu đựng bằng cách nghĩ rằng đây là một trải nghiệm trong cuộc đời", anh nói.
Thùy Linh (Theo CNN)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét