Hà Nội20 ngày sau ca mổ được 200 người hiến máu, Ngọc Lan lại phải lên bàn mổ lần thứ hai. Câu đầu tiên của cô giáo trẻ khi tỉnh lại là "Còn sống ư?".
Bước chân vào lớp sau đợt điều trị ung thư máu, Ngọc Lan (29 tuổi, ở Hà Nội) bất ngờ thấy trên bàn đặt một hộp quà bọc nơ. Bên trong là lọ thủy tinh chứa nhiều ngôi sao nhỏ, xung quanh lèn chặt bởi những con hạc giấy đủ màu. Kèm theo đó là một bức thư: "999 ngôi sao thành một điều ước. Điều ước lớn nhất của chúng con là cô hãy thật mạnh mẽ vượt qua bệnh tật. Mong cô sống thật vui, hạnh phúc bên gia đình và tất cả học sinh của cô. Yêu cô rất nhiều".
Đưa bức thư lên ngực, Ngọc Lan mỉm cười. Hai tháng vật lộn để được sống và sinh con khỏe mạnh, cô không dám mơ một ngày lại tiếp tục được đứng trên bục giảng như vậy.
Câu chuyện của Ngọc Lan bắt đầu từ giữa tháng 3, khi đang mang thai ở tuần 37 chân tay cô xuất hiện triệu chứng đau nhức, không đi lại được, phải sử dụng tới xe lăn. Tưởng rằng chỉ là biểu hiện của những tuần cuối thai kỳ cô không để ý, cho đến ngày đi tiểu ra máu. Kết quả xét nghiệm cho thấy lượng tiểu cầu giảm quá sâu, cô được chỉ định nhập Viện Huyết học và truyền máu trung ương.
Ban đầu, Lan nghĩ bị hạ tiểu cầu do biến chứng thai sản nhưng ngày hôm sau, cô được bác sĩ đưa lên tầng 7- nơi điều trị cho bệnh nhân ung thư. Từ lo lắng chuyển sang hoảng loạn, Lan liên tục hỏi chồng - anh Nguyễn Tiến Dũng - chuyện gì đang xảy ra với mình, nhưng đáp lại chỉ là ánh mắt đỏ hoe của chồng. Khi bác sĩ thông báo Lan bị ung thư máu cấp tính thể M3, rất nguy hiểm tới cả mẹ lẫn con, tai cô ù đi, muốn bỏ chạy.
"Tôi khóc không ngừng, có lúc còn nghĩ uống thuốc ngủ để được chết ngay lúc đó. Nhưng nghĩ đến con còn nằm trong bụng, nghĩ đến chồng đang chạy vạy khắp nơi để lo cho vợ, tôi lại trách mình sao nghĩ dại", cô giáo 29 tuổi nhớ lại.
Tại phòng điều trị ở tầng 7, xung quanh Lan có rất nhiều người trẻ. Nghe câu chuyện của họ, cô trấn tĩnh lại đôi phần. Thay vì tiếp tục oán thán cuộc đời, cô chấp nhận bệnh tình, ngừng khóc với mong muốn con chào đời được an toàn, khỏe mạnh.
Do tiểu cầu giảm mạnh, Lan cần truyền nhiều máu cả trước, trong và sau ca mổ. Nhưng do ảnh hưởng của Covid-19, lượng máu dự trữ tại bệnh viện không còn nhiều. Ngày 19/3, trên trang Facebook cá nhân Lan kêu gọi người thân, bạn bè và học sinh hiến máu để ca mổ bắt con thành công. Bài viết nhận được hàng chục nghìn lượt chia sẻ và bình luận. Chỉ trong buổi chiều ngày 19/3, đã có hơn 200 người đến hiến máu, tặng cho cô giáo và em bé cơ hội sống.
Khi máu không còn là nỗi bận tâm chính, trước khi lên bàn mổ một ngày, Lan lên trang cá nhân viết những lời cảm ơn mọi người. "Đó như là lời trăn trối, bởi không biết sau ca mổ tôi có cơ hội tỉnh lại không. Khả năng cầm máu trong tình trạng của tôi rất khó khăn", Lan nhớ lại khoảnh khắc sinh tử của mình.
Vào đúng ngày quốc tế Hạnh phúc 20/3, một ê kíp 14 người bao gồm bác sĩ từ bệnh viện Phụ sản trung ương và Viện Huyết học cùng thực hiện ca mổ do lo ngại những biến cố do máu không đông. Cô con gái 2,8 kg của Lan chào đời khỏe mạnh. Vì gây mê nên cô giáo trẻ không được nhìn thấy mặt con, chỉ được bác sĩ cho xem ảnh sau khi cô tỉnh lại trên bàn mổ. Bé gái được đưa về nhà chăm sóc sau 5 ngày nằm viện theo dõi.
Hai tiếng đồng hồ chờ tin con và vợ từ phòng mổ, anh Dũng cảm giác đó là quãng thời gian dài nhất trong đời mình.
"Mỗi phút ngồi ngoài phòng mổ dài như hàng giờ thế kỷ. Và rồi, tôi đã khóc, khóc trước mặt tất cả mọi người khi nhìn thấy con mình rồi nghe tin vợ đã ổn. Đây là giây phút hạnh phúc nhất, hạnh phúc tột đỉnh", người đàn ông 31 tuổi bộc bạch.
Qua được cửa tử đầu tiên, dù cơ thể còn yếu do mất nhiều máu nhưng Lan được chỉ định truyền ngay hóa chất để chiến đấu với bệnh ung thư. Vết mổ đau, ngực căng tức do sữa về nhưng hàng ngày cô vẫn phải chọc đủ 3 ven để truyền máu, hóa chất, kháng sinh, tiểu cầu... túi to túi nhỏ. Đau đớn, mệt mỏi, Lan nằm bẹp trên giường, đến thở cũng cần sự trợ giúp của máy. Mọi việc như vệ sinh cá nhân, ăn uống đều do anh Dũng và anh trai Lan đảm nhiệm.
Biết rằng 10 ngày điều trị đầu tiên vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng vợ nên suốt ngày đêm, anh Dũng không rời giường bệnh nửa bước. Thấy tinh thần sau sinh của Lan bất ổn, liên tục khóc, thức trắng đêm trong 7 ngày đầu, anh nắm tay cùng thức với vợ để trò chuyện. Tóc Lan rụng dần vì hóa chất, Dũng mua một bộ tóc giả rồi cạo đầu cho vợ. "Cạo rồi sẽ mọc lại, quan trọng là em vẫn còn sống để được làm đẹp sau này", anh an ủi khi thấy Lan bần thần nhìn từng búi tóc rơi dần dưới chân mình.
Để tránh dính ruột sau mổ đẻ, hàng ngày anh Dũng dìu vợ tập đi khi trên người chằng chịt dây truyền dịch. Từng bữa cơm người nhà mang vào, anh đút từng miếng, nựng vợ như con trẻ để cô ăn thêm chút ít. Nhiều hôm tỉnh dậy thấy chồng ngủ gục trên giường, mặt gầy sọp vì ăn uống thất thường, Lan bật khóc thương chồng. Thay vì chỉ nằm cả ngày trên giường bệnh, cô bắt đầu dậy đi lại, xem phim, đọc sách, tập thiền và nói chuyện với nhiều người. Lan cho biết, cô phải cố gắng khỏe lại, để không uổng phí tình cảm và sự giúp đỡ của mọi người dành cho mình suốt thời gian nằm viện.
Mười ngày truyền hóa chất qua đi, may mắn Lan đáp ứng thuốc tốt, cô được chuyển từ phòng hồi sức về phòng điều trị.
Thế rồi những cơn đau đầu ập tới kéo theo huyết áp tăng liên tục, nôn khan không ngừng. Các bác sĩ chẩn đoán Lan bị tụ máu trên não do xuất huyết, phải mổ tránh biến chứng nặng nề sau này.
Ngày 11/4, Lan được chuyển tiếp sang bệnh viện Việt Đức phẫu thuật. Ca mổ thành công, tỉnh lại nhìn thấy màu áo trắng của bác sĩ, cô vô thức mấp máy môi "Còn sống ư?" rồi nước mắt tuôn chảy không ngừng. "Đó là giọt nước mắt của hạnh phúc. Mừng quá vì có thể tỉnh lại để nhìn thấy mọi người", Lan nói.
Sau ca mổ phải nằm bất động vài ngày, cổ không được cử động mạnh. Giường bệnh xung quanh đều là bệnh nhân tai nạn nặng, khiến tâm trạng Lan rơi vào khủng hoảng. Lúc này, anh Dũng lại đọc lời chúc mà bạn bè, học sinh và những người xa lạ gửi tới. "Em phải chứng minh cho học trò của mình thấy, cô giáo của chúng mạnh mẽ như thế nào chứ", anh động viên vợ. Lan cười rồi nghĩ tới những điều cô muốn làm trong tương lai sau khi khỏi bệnh. "Mình sẽ được gặp con, được đi dạy trở lại và du lịch với người thân", cô tưởng tượng để quên đi nỗi đau hiện tại.
Hơn một tháng điều trị trong viện, cuối tháng 4, Lan được về nhà gặp con. "Em ơi, mẹ đây", cô nghẹn ngào ôm con gái vào lòng, sờ nắn chân tay, hít hà hương sữa xin từ các bà mẹ khác. Ở nhà một tuần, cô tiếp tục trở lại viện huyết học điều trị đợt hai. Anh Dũng luôn đi theo chăm sóc vợ, không rời.
Theo các bác sĩ điều trị, căn bệnh ung thư thể M3 của Lan tiên lượng khá tốt, chỉ nguy hiểm giai đoạn đầu, sau này có thuốc đặc trị để lùi bệnh. Chính điều này khiến Lan cảm thấy lạc quan hơn.
Nằm trong viện, ngoài chồng, Lan cũng nhận được sự chăm sóc của bố mẹ, anh trai, bạn bè và cả những người không quen biết đến thăm và động viên. "Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được tình yêu và sự quan tâm của mọi người dành cho mình lại lớn như vậy. Tôi khao khát sống để có cơ hội sống khác hơn, để yêu thương và quan tâm nhiều hơn. Sau biến cố này tôi thấy tình người và cuộc sống sao mà đẹp quá vậy", Lan viết những lời tích cực trên trang cá nhân của mình.
Một ngày cuối tháng 5, Lan nhận được tin nhắn của học sinh, hỏi thăm cô. Tin nhắn viết: "Ung thư có là gì đâu cô nhỉ, rồi mọi thứ sẽ qua". Mỉm cười, cô hít một hơi thật dài rồi quay sang ngắm những con hạc giấy treo trên khung cửa sổ đang căng mình đón gió lộng.
Anh Dũng đến bên, đan tay mình vào tay vợ, khẽ nói: "Nếu cố gắng hết sức thì mọi việc cuối cùng rồi sẽ ổn. Còn nếu chưa ổn thì chưa phải là cuối cùng, em nhỉ".
Trước mặt hai người, những con hạc giấy đầy màu sắc, tượng trưng cho niềm tin và hy vọng vẫn lấp lánh bay trong nắng sớm.
Hải Hiền
0 nhận xét:
Đăng nhận xét