Hà NộiTay gạt nước mắt, gỡ cái ôm của cô con gái nhỏ, ông bố dỗ dành: “Đi với người ta con sẽ có cơm ăn”. Kể từ đó bà Hòe mất dấu gia đình.
Ngồi lặng lẽ trong căn nhà ở phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, đôi mắt trũng sâu của bà Nguyễn Thị Hòe trân trân nhìn lên trần nhà. Ký ức về ngày ly tán cha mẹ trong nạn đói kinh hoàng năm xưa, qua 75 năm vẫn cựa quậy trong lòng bà. Dù sung túc ở tuổi ngoài 80, con cháu quây quần sớm tối, khoảng trống đời người vẫn không thể lấp đầy.
Từ cuối năm 1944 đến tháng 5/1945, nạn đói lan khắp các tỉnh miền Bắc. Hơn 2 triệu người đã chết. Nhiều dòng họ, nhiều gia đình chết không trừ một ai. Ở một tỉnh miền Bắc, bà Hòe, khi đó có tên là Hải khoảng 4-5 tuổi và gia đình ngày nào cũng phải ăn cám thay cơm. "Tôi không ăn được cám dù bố dặn các chị ‘phải đong cám ngon cho em ăn’. Tôi thường ra ao tự hái rau má nấu ăn", bà Hòe kể, tiếng nghèn nghẹn.
Ngày nào cũng có người đến nhà đòi nợ. Đến một hôm, ông bố thợ mộc và người mẹ bán trầu cau biết là không thể ở lại làng, họ dẫn bốn đứa con bỏ trốn trong đêm. Người đàn ông gồng lưng vác hộp lớn đựng đồ nghề. Hai con gái lớn tên Phú và Phí gánh xoong nồi, quần áo. Người mẹ một tay bế con trai út tên Tám – lúc đó còn bú, một tay dắt Hải. Cả nhà lếch thếch rồng rắn đi bộ theo đường tàu suốt đêm. Trên đường, người chết đói nằm la liệt. Đến khi chân Hải không thể bước, họ dừng ở cổng chợ Nhổn (nay thuộc quận Nam Từ Liêm).
Hải được một nữ địa chủ tên Thịnh hỏi mua. Cô bé níu lấy chân bố gào khóc: "Thầy ơi, con không đi đâu". Ông bố một tay gạt nước mắt, một tay gỡ con ra, dỗ dành: "Con đi với người ta sẽ được ăn cơm". Người phụ nữ nhét vào tay cha Hải hai hào màu xanh, kéo đứa con thứ ba của ông về nhà. Cái tên Nguyễn Thị Hòe là do người mua đặt.
Về làm con sen nhà địa chủ, hàng ngày Hòe được giao nhiệm vụ quét sân, vườn. Chiều nào nghe tiếng chim kêu trên cây cổ thụ, đứa trẻ nhớ nhà cũng ngồi khóc. Được khoảng một tháng, Hòe bị bệnh kiết lị, nhà chủ sợ chết như hai con sen trước nên mang đi cho. Cô bé Hòe lớn lên ở nhà một địa chủ khác gần đó rồi lấy chồng ở tuổi đôi mươi.
Bằng nghề làm ruộng, bà Hòe sinh được năm người con, một gái, bốn trai. Cuộc sống nhiều xáo trộn, nhưng những ký ức về gia đình, về cha mẹ và các chị vẫn đóng đinh trong trí nhớ của bà.
"Tôi hay thấy người làng gánh củ ấu, mực tươi và rươi qua nhà. Mỗi lần mẹ đi chợ về, tôi lại hỏi ‘Nay bu đi chợ gì?’, hôm thì bà bảo 'chợ Cầu’, hôm thì nói ‘đi chợ Đồn (hoặc chợ Cồn)", bà Hòe nói. Bà nhớ nhà mình có người hàng xóm tên Tuân, con gái ông tên Xế.
Anh Vương Duy Sáng, con trai út của bà, cho biết, đã 75 năm trôi qua, nhưng hàng trăm lần kể, câu chuyện của mẹ vẫn không hề thay đổi. "Nhìn đôi mắt lúc nào cũng u sầu của mẹ, tôi biết bà mong đợi", anh Sáng nói.
Hơn 20 năm qua, anh Sáng đã hàng chục lần về các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng – nơi có củ ấu, có mực và rươi, có chợ Cầu, chợ Đồn, chợ Cồn tìm người thân cho mẹ. Trong suy đoán của anh Sáng, quê ngoại ở Thái Bình.
Từ những ký ức của mẹ, anh và hai anh trai soạn được hơn 100 chữ, in thành tờ rơi, thuê xe tự lái về Thái Thụy (Thái Bình) tìm kiếm. Ban đầu, anh Sáng đến các trụ sở phường, xã nhờ giúp đỡ. Những chuyến sau, anh đến hỏi thăm các cụ già tầm tuổi mẹ mình, sống ở các chợ để hỏi han. Người ta hỏi tên ông bà ngoại, địa chỉ gia đình, anh bối rối lắc đầu.
Sáng nhận được hàng trăm cuộc điện thoại của người lạ. Có người nói đang tìm gia đình cũng có 4 người con, 3 gái, một trai thất lạc như mẹ anh. Hy vọng nhen lên trong trong từng câu, từng chữ, nhưng chỉ vài thông tin tiếp sau đó, anh phải nén tiếng thở dài.
"Một người gọi cho tôi, nhưng nói cậu mới 60 tuổi, hoàn toàn không đúng, ít nhất cậu tôi phải 75-76 tuổi rồi. Một người khác thì lại nói cậu sinh trước mẹ tôi, như vậy cũng không chuẩn", anh kể.
Vài năm gần đây, anh nhờ phát thanh của các xã, phường, huyện, thậm chí truyền thanh của tỉnh Thái Bình đăng tin tìm người thân. Có xe riêng, vợ chồng anh lái về các huyện Hải Hậu (Nam Định), Tiền Hải, Kiến Xương (Thái Bình), Vĩnh Bảo (Hải Phòng) lần tìm.
Anh kết nối với những người xa lạ trên mạng xã hội nhờ giúp đỡ. Chuyến đi nào cũng khấp khởi rồi về tay không.
"Mẹ hay bảo tôi đừng tìm nữa. Tôi biết bà thương con vất vả, chứ càng gần đất xa trời, bà càng tha thiết muốn biết gốc gác, cội nguồn. Có lẽ ông bà ngoại và các bác tôi đã mất, nhưng có thể cậu tôi và các con của cậu vẫn còn", anh nói.
Dịp lễ Tết, con cháu sum vầy vui vẻ, nhưng bà Hòe ít nói, cười. Trong thâm tâm, các con đều biết, chưa rõ dòng máu đang chảy trong mình là của ai, mẹ sẽ không thể có niềm vui trọn vẹn. Anh Sáng hiện đã liên hệ với chương trình truyền hình chuyên tìm kiếm người thân thất lạc để thỏa tâm nguyện của mẹ.
"Vì đói khổ mà ông bà ngoại mới phải cho mẹ đi. Biết đâu, ở nơi nào đó, những người thân cũng đang đau đáu tìm bà, như chúng tôi tìm họ", con trai bà Hòe nói.
Phạm Nga
0 nhận xét:
Đăng nhận xét