Tình người ở những điểm phát quà miễn phí

10 ngày tình nguyện trao quà miễn phí cho người khó khăn vì Covid-19 là 10 ngày anh Đào Tuấn Hùng, 41 tuổi, chứng kiến những câu chuyện về tình người.

Đầu giờ chiều ngày 10/4, hai người phụ nữ đi bộ tới nhận quà ở điểm phát miễn phí số 420 Lạc Long Quân do anh Hùng phụ trách. Một người lấy xong đi luôn, còn một chị khoảng 35 tuổi, dáng người gầy gò, mặc bộ áo hồng vẫn đứng lại. Trên tay chị cầm một chiếc phong bì và lưỡng lự như thể muốn làm một điều gì đó. Sau một hồi, người phụ nữ mạnh dạn đi về phía anh Hùng và dúi cái phong bì vào tay anh. "Tôi vội bảo đây là quà tặng miễn phí nhưng chị ấy bảo đây không phải tiền. Đưa xong cái phong bì, chị ấy tất tả bỏ đi luôn", anh Hùng kể.

Bên trong phong bì là một lá thư với nội dung:

"Kính gửi các bác, các cô chú.

Tôi là một người dân lao động tự do thất nghiệp kể từ khi bệnh làm ảnh hưởng đất nước, con người và chỉ thị 16 Chính phủ tạm dừng để đảm bảo tính mạng con người và cộng đồng. Tôi đi bán hàng cũng phải nghỉ, ko việc làm, cảnh thuê nhà lên (nên) khó khăn. Tôi đi qua Lạc Long Quân, một địa điểm phát gạo mỳ thức ăn.    

Tôi vô cùng cảm động rơi nước mắt nhận từ bàn tay gói quà đầy nghĩa tình trân trọng để tôi có ăn qua ngày, mong chóng hết dịch bệnh để tôi có công việc làm ăn. Một lần nữa tôi xin trân thành cảm ơn các bác cô chú lan tỏa tình thương đùm bọc khi khó khăn này. Xin chúc các bác cô chú mạnh khỏe đắc tài đắc lộc đã cứu bao người lúc khó khăn. Tôi xin trân (chân) thành cảm ơn nhiều.

Hà Nội ngày 10/4/2020

Một Người Dân". 

Bức thư người phụ nữ gửi anh Hùng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bức thư người phụ nữ gửi anh Hùng. Ảnh: Đào Tuấn Hùng.

Lá thư vụng về, không mạch lạc và có nhiều lỗi chính tả song vẫn đủ để người đọc hiểu ý. "Nhận được bức thư với tình cảm như thế này thì chúng tôi lại phải tiếp tục cố gắng để không phụ một tấm lòng trong thiên hạ", anh Hùng nói.

Anh Hùng là một trong 20 thành viên của một nhóm tình nguyện giúp đỡ người khó khăn trong đại dịch, tự phát trên mạng xã hội. Ngoài điểm phát quà miễn phí do anh Hùng phụ trách, nhóm này còn 8 điểm nữa ở Hà Nội.

Là một trong hai người thành lập nhóm trên, Anh Đặng Như Quỳnh, 40 tuổi, gần như ngày nào anh bắt gặp những cảnh tượng khiến "sống mũi cay cay".

Ngày 11/4, ở điểm phát quà số 6 Phan Kế Bính, nhóm anh Quỳnh gặp một người phụ nữ nhặt ve chai. Chị ghé vào, không hỏi xin quà mà chỉ ngỏ lời mua đống thùng carton đựng mỳ tôm trên vỉa hè. "Chị ấy kể, đi từ sáng mà không thu gom được gì do quán xá đều đóng", anh Quỳnh nhớ lại.

Còn một suất cơm chưa ăn, nhóm phát quà mời người phụ nữ nhặt ve chai dùng bữa cùng họ. Sau một hồi ngập ngừng, chị đồng ý ngồi xuống. Ăn xong, cả nhóm thống nhất cho chị số hộp và tặng thêm túi quà gồm gạo và lạc. Bất ngờ là người phụ nữ ấy nhất định chỉ xin mấy cái hộp carton, còn túi quà thì không nhận để "nhường cho người khác khó khăn hơn".

"Nếu mai khó không mua được hay xin được gì thì tôi ghé xin sau", chị ve chai nói.

Người phụ nữ nhặt ve chai kiên quyết không nhận quà, chỉ lấy những vỏ thùng mì tôm. Ảnh: Đặng Như Quỳnh.

Người phụ nữ nhặt ve chai kiên quyết không nhận quà, chỉ lấy những vỏ thùng mỳ tôm. Ảnh: Đặng Như Quỳnh.

Cách đó ba hôm, ở điểm 54 Lê Văn Lương, anh cũng gặp một cụ ông ngoài 70 tuổi, mặc áo bông trấn thủ, xin quà cho mình và hai người ăn mày ở góc đường. Không kịp đưa quà cho một người ăn mày vì người đó đã về mất, ông lão quay lại điểm phát quà, trả lại túi quà chưa dùng. 

Không chỉ cảm động trước tấm lòng của những người đến nhận quà, nhóm tình nguyện còn được hỗ trợ bởi những mạnh thường quân giấu tên. Có người 5h sáng đã gọi điện đến ngỏ ý làm bánh cuốn mời bà con. Có cụ ông đội mưa chuyển gạo tới mà nhất quyết không vào nhà vì không muốn để lại tên tuổi hay có những chiến sĩ công an vừa nhận lương đã tranh thủ giờ nghỉ trưa qua đóng góp với suy nghĩ: "Mỗi người một chút chắc bà con ổn hơn".

Sáng 13/4, một phụ nữ 60 tuổi tới dúi vào tay anh Quỳnh tờ 500.000 đồng vì "đi chợ không mua được gì để ủng hộ". Bà đau chân, định bụng mua hai kg thịt lợn để vợ chồng mình ăn cả tuần nhưng thấy thịt lợn đắt quá nên thôi. "Tuần này ăn rau, trứng vậy còn dành tiền ủng họ bà con nghèo", bà nói rồi vội đi, hứa hẹn vài hôm nữa nhận lương hưu sẽ trích thêm ủng hộ.

Cũng tổ chức nhóm thiện nguyên ở Melbourne, Australia, chị Nguyễn Bảo Châu cho biết đồng bào nhiều người nghèo khó nhưng tự trọng. Có một phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ xin hỗ trợ nhu yếu phẩm từ những ngày đầu chị Châu triển khai hoạt động thiện nguyện. Lúc đó, tiền từ mạnh thường quân còn ít nên nhóm chỉ hỗ trợ được 5 kg gạo và ít đồ. Sau này, khi có thêm gạo, chị nhắn để "mẹ bỉm" đến lấy thêm nhưng người này nói "khi nào em hết em sẽ xin, để các mẹ khác còn có gạo". Có người nhận gạo thì từ chối mỳ tôm, được cho thêm cũng nhất định từ chối.

Rất nhiều mạnh thường quân trong nhóm chị Châu là phụ nữ thất nghiệp, mẹ bỉm sữa, không mấy dư dả nhưng vẫn ủng hộ. "Một chị hiện thất nghiệp vì Covid-19, không có xe để đi lại nhưng vẫn đi bộ mua vải về may khẩu trang tặng mọi người. Đến khi hết tiền, chị nhờ chúng tôi loan tin ai cần khẩu trang cứ gửi vải đến, chị sẽ may dùm", chị Bảo Châu kể. 

Minh Trang - Phạm Nga

Let's block ads! (Why?)

About Unknown

Unknown
"Mình là Phương Nguyễn, thâm niên 4 năm kinh nghiệm thiết kế website và làm marketing, tuy nhiên kể từ 1 năm trở lại đây mình không còn làm marketing nữa, và chỉ tập trung vào viết plugin và giao diện cho Wordpress, nếu các bạn thấy bài viết hay thì hãy chia sẻ cho những người khác cùng tham khảo, còn nếu muốn thiết kế website hoặc sửa web hay đặt một plugin có chức năng đặc biệt, hãy liên hệ ngay tới Phương"
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Đăng nhận xét