Uống nước tiểu bò, liếm cửa nhà thờ hay dùng đá granite khi tắm… là chiêu thức chống Covid 19 của nhiều người trên thế giới.
Hiện nay khi vẫn đang hoành hành, không ít quốc gia đưa ra nhiều biện pháp tin cậy cho người dân nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Tuy nhiên vẫn có người lại có những phương pháp chống virus "bất thường", nằm ngoài trí tưởng tượng.
Uống rượu chữa Covid-19
Khi các quốc gia phải đóng cửa biên giới, các bệnh viện vất vả với sự gia tăng bệnh nhân, thì tại Belarus mọi việc vẫn bình thường. Bản thân người đứng đầu quốc gia, Tổng thống Alexander Lukashenko lại khuyên người dân thực hiện những biện pháp "bất thường" để điều trị virus.
Ông Lukashenko đã gạt bỏ những lo ngại về dịch bệnh và nói rằng chơi khúc côn cầu, uống rượu vodka và sử dụng banya - phòng tắm hơi truyền thống - là những phương pháp chữa trị Covid-19 tốt nhất. Theo vị tổng thống này, dù không thích uống rượu nhưng hiện tại ông duy trì thói quen uống Vodka mỗi ngày vì tin rằng có thể giúp phòng ngừa virus.
"Bạn nên uống khoảng 40-50 ml loại rượu mạnh này mỗi ngày, nhưng đừng uống tại nơi làm việc", Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko phát biểu hôm 29/3, sau khi xem một trận đấu khúc côn cầu trên băng.
Trước đó tại Anh, một loại rượu cocktail có tên là Hot Toddy, được pha chế bằng cách trộn rượu Whisky Scoth, mật ong, nước chanh và nước nóng, được nhiều người tin rằng có thể giúp họ tránh được Covid-19.
Dù xuất phát từ Anh, nhưng thông tin trên lại khiến gần 300 người chết và hơn 1.000 ca ngộ độc rượu có methanol ở Iran vào tháng 3/2020. Trong những tin nhắn trên mạng xã hội, người ta chia sẻ câu chuyện về một giáo viên ở Anh và nhiều người khác tự chữa khỏi Covid-19 bằng Hot Toddy. Ngoài ra, các khuyến cáo về việc rửa tay bằng nước sát khuẩn có cồn khiến nhiều người tự suy luận theo kiểu "như vậy thì uống cồn có thể diệt được virus trong cơ thể".
Tin đồn đặc biệt ảnh hưởng đến những người ít học. Một người làm rượu lậu ở thủ đô Tehran cho biết từ đầu năm 2020, do dịch bệnh Covid-19, lượng bán rượu của người này tăng gấp 4-5 lần. Do số người chết vì rượu quá lớn, bác sĩ Javad Amini Saman, làm việc tại thành phố Kermanshah - nơi các bệnh viện có hàng chục người ngộ độc methanol, khẳng định: "Tin đồn kiểu cồn có thể thải độc và làm sạch đường ruột là thông tin thất thiệt"
Chống dịch theo đức tin
Vào đầu tháng 3, những video trên mạng xã hội cho thấy người Iran vẫn liếm cổng, cột trong Lăng Fatima tại thành phố Qom, nơi đang chịu hậu quả về Covid-19 nặng nề nhất tại quốc gia Hồi giáo này. Một tín đồ hôn đền thờ còn yêu cầu mọi người "ngừng làm người dân sợ hãi về dịch bệnh". Một đứa trẻ thậm chí còn được tán dương khi liếm cửa đền.
Đây là thói quen phổ biến của những người hành hương về các thánh địa và nhiều người còn coi các ngôi đền ở Qom là "nơi chữa bệnh". Một số người Iran thậm chí tuyên bố họ "không quan tâm đến những điều đang xảy ra", ngay cả khi dịch bệnh đã khiến nhiều người chết tại đất nước này.
Tại Ấn Độ vào đầu tháng 1 năm nay, cựu lãnh đạo Ấn Độ giáo là Chakrapani đã từng khẳng định: Uống nước tiểu của bò và ăn phân bò có thể ngăn ngừa nhiễm virus gây chứng viêm phổi mới. Chakrapani thậm chí đã chụp ảnh khi ông đặt một chiếc thìa chứa đầy nước tiểu bò gần bức tranh biếm họa virus corona.
"Chúng tôi đã uống nước tiểu bò và tắm trong phân bò đã được 21 năm. Chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy mình cần phải sử dụng thuốc tây", Om Prakash, một người tham dự bữa tiệc cho biết.
Cũng giống như nhiều người theo đạo Hindu coi bò cái là linh vật, những người uống nước tiểu bò này tin rằng nó có "phép thần thông" chữa bệnh. Tuy nhiên, điều đáng nói là các chuyên gia đã nhiều lần khẳng định chưa có bằng chứng nào cho thấy nước tiểu bò cái có thể ngăn ngừa nCoV.
Đá granite "chữa" Covid-19
Tại Nhật, thông tin gây hoang mang nhất với người dân nước này thời gian qua chính là việc sử dụng đá granite trong khi tắm có thể tiêu diệt virus Corona.
Theo thông tin được lan truyền thì đá granite chứa các nguyên tố phóng xạ nhất định như uranium, thorium và radium, có thể giải phóng ra một lượng nhỏ phóng xạ mang tác dụng khử trùng và phòng bệnh.
Ngay khi thông tin này được lan truyền, các trang web mua sắm tại Nhật Bản, ví dụ như Mercari, đã chứng kiến số lượng đặt hàng tăng cao đến chóng mặt cho các sản phẩm liên quan tới đá granite. Tình trạng mất kiểm soát trong thời gian ngắn khiến độ khan hiếm gia tăng, kéo theo đó là giá cả bán ra cũng tăng vọt. Theo Fuji TV, có những viên đá granite được hét giá lên tới 12.000 JPY (tương đương với 2,5 triệu đồng), nhưng vẫn được tiêu thụ với số lượng chóng mặt.
Tuy nhiên theo ông Koichiro Yoshida, giáo sư truyền nhiễm tại Đại học Kindai thì thông tin trên không hề có cơ sở khoa học, chỉ làm giàu cho những thương lái buôn đá.
Trước đó tại Nhật cũng bùng nổ thông tin Natto, một món ăn truyền thống làm từ hạt đậu tương lên men cũng có khả năng chữa được Covid-19. Nguyên nhân là do nơi sản xuất ra loại hạt này, tỉnh Ibaraki không ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh.
Ngay lập tức, người dân đổ đi mua Natto, đến mức mỗi siêu thị tại Tokyo phải đưa ra hạn mức, mỗi người chỉ được mua một sản phẩm. Tuy nhiên, số hàng tích trữ tại các siêu thị lớn cũng được bán hết nhanh chóng.
Sau nhiều tin đồn thất thiệt, Cơ quan tiêu dùng Nhật Bản đã tuyên bố chưa có sản phẩm nào được chứng minh có tác dụng phòng chống Covid-19 hiệu quả.
"Tại sao những tin đồn vô căn cứ lại được tin tưởng hơn những khuyến nghị chăm sóc sức khỏe mà chuyên gia y tế đưa ra?", người đứng đầu cơ quan này đặt câu hỏi.
Vy Trang (Theo QQ news)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét