Bí quyết của việc nuôi dạy con cái là tìm kiếm sự cân bằng giữa việc trẻ có thể làm bất cứ điều gì chúng muốn và những lời đe nẹt của cha mẹ.
Trên thực tế, có những điều mà cha mẹ cấm đoán một cách vô ích, và có những việc phụ huynh hoàn toàn không nên cấm trẻ.
Nghịch ngợm, làm rách, bẩn quần áo
Chẳng cha mẹ nào muốn quần áo con bẩn thỉu, rách rưới, nhất là khi họ cất công mặc cho chúng những bộ đồ đẹp đẽ, đắt tiền. Nhưng sự thật là, cách tốt nhất để trẻ tìm hiểu về thế giới bên ngoài chính là tiếp xúc, khám phá môi trường xung quanh bằng các giác quan của chúng. Những lúc đó, trẻ chẳng bận tâm đồ chúng mặc đắt thế nào, sạch thế nào.
Vậy thì đừng cấm trẻ nghịch ngợm làm bẩn quần áo. Tốt nhất là nên chọn cho con trang phục phù hợp cho từng hoàn cảnh để hạn chế tối đa việc trẻ có thể làm hỏng đồ.
Thích ăn vặt
Thử nhớ lại khi bạn còn nhỏ, bạn có thích ăn vặt không chứ? Câu trả lời là có. Sự thật là trẻ nào cũng thích ăn vặt, bao gồm bim bim (snacks) bánh ngọt, kẹo... , chúng "liếm láp" đồ ăn, bôi bẩn ra tay, rồi bôi lên quần áo.
Cha mẹ không thích điều này, nhưng các chuyên gia tin rằng thi thoảng cha mẹ nên mua đồ ăn vặt cho trẻ. Tuy nhiên, nên cho trẻ hiểu rằng chúng có thể được ăn một ít, chứ không phải ăn bừa phứa, thích ăn lúc nào cũng được. Khi bạn làm vậy, trẻ sẽ không phải bí mật giấu giếm mẹ túi kẹo, bánh mà chúng thích. Và đừng quên, bánh kẹo cũng là một phần tuổi thơ của trẻ.
Dùng tiền tiêu vặt để mua những thứ "vô bổ"
Theo kết quả của một khảo sát, trẻ hiện đại thường dành tiền cá nhân để đi chơi với bạn bè, mua đồ chơi, đồ ăn... Nhiều cha mẹ cho rằng thật ngớ ngẩn khi tiêu tiền vào những thứ vô dụng như vậy, vì vậy họ thường ngăn cấm trẻ. Tuy nhiên, nên ngưng sử dụng phương pháp cấm đoán này, vì hai lý do:
Thứ nhất, khi bạn cho tiền con, nó trở thành tài sản của riêng con. Vì thế, con là người duy nhất có thể quyết định chi tiêu số tiền đó như thế nào. Điều này đặc biệt quan trọng trong các gia đình mà trẻ làm việc nhà để kiếm tiền.
Thứ hai, trẻ có thể sẽ cảm thấy hối hận sau khi chi tiêu tiền vào những thứ vô ích, và đây thực sự là một bài học thực tế về cách chi tiêu cho chúng. Nhờ thế, con mới biết học cách kiểm soát chi tiêu và phân biệt được sự khác biệt giữa nhu cầu hiện tại và những mục tiêu lâu dài.
Lười biếng
Các nhà tâm lý học chỉ ra rằng trẻ hiện đại trở nên lo lắng và dễ chán hơn so với trẻ em ở các thế hệ trước. Lý do (dù muốn thừa nhận hay không) chính là do trẻ bị đẩy vào những cuộc đua vô hình (ví dụ như đua tranh để có kiến thức, bằng cấp... ). Chương trình học ở trường ngày càng khó, số lượng xu hướng cũng tăng lên. Đó là lý do khiến trẻ hiện đại có nhu cầu mãnh liệt là... không phải làm gì. Nếu trẻ có thời gian rỗi, tốt nhất là đừng thúc giục trẻ điền đầy nó lập tức. Đôi khi nên cho trẻ "khoảng lặng", tức là không cần phải làm gì cả, điều này khiến trẻ cảm thấy hạnh phúc và thoải mái làm điều chúng muốn.
Không thích đi học
Trốn học là không tốt, nhưng cũng có thể chấp nhận được. Đôi khi chúng ta thậm chí cần phải giả bộ tạo ra cho trẻ khoảng thời gian rảnh, đặc biệt khi nhận ra con có dấu hiệu căng thẳng, thậm chí trầm cảm.
Thành tích học tập hoàn hảo không phải là cốt yếu, điều quan trọng là sức khỏe tinh thần và tâm lý của con trong khi học tập tại trường. Nếu bạn thấy con cần phải nghỉ ngơi, hãy cho con cơ hội sống chậm và lắng nghe cảm xúc của chính chúng: Con thích gì, con muốn làm gì, con mơ điều gì? Bởi vì đôi khi thật khó để có thời gian, nguồn năng lượng tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi đơn giản đến vậy, trong vòng xoáy của những nhiệm vụ đời thường của cả cha mẹ lẫn con cái.
"Cãi" người lớn
Cấm đoán trẻ phản ứng lại với mệnh lệnh, nhận xét của người lớn là một việc sai lầm. Sự cấm đoán này thậm chí tác động tiêu cực với trẻ nhỏ. Trẻ cần phải hiểu rằng không phải tất cả người lớn đều tốt như nhau, và không phải tất cả những yêu cầu mà họ đưa ra đều cần phải được thực hiện lập tức.
Liên quan tới trẻ lớn hơn, điều này còn là vấn đề đạo đức. Thực tế, sự khôn ngoan và tính công bằng ngày càng ít phụ thuộc vào yếu tố tuổi tác. Đôi khi, người cao tuổi có thể mắc sai lầm hoặc cư xử một cách bất lịch sự. Vì thế, điều quan trọng chính là học cách bảo vệ ý kiến cá nhân và ranh giới cá nhân trong mọi tình huống. Người lớn, ở góc độ của mình, cha mẹ cần phải dạy con làm điều đó mà không cần phải cãi vã, châm chọc và lăng mạ người khác.
Chọn quần áo "kỳ quặc"
Nhiều cha mẹ rất bực dọc khi đi mua sắm với con, vì không "ưng mắt" nổi với những gì con chọn. Tuy nhiên, các nhà khoa học đều khuyên cha mẹ nên giữ bình tĩnh. Bạn không phải là người sẽ mặc những chiếc quần jeans rách rưới, những chiếc áo hoodie loang lổ đó. Vì thế, hãy để con được tự lựa chọn đồ cho chúng vì hai lý do:
Bằng cách này, trẻ hình thành các giá trị cá nhân của chúng. Chúng chọn lựa dựa trên cá tính riêng và tìm thấy vị thế của mình trong xã hội. Lý do thứ hai thực dụng hơn, đó là trẻ sẽ vui vẻ mặc những đồ đó chứ không giấu chúng trong tủ, hay buộc phải mặc với thái độ cáu kỉnh.
Làm những chuyện "dại dột"
Các nhà tâm lý học nói rằng trẻ em hiện đại bắt đầu trưởng thành quá nhanh chóng, đặc biệt trong thế giới mà người lớn luôn nói rằng: "Con không là trẻ con nữa đâu nhé", "sao con lại làm trò trẻ con đó vậy?", hay "Khi nào con mới chịu lớn?"... Chính xác là trẻ em có thể giả bộ đã lớn, nhưng thực sự thì chúng chưa sẵn sàng cho những khó khăn mà giai đoạn trưởng thành mang lại. Thế nên nếu con bạn vẫn cứ chơi những trò trẻ con hay hành xử quá "con nít" thì cũng đừng mắng mỏ chúng, hãy để trẻ trưởng thành với tốc độ của riêng chúng thì hơn.
Chơi game
Chris Bergman, giám đốc điều hành của một công ty lớn tạo ra các ứng dụng cho biết: "Một số trẻ em muốn chơi bóng chày cả ngày, nhưng tôi lại muốn chơi game thôi. Đáng buồn thay, mẹ tôi tin rằng tôi làm hỏng cả đầu óc vì đam mê chơi điện tử, vì vậy, tôi chỉ được chơi 1 giờ đồng hồ trước bữa tối. Nhưng điều đó chỉ thúc đẩy cảm giác giấu giếm người lớn". Ông cũng cho biết không cấm đoán các con của mình chơi game trên máy tính và điện thoại, đồng thời tin rằng nhờ cách tiếp cận này mà chúng có khả năng giữ tính tình điềm tĩnh lẫn tư duy.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các trò chơi game hữu dụng cho não trẻ hơn xem TV. Các trò chơi điện tử dạy cho não bộ của trẻ phản ứng nhanh và đọc thông tin. Kỹ năng này sẽ hữu ích cho trẻ khi chúng lớn lên và sống trong môi trường công nghệ tiên tiến thậm chí phát triển hơn hiện tại.
Thùy Linh (Theo Bright Side)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét