Ông Dân gọi chuyến đi này là cuộc chiến sinh tử, ví mình như chiến binh đi vào giữa bãi mìn mà không biết mìn ở đâu.
Trong căn hộ 60 m2 ở Milan, vùng Lombardy, ông Trương Văn Dân và vợ - nhà văn Elena Pucillo (64 tuổi), mỗi người một góc nghiền ngẫm những cuốn sách vừa mua từ Việt Nam sang. Ít người biết, để có những giây phút bên nhau bình yên này, ông Dân đã phải trải qua một chuyến đi bão táp, bay ngược vào "tâm bão" Covid-19 của đất nước hình chiếc ủng. Ngày 24/3, số người tử vong vì đại dịch này ở Italy đã lên gần 7.000 người, cao gấp đôi Trung Quốc.
"Nếu ở Việt Nam tôi sẽ an toàn nhưng sẽ phải suốt ngày phải lo lắng cho vợ ở Italy", nhà văn 67 tuổi gốc Bình Định nói và bắt đầu kể về chuyến đi "sinh tử" của mình.
Tháng 12/2019, ông Dân và vợ sang Milan ra mắt cuốn sách của bà rồi ăn Tết ở đó. Sau Tết, ông về nước, còn vợ ở lại. Đến đầu tháng Ba, Covid-19 bùng phát mạnh ở Italy, Milan trở thành tâm dịch, số người tử vong tăng từng ngày, bà Elena đặt vé trở lại TP HCM nhưng cuối cùng bị kẹt lại.
Mỗi năm, ông Dân đều cùng vợ sang Italy một lần, nhưng đây là chuyến về quê vợ bão táp nhất của đời ông. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Nhận tin vợ mắc kẹt giữa vùng dịch nghiêm trọng nhất thế giới, lòng ông Dân như có lửa đốt. Cuộc hôn nhân hơn 35 năm, trải qua nhiều biến cố, nhưng chưa lần nào khiến ông mất ngủ nhiều vậy. "Bà ấy chỉ ở một mình, chẳng may bà ấy nhiễm bệnh sẽ không ai bên cạnh", ông nghĩ và quyết định bay sang Milan, dù lúc đó những người khác ở Italy chỉ tìm cách về Việt Nam.
Ngày 12/3, ông đặt vé trở lại Italy, dù vợ phản đối. Chuyến bay dự kiến cất cánh ngày 16/3. Lúc này, Italy đã trở thành ổ dịch lớn thế hai thế giới. "Điều tôi lo lắng nhất là quá trình di chuyển sang Italy, mình bị nhiễm bệnh sẽ lây cho vợ hoặc nếu có gì bất trắc, chúng tôi sẽ phải chia lìa", giọng người chồng trùng xuống. Chưa kịp bay thì vé bị hủy.
Ông Dân tiếp tục đặt vé lần hai, chấp nhận giá vé tăng cao gấp nhiều lần. Đường bay của chuyến này dự kiến sẽ phải quá cảnh ở Singapore và Đức rồi mới đến Milan. Vừa đặt xong vé, chưa kịp mừng thì hãng báo tin chuyến bay bị hủy.
Không bỏ cuộc, lần thứ ba ông nhờ một người bạn làm trong ngành du lịch đặt vé giúp. Chuyến bay dự kiến khởi hành chiều 14/3 tại sân bay Tân Sơn Nhất, quá cảnh ở Belgrade (Serbia) rồi đổi sang hãng khác để tiếp tục bay về Milan.
Ông Dân gấp nhanh vài bộ quần áo, cho khẩu trang, găng tay, kính bảo hộ, nước rửa tay, nước súc họng vào hành lý, xách theo ít đồ ăn khô... vào vali. Hít một hơi thật sâu, ông kéo vali rời nhà ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, nơi hai vợ chồng định cư 10 năm qua. Tưởng như may mắn đã mỉm cười vì vé không bị hủy, đến khi làm thủ tục quá cảnh Belgrade, ông mới biết có lệnh cấm người mang hộ chiếu Italy vào Serbia. Lần thứ ba ông không thể bay.
Ngồi thụp xuống vì thất vọng tràn trề nhưng ông xác định trong tuần này khi các nước chưa thực sự siết chặt lệnh cấm, sẽ có "cửa" để đi được. Ông Dân quyết định ngồi lại sân bay nhờ người quen tìm giúp một chuyến bay khác ngay trong đêm. Đến nửa đêm, người bạn sốt ruột, khuyên ông về nhà, hứa báo ngay khi có vé. "Tôi về nhà, cơ thể như bất động vì rã rời, nhưng đầu nối tiếp suy nghĩ. Đó thực là một đêm ác mộng", ông nhớ lại.
Ông Dân dừng chân ở nhà ga Milan, kết thúc hành trình 33 giờ từ Việt Nam sang Italy. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
9h sáng ngày 15/3, nhận điện thoại của bạn thông báo có chuyến bay quá cảnh sang Doha (Qatar) để về Rome, ông Dân lại lặng lẽ kéo vali ra sân bay Tân Sơn Nhất. Ba lần bị hủy vé, ông Dân dặn mình không mừng vội, cũng không dám báo tin cho vợ hay bạn bè.
19h cùng ngày, ông Dân lên chuyến bay sang Doha. Dừng ở sân bay 9 tiếng, ông đảo mắt tìm nơi ít người qua lại nhất để ngồi. "Tôi đã quen với sân bay vốn rất đông đúc này, nhưng giờ chỉ còn khoảng 1/4 khách so với ngày thường", ông kể. Lúc đó là 1h sáng giờ địa phương.
Suốt năm tiếng chờ đợi, ông bước về phía quầy làm thủ tục cho chuyến bay kế tiếp hàng chục lần. Lồng ngực như nghẹn lại vì khó thở và căng thẳng. Ở sân bay Doha, không ai dám trả lời vị khách Việt chuyến bay sang Rome có thể cất cánh hay không. Bạn bè và vợ liên tục nhắn tin hỏi han tình hình. Không muốn mọi người hy vọng hoặc thất vọng, ông chỉ nhắn lại: "Đang ở Doha, chưa thể nói trước điều gì".
"Nỗi lo sợ lớn nhất của tôi là bị mắc kẹt lại đất nước xa lạ này, khi không thể sang Italy, cũng không thể về lại được Việt Nam", ông kể. 7h sáng 16/3, màn hình hiển thị thông tin sân bay có chuyến bay ông Dân chờ đợi. Lúc này, ông mới lôi trong vali chai nước và chiếc bánh ngọt để dằn bụng.
Khác với tưởng tượng của ông Dân, chuyến bay vẫn có đông hành khách. Nhớ lời bạn dặn "ngồi gần cửa sổ ít khả năng lây nhiễm nhất", ông chọn vị trí này. Trên máy bay, mọi người đều cảnh giác. Ông kéo cao khẩu trang lên khít mũi, ngoảnh mặt ra phía cửa sổ để tránh tiếp xúc, rồi thiếp đi.
Tỉnh lại, ông Dân thấy chiếc ghế bên cạnh bỏ trống, vị khách biến mất. Hóa ra, anh ta đã xin xuống phía dưới ngồi với một người đồng hương. "Chắc biết mình là dân châu Á, tưởng người Hoa nên sợ nhiễm virus", ông bật cười nhớ lại.
Chuyến bay hạ cánh ở Rome, cách Milan 600km, nhưng ông nghĩ mình đã đến đích. Sân bay vắng tanh. Khách người đeo khẩu trang, người không, nhưng đều đứng cách xa nhau ít nhất một mét. Cảnh sát đứng dày các lối đi, kiểm tra tờ khai y tế của từng người. Ông Dân mở máy thông báo với vợ đã đến Rome và nghe thấy tiếng thở như trút được gánh nặng của bà. Bà Elena dặn chồng cẩn trọng. Hành trình về Milan còn dài.
Năm 19 tuổi, ông Trương Văn Dân sang Italy du học. Tại đây, ông gặp bà Elena, khi đó mới 16 tuổi. 13 năm sau, năm 1985, họ mới chính thức thành vợ chồng. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Ông Dân tiếp tục mất hơn nửa giờ bắt xe buýt từ sân bay đến ga xe lửa Rome. Cả nhà ga lớn bậc nhất châu Âu này cũng vắng tanh, nhân viên an ninh đông hơn khách. Nhà chức trách làm bốn hàng rào để kiểm soát người ra vào. Chỉ có duy nhất một quán ăn nhỏ mở cửa. Lúc này, bụng réo ầm ĩ, ông đứng xếp hàng, mua được một miếng pizza nóng.
"Tôi ngồi phịch xuống đất ăn ngon lành. Cảm giác như được sống lại thời sinh viên nghèo khó, lang bạt", ông nói. Lúc đó là 13 giờ ở Italy. Cả toa tàu chỉ có bốn hành khách, ngồi rải từ đầu đến cuối toa.
Bà Elena ra nhà ga Milan đón chồng. Ông Dân bỏ áo khoác đang mặc vào bao nilon. "Cười chảy nước mắt vì hạnh phúc nhưng vợ chồng chẳng dám ôm nhau", ông kể. Về nhà, ông bỏ hết hành lý ra ban công, thay quần áo, khử trùng trước khi bước vào nhà. Bà Elena đã chuẩn bị những món Ý nóng sốt cho chồng. Bữa cơm đã có hai người.
Ngày hôm sau 17/3, phi trường Rome chính thức đóng cửa, lệnh phong tỏa cũng đã được ban hành ở Italy. Sau đó một ngày, ở Việt Nam, Vietnam Airlines dừng khai thác đường bay quốc tế đến hết tháng Tư.
Phạm Nga
0 nhận xét:
Đăng nhận xét