Cặp vợ chồng thoát khỏi Vũ Hán trước ngày sinh con

'Chuẩn bị đồ đạc, có khả năng sẽ được về nước', cú điện thoại của Đại sứ quán Việt Nam chiều 9/2 khiến Nguyễn Văn Phi bật dậy, lao đến ôm chầm vợ.

"Có hy vọng về nước rồi vợ ơi", tiếng Phi vang lên trong căn phòng trọ đối diện cổng tây Đại học Vũ Hán, Hồ Bắc. Chị Nguyễn Thị Thanh, vợ anh còn không tin vào tai mình, liên tục hỏi "Thật hả chồng?". Rất muốn nhảy theo chồng nhưng cơ thể của thai phụ ở tuần thứ 36 không cho phép.

Sau vài phút nụ cười xen lẫn nước mắt, họ lao vào thu dọn đồ đạc. "Xe nôi có mang không em? Không. Thảm, cũi to quá cũng không mang nhé em", Phi hỏi và tự trả lời. Trên giường, Thanh đang sắp xếp sách vở và quần áo sơ sinh - hai thứ cô thấy quan trọng nhất. "Hạnh phúc đến nỗi chốc chốc hai đứa bước lại ôm nhau", Thanh kể.

Đó là 2h chiều ngày 9/2, họ nhận tin chính phủ Việt Nam đã bố trí một chuyến bay từ Nội Bài sang Vũ Hán đón 30 lưu học sinh và công dân đang mắc kẹt tại đây về nước, dù trước đó tất cả các chuyến bay thương mai đã bị ngừng. Thời điểm này Trung Quốc đã có hơn 37.000 ca nhiễm và hơn 800 ca tử vong do Covid-19. 

Vì Thanh đang mang bầu những tháng cuối, nên trên chuyến bay có một bác sĩ sản khoa chăm sóc riêng. Về đến sân bay Vân Đồn, cô cũng được di chuyển bằng xe cứu thương thay vì đi xe với đông người phòng trường hợp sinh giữa đường. Tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương ở Đông Anh, đôi vợ chồng được ở một căn phòng cách ly riêng, có cả bàn đẻ, lồng ấp và đầy đủ các trang thiết bị khác sẵn sàng cho trường hợp chuyển dạ.

Vợ chồng Phi tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương ngày 2/3, trước khi hết hạn cách ly. Ảnh: Lộc Chung.

Vợ chồng Phi tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương ngày 2/3, trước khi hết hạn cách ly. Ảnh: Lộc Chung.

Nhưng trước khi có những sự bình yên đó, vợ chồng Thanh đã sống trong trạng thái thấp thỏm gần 20 ngày ở tâm dịch Vũ Hán. Những ngày đầu tiên của đại dịch thông tin vẫn còn ít ỏi. Vì chương trình học nặng, thời gian nghỉ ngắn và không muốn bảo lưu, nên vợ chồng Phi - Thanh quyết định không về nước ăn Tết. "Hai đứa chưa mảy may nghĩ gì về ổ dịch", Nguyễn Văn Phi, 27 tuổi, đang học thạc sĩ ngành trắc địa ở Đại học Vũ Hán, chia sẻ.

Phi cùng vợ sắm sửa Tết sớm và mua nhiều lương thực, phòng trường hợp ra Tết chợ búa chưa hoạt động hoặc giá cả đắt đỏ. Anh còn ấp ủ sẽ tranh thủ kỳ nghỉ này cùng vợ dạo chơi một số thắng cảnh ở Vũ Hán. Thành phố 11 triệu dân có lầu Hoàng Hạc, cầu Trường Giang và đặc biệt trong khuôn viên trường của họ có con đường hoa anh đào rực rỡ mỗi độ xuân về.

10h sáng 23/1, điện thoại của Phi và Thanh đồng loạt nhận được các tin nhắn thành phố họ đang sống bị phong toả, toàn bộ phương tiện giao thông công cộng ngừng hoạt động, nội bất xuất, ngoại bất nhập. "Tận lúc này hai đứa mới hình dung được Vũ Hán đã thành tâm dịch", chàng du học sinh nói.

Vợ chồng Phi đóng cửa ở trong nhà. Mỗi sáng thức giấc, anh luôn sờ tay lên trán vợ rồi trán mình, thở phào không thấy sốt. Họ đeo khẩu trang 24/24 giờ, ngoại trừ lúc ăn và tắm. Có những ngày nhiệt độ xuống tới 4 độ C, nhưng để lưu thông không khí, cửa sổ ban công luôn mở toang. Thi thoảng, anh mang đến cho vợ cốc nước ấm để cổ họng không bị khô, tăng khả năng chống virus xâm nhập.

Phi chỉ ra ngoài duy nhất vì mục đích đổ rác, hai ngày một lần. Có vài bước chân là ra thang rác nhưng lo sợ virus nên anh bảo hộ bằng hai lớp khẩu trang, găng tay, đội mũ, đeo kính. Đổ xong vào là rửa tay xà phòng và sát trùng bằng cồn.

Mang bầu những tháng cuối cần phải đi siêu âm theo tuần, nhưng vài tuần rồi Thanh chưa đi được. Bụng cô càng to trong lúc dịch bệnh càng phức tạp. Hai vợ chồng lo cho thai nhi "có đủ dinh dưỡng không, nước ối còn không". Mỗi ngày Phi ghé tai vào bụng vợ hàng chục lần để nghe tim thai và thấy con đạp mới yên tâm.

"Lo nhất là con sẽ sinh ở đâu, đẻ thường hay mổ. Sinh xong mẹ và con đều yếu, trong khi dịch bệnh biến thể khó lường, tôi rất sợ nguy hiểm cho hai mẹ con", Phi trăn trở.

Vợ chồng Phi yêu nhau từ ngày học dưới mái trường Đại học Mỏ địa chất Hà Nội, sau đó cùng học lên thạc sĩ ở Đại học Vũ Hán. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Vợ chồng Phi yêu nhau từ ngày học dưới mái trường Đại học Mỏ địa chất Hà Nội, sau đó cùng học lên thạc sĩ ở Đại học Vũ Hán. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhưng họ không đơn độc. Các thầy cô trong trường ngày nào cũng gọi để biết vợ chồng Phi còn thực phẩm hay không. Một thầy giáo cứ vài ngày gom được chiếc khẩu trang nào lại mang đến. Có những người bạn gọi điện sẵn sàng tiếp tế. Bố mẹ hai bên từ Việt Nam sáng, trưa, tối đều gọi video sang. 

Nỗi thấp thỏm của đôi vợ chồng trẻ giảm bớt khi được kết nối với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc. Từ lúc này, mỗi ngày trước 12h trưa, họ báo tình trạng sức khoẻ và nhiệt độ cơ thể vào nhóm và trao đổi với các thành viên khác cũng đang mắc kẹt. Nhiều đêm Phi học khuya vẫn nhận được điện thoại động viên từ những người làm ở đại sứ quán. "Có hôm 1h sáng đại sứ còn gọi bảo yên tâm, chắc chắn sẽ được về và dặn mình giảm căng thẳng cho vợ bằng cách đọc truyện, tập yoga, nghe nhạc", Phi ứa nước mắt vì xúc động.

Ngày trở về cuối cùng cũng đến. Họ có 3 giờ chuẩn bị trước khi xe của đại sứ quán đón ra sân bay. Chiều hôm ấy đứng ở ngã tư đường chờ xe, Thanh nhìn thấy những con đường không một bóng người, cổng trường đại học Vũ Hán đóng kín, im lìm. Trong khi trước đây Vũ Hán vốn là thành phố đông dân, trường của cô là đại học lớn nhất tại đây, nhưng giờ thành ổ dịch ai cũng muốn tránh xa. Bất chợt, mắt Thanh nhoè đi.

"Hàng đêm, khẩu hiệu "Wuhan Jiayou" (Vũ Hán cố lên) vang lên từng hồi từ các chung cư lân cận nhà mình. Lần nào nghe thấy, hai đứa cũng lặng đi, thương người dân Vũ Hán và cầu mong một phép màu để dịch bệnh nhanh qua", Thanh nhủ trong lòng trước giây phút rời khỏi đây.

Được về nhưng chưa phải nguy hiểm đã hết. Vì lo chẳng may nhiễm virus trên đường ra sân bay, cứ 15 phút Thanh lại được chồng đưa cồn sát khuẩn tay. Trước khi lên và xuống máy bay, họ được trang bị đồ bảo hộ kín mít. 

Ngay khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vân Đồn, vợ chồng Phi cùng đoàn di chuyển về Bệnh viện nhiệt đới trung ương thực hiện cách ly. Một ngày sau cô được khám thai. Hơn một tháng không siêu âm, cộng với nỗi lo đi máy bay khiến Thanh run, thở gấp. Phi ngồi bên nắm tay để vợ thư giãn, thở đều. Thời khắc này anh cũng căng thẳng không kém vợ. "Tận khi bác sĩ nói hai mẹ con đều khoẻ, mọi chỉ số đều tốt, mình như trút được gánh nặng", Phi kể. 

Trải qua một thai kỳ nguy hiểm, cuối cùng em bé của vợ chồng Thanh đã chào đời ngày 5/3. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trải qua một thai kỳ nguy hiểm, cuối cùng em bé của vợ chồng Thanh đã chào đời ngày 5/3. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Họ trải qua 21 ngày cách ly yên bình, ngày 3 bữa ăn cơm bệnh viện và học online. Nhưng vẫn như trước, sáng mở mắt dậy là lấy nhiệt kế kiểm tra thân nhiệt, sau đó đọc báo để cập nhật tình hình Vũ Hán. Chiều 2/3, cả đoàn hết hạn cách ly. Đôi vợ chồng bắt luôn chuyến xe khách về quê Nghệ An. Họ không về nhà mà đến thẳng bệnh viện đăng ký sinh.

Hai ngày sau Thanh trở dạ. Bé trai nặng 2,7 kg, được bố mẹ đặt tên là Anh Vũ.

Ngày Anh Vũ chào đời là lúc hoa anh đào nở rộ trong khuôn viên Đại học Vũ Hán. Nắng lên, dịch bệnh cũng tan dần. Từng đoàn y bác sĩ tiền tuyến từ Vũ Hán trở về hậu phương. Vợ chồng Phi cũng mong nhanh đến ngày quay lại trường.

Phan Dương

Let's block ads! (Why?)

About Unknown

Unknown
"Mình là Phương Nguyễn, thâm niên 4 năm kinh nghiệm thiết kế website và làm marketing, tuy nhiên kể từ 1 năm trở lại đây mình không còn làm marketing nữa, và chỉ tập trung vào viết plugin và giao diện cho Wordpress, nếu các bạn thấy bài viết hay thì hãy chia sẻ cho những người khác cùng tham khảo, còn nếu muốn thiết kế website hoặc sửa web hay đặt một plugin có chức năng đặc biệt, hãy liên hệ ngay tới Phương"
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Đăng nhận xét