Trung QuốcThời đỉnh cao, mỗi buổi biểu diễn của cậu bé bị Down Chu Châu được trả tới 50.000 tệ (160 triệu đồng).
Chu Châu, sinh năm 1978, tên thật là Hồ Nhất Châu, mắc hội chứng Down - một rối loạn di truyền do thừa nhiễm sắc thể 21. Anh từng được truyền thông Trung Quốc gọi với cái tên "Nhạc trưởng thiên tài" khi được mời làm chỉ huy dàn nhạc giao hưởng.
Tuổi thơ của Chu Châu trong ký ức của cha anh - ông Hồ Hậu Bồi - chỉ là sự trêu chọc và bắt nạt của những đứa trẻ trong xóm. Ông Hồ chơi contrabass trong dàn nhạc giao hưởng Vũ Hán nên ngay từ nhỏ Chu Châu thường được bố đưa đến các buổi tập tại nhà hát. Mỗi khi Chu đến chơi, thành viên trong ban nhạc thường khuyến khích cậu lên sân khấu biểu diễn.
Được khích lệ, Chu Châu bắt chước các động tác cầm gậy của chỉ huy dàn nhạc. Sự nghiêm túc của cậu bé vô tình thu hút sự chú ý của một nhạc sĩ. Người này mua tặng cậu một bộ y phục giống như chỉ huy dàn nhạc.
Không lâu sau, truyền hình Vũ Hán có buổi quay phim tại nhà hát, ngay lập tức vị đạo diễn bị thu hút bởi cậu bé kỳ lạ này. Bộ phim tài liệu có tên "Thế giới của Chu Châu" ra đời sau đó.
Một cảnh trong phim "Thế giới của Chu Châu" do đài truyền hình Vũ Hán thực hiện. Ảnh: The paper. |
Bộ phim khởi quay, đồng nghiệp của bố Chu Châu đã rất hợp tác với cậu bé. Người chỉ huy ban nhạc đã đồng ý để Chu trực tiếp lên sâu khấu biểu diễn. "Tôi rất biết ơn dàn nhạc giao hưởng Vũ Hán đã khoan dung với một đứa bé như vậy. Nó khiến người xem suy nghĩ về cách mà xã hội nhìn nhận những đứa trẻ bị Down", ông Trương Dĩ Khánh, đạo diễn bộ phim nói.
Trong phim, người xem thấy Chu Châu có màn trình diễn ăn ý với ban nhạc. Sự thực là, theo một thành viên của dàn nhạc: "Chu Châu không biết cách chỉ huy. Cậu bé chỉ có chút năng khiếu trong việc bắt chước hình ảnh". Bộ phim tài liệu "Thế giới của Chu Châu" sau khi ra mắt đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, khiến Chu Châu từ một cậu bé có IQ của trẻ lên 3 bỗng trở nên nổi tiếng.
Dưới ảnh hưởng của truyền thông, Chu Châu được định danh như một tài năng xuất chúng trong những người khuyết tật của Trung Quốc. Năm 2000, với sự bảo trợ của Đoàn nghệ thuật người khuyết tật Trung Quốc, cậu được thăm Seattle, San Francisco, New York, Washington và các thành phố lớn khác ở Mỹ. Đồng thời có cơ hội được biểu diễn tại hội trường âm nhạc đẳng cấp thế giới Carnegie Hall trong vai trò người chỉ huy dàn nhạc.
Để tiếp tục xây dựng về một huyền thoại mang tên Chu Châu, toàn bộ dàn nhạc giao hưởng Vũ Hán lúc đó đều phải thực hiện theo chỉ đạo từ cấp trên. Ông Hàn Mộng Quốc, cựu trưởng đoàn kịch opera của nhà hát này thừa nhận: "Vào thời điểm đó, dưới sự chỉ đạo của chỉ huy dàn nhạc, Chu Châu chỉ cần tiến lên phía trước dàn nhạc và di chuyển theo nhịp điệu. Người ngoài không biết sẽ nghĩ đó là một nhạc trưởng tuyệt vời. Chỉ những người trong nghề như chúng tôi mới hiểu cậu bé không khác gì con rối".
Trong khi đó, một số thành viên cũ của ban nhạc tiết lộ, Chu Châu chính là người đã nuôi sống họ vào thời điểm chẳng mấy ai nghe nhạc giao hưởng: "Rất nhiều người phải cảm ơn cậu ấy vì đã cho họ bát cơm, khiến họ không thất nghiệp".
Ông Trương Dĩ Khánh - đạo diễn bộ phim về Chu Châu từng nói: "Bộ phim này không chỉ thay đổi cuộc đời của một con người. Bọn họ khó khăn và cần tiền, tôi đã giúp họ. Chu Châu có giá trị thương mại, vậy hãy để cậu ta kiếm tiền để tự lo cho cuộc sống của mình".
Thời kỳ đỉnh cao, thu nhập mỗi buổi biểu diễn của Chu Châu là khoảng 50.000 tệ (160 triệu đồng). Ảnh: The paper. |
Khi cái tên Chu Châu nổi tiếng, ông Hồ Hậu Bồi đã chi rất nhiều tiền để thành lập một dàn nhạc thương mại với nòng cốt là con trai mình. Dàn nhạc này sau được bán cho một công ty giải trí tư nhân. Ban nhạc gồm 40-50 người biểu diễn từ 200 đến 300 chương trình mỗi năm. Một buổi biểu diễn cao nhất được trả 300.000 tệ, thấp nhất là 100.000 tệ, riêng Chu Châu trung bình được trả 50.000 tệ. Thời điểm này, gia đình Chu đã mua được nhà, được xe.
Thời kỳ đỉnh cao, nơi nào người ta cũng đón tiếp Chu Châu như một minh tinh màn bạc, khiến cậu bắt đầu có thái độ xem thường người khác, dù đó từng là người thân thiết. Chu luôn khẳng định bản thân là người nổi tiếng khi không chào hỏi cũng như có thái độ hách dịch với những người phục vụ. "Hoa của khán giả tặng tôi đâu?", Chu thường quát câu đó mỗi khi buổi biểu diễn kết thúc.
Năm 2007, sau 168 buổi biểu diễn, ban nhạc của Chu Châu dần tan rã. Người đứng đầu ban nhạc phân tích, bởi Chu không có thay đổi trong cách biểu diễn. Chỉ có khoảng vài tác phẩm là cậu chỉ huy giỏi, các tác phẩm khác không được thay đổi thường xuyên. "Hơn nữa người đến xem biểu diễn đa phần là tò mò. Họ có chung thắc mắc làm sao một người bị bệnh Down lại có thể chỉ huy được cả một dàn nhạc. Khi sự hiếu kỳ được thỏa mãn, còn ai quan tâm tới Chu Châu nữa", người này nói.
Ông Hồ Hậu Bồi - bố của Chu Châu - vẫn luôn mong lập lại một ban nhạc để con trai được biểu diễn thường xuyên. Ảnh: The paper. |
Không thường xuyên được biểu diễn, Chu rất buồn và khó chịu, thường xuyên gây gổ với cha mình. Cả gia đình cũng chuyển lên Bắc Kinh sống mong tìm cơ hội khác nhưng thỉnh thoảng anh mới được các đoàn nghệ thuật nhớ đến. Cuộc sống của Chu Châu cũng dần bình lặng khi anh đi ngủ và thức dậy đúng giờ, biết rửa tay trước khi ăn và đánh răng trước khi đi ngủ. Mỗi lần có cơ hội biểu diễn, Chu đã biết tự mang theo kem và bàn chải đánh răng, không nhờ sự giúp đỡ của người khác.
Năm 2016, trưởng đoàn nghệ thuật người khuyết tật Thâm Quyến đến gặp và ngỏ ý mời Chu Châu theo đoàn. Tuy nhiên ông Hồ Hậu Bồi lúc đó đã gần 80 tuổi không đủ sức khỏe theo con trai được nữa, Chu được giao cho những người trong đoàn chăm sóc.
Cuối năm 2019, trong một buổi biểu diễn tại Tây An, nhiều người nhìn thấy Chu Châu mỉm cười hạnh phúc khi có những khán giả vây quanh mình tặng hoa, chụp ảnh. "Tôi vẫn hy vọng sẽ lại lập một ban nhạc để Chu có thể được biểu diễn thường xuyên hơn, thế nhưng không biết còn kịp không", ông Hồ Hậu Bồi nhìn con trai nói.
Hải Hiền (Theo The paper)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét