Thanh HóaNhìn thấy khắp đồi đỏ rực màu hoa đào, bà Lan lần thứ hai đứng khóc như đứa trẻ. Vụ này coi như mất trắng.
Giữa trưa, vợ chồng bà Hàn Thị Lan, 66 tuổi, vẫn cùng nhau đi khảo sát hơn 12 nghìn gốc đào của gia đình nằm trải dài trên những sườn đồi thuộc xã Phúc Đường, huyện Như Thanh. Đứng trước một cây đào đã nở hoa, bà quan sát một hồi rồi quay sang bảo chồng: "Cắt lớp vỏ cây, hạn chế dinh dưỡng, sẽ hãm được hoa nở". Chưa dứt lời, bà lao từ trên đồi về nhà lấy kéo làm luôn.
Tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân, bà Lan giàu lên nhờ buôn bán. Ngoài 30 tuổi, bà đã có tiền tỷ trong tay nhưng một biến cố lớn cách đây khoảng 25 năm đã khiến vợ chồng bà trở thành tay trắng.
Nhưng bà không cam phận. Hai vợ chồng đóng cửa ngôi nhà mặt tiền ở TP Thanh Hóa, nhận 50 héc ta đất đồi, nằm sâu trong xã Phúc Đường để "gây dựng lại cơ đồ". Khi đó, cả vùng đất này chỉ là đồi núi hoang vu, nơi thả trâu bò của người dân trong xã. Không có đường lên đồi, không điện, không nước. Mùa mưa, bùn lầy lút qua mắt cá chân.
Ở tuổi 66, bà Lan vẫn trực tiếp chăm sóc xử lý đào ra hoa đúng vụ. Tự tay bà đánh số, phân lô hơn 10 nghìn gốc đào. Ảnh: Phạm Nga. |
Thấy cô gái thành thị móng tay sơn đỏ, tóc xoăn tít về đồi làm nông, dân trong vùng không ai tin bà có thể "làm nên trò trống gì". Vợ chồng bà dựng nhà, kéo điện, bạt đồi rồi học từ cách cầm cuốc, nhổ cỏ, gieo hạt... để trồng ngô. Chiều chiều, bà đạp xe ra thị trấn cách nhà 12 km, ngồi lì trong một tiệm Internet để đọc tài liệu về nghề nông.
Hai héc ta ngô xanh mướt, cao ngang bụng người thì bị đàn trâu của dân trong xã ăn gần hết. Xót của, xót công, bà Lan đứng giữa đồi khóc tu tu. Những người gần đó thấy thương cảm và khuyên vợ chồng bà "không nên cố". Khóc một hồi, bà lại đi chặt cây rừng về làm hàng rào ngăn trâu bò và tiếp tục làm luống gieo hạt.
Ngăn được trâu bò thì đến lượt lợn rừng nửa đêm tràn xuống phá sạch băng. Lần thứ hai công cốc khiến bà mất ngủ suốt một đêm, rồi thuê người đào hào, quây dây thép gai cho khu đất trồng ngô, sắn. Bà dành 20 héc ta trồng keo lấy gỗ sau 5 năm cho thu hoạch một lần, doanh thu trung bình khoảng 50 triệu đồng/héc ta.
Năm 2009, về vùng trồng đào Xuân Du, gần xã Phúc Đường, thấy dân vùng này khấm khá nhờ trồng đào, ý tưởng về những đồi hoa đào nảy sinh trong tâm trí bà Lan. Một lần gặp giáo sư Nguyễn Lân Dũng, bà mạnh dạn nhờ tư vấn. Giáo sư bảo lấy ba mẫu đất ở chân đồi, giữa đồi và đỉnh đồi mang đến Học viện Nông nghiệp phân tích. Kết quả thổ nhưỡng thích hợp, bà quyết tâm "chơi lớn".
Bắt đầu từ đầu tháng Chạp, lượng khách bán buôn, khách lẻ tìm đến vườn đào của vợ chồng bà Lan ngày một đông. Giữa trưa, ông Chiêm cùng khách đi chọn đào. Sau đó, sẽ về thông tin cho vợ biết loại khách đặt mua loại nào, đặt cọc bao nhiêu để vợ hạch toán. Ảnh: Phạm Nga. |
"Tôi chạy xe máy ra Bến Sung, lên mạng tìm kiếm tên 5 nhà vườn nổi tiếng nhất về trồng đào ở Hà Nội, đến tận nơi xin học kinh nghiệm", bà Lan kể. Hàng tuần, các con bà in tài liệu về kỹ thuật trồng đào để mẹ học hỏi. Ở tuổi 56, nhiều đêm, bà thức đến gần sáng để tích lũy thêm kiến thức.
Năm đó, bà Lan chọn giống đào Xuân Du về trồng. Bà trở thành hộ tư nhân trồng đào lớn nhất huyện Như Thanh, với 12 nghìn cây, trên diện tích 8 héc ta.
Máy bơm không thể kéo nước lên cao, bà cùng nhân công gánh bộ tưới. Đêm đông, chủ vườn vẫn thức soi đèn, ngắm đào ra nụ, nở hoa. Hai vợ chồng quản lý không xuể, bà Lan chọn người thân cận để đào tạo.
Đến mùa thu hoạch, bà Lan phân loại theo lô để quản lý, mỗi lô dưới 100 gốc đào. Sau đó, bà đánh dấu phân loại từng cây theo hạng A, B, C, tùy vào chu vi tán và chu vi gốc đào, quy ra giá tiền để bán.
Năm năm liên tiếp bà thắng lớn với lợi nhuận trung bình hơn 700 triệu đồng mỗi vụ đào. Người dân thị trấn Bến Sung, Như Thanh đặt cho bà biệt danh "chúa đào" hay "bà Lan sony - đi trước thời đại".
Nhưng cũng có năm bà Lan thua đau vì đào. Năm 2016, mưa rét khiến nụ đào bó lại, không nở được. Sang năm 2017, giữa tháng Chạp mà trời nắng to. Bà mất ngủ triền miên vì lo lắng. "Chuyên gia gửi cho tôi một loại hóa chất và dặn thuốc sẽ giúp hãm ra hoa khoảng một tuần, nếu sau đó trời trở rét sẽ giữ được. Tuy nhiên, nếu một tuần sau, trời vẫn nắng, nó sẽ lại là chất kích thích hoa nở nhanh hơn", bà nhớ lại.
Chỉ sau hai đêm, mở mắt bà đã thấy khắp đồi đỏ rực màu hoa đào. Người phụ nữ 66 tuổi lần thứ hai đứng giữa đồi khóc như đứa trẻ. Con cái gọi điện về khuyên mẹ bán đất đồi, về thành phố an dưỡng. Bà Lan xuôi tai, quyết định "bỏ cuộc chơi", gọi người đến thống nhất giá cả, quyết định bán.
Bà Lan dự tính, trong tổng số 10 nghìn gốc đào, năm nay, bà sẽ bán ra thị trường khoảng 3 nghìn cây. Một cây đào phổ thông có giá trung bình từ 200 nghìn đồng - 700 nghìn đồng. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
"Đêm đó, tôi lang thang khắp đồi, buồn không thể ngủ. Nghĩ đến việc bán đồi, tôi thương từng cành cây, ngọn cỏ. Tôi thấy chúng như có linh hồn, biết buồn, biết đau. Sáng hôm sau, tôi gọi điện hủy hợp đồng. Còn bao nhiêu tiền từ thu hoạch keo, tôi tiếp tục đầu tư vào đào", bà Lan kể.
Sắp bước sang tuổi 70, nhưng với chiếc smartphone trên tay, ngày ngày bà vẫn cập nhật xu thế chơi đào mới. Ba năm qua, "chúa đào" đầu tư trồng 200 cây đào thế. Bà giao cho ông chồng, vốn có chuyên môn về hội họa đi học cách tạo dáng đào ở các vườn lớn.
Có năm, bà mang giống đào 5 cánh ra công ty của các con ở Hà Nội tặng. Thấy dân thành thị hứng thú, bà lại có thêm ý tưởng cho mình. "Sang năm, thay vì trồng đào phổ thông, tôi sẽ đầu tư vào cây đào 5 cánh. Đồng thời, phát triển cây đào thế, trồng thêm cây ăn quả như na Thái, bưởi Diễn", bà nói.
Những ngày đầu tháng Chạp năm nay, các đợt không khí lạnh liên tiếp tràn về nên đào nở đẹp. Bà Lan dự tính, nếu thời tiết duy trì như hiện tại, năm nay, 3 nghìn gốc đào sẽ được xuất bán.
"Bốn năm liên tục thất thu do thời tiết. Năm nay đào đang phát triển như mong đợi. Nếu tôi bán đất đồi, làm sao đợi được đến ngày này", giọng bà phấn khởi.
"Cô ấy là phụ nữ nhưng xốc vác, quyết liệt và tiên phong. Khi chưa ai lên đồi làm kinh tế thì cô ấy đã lên. Khi chưa ai dám đầu tư tiền tỷ vào đào thì cô đã làm rồi. Xuất sắc trong phát triển kinh tế, cô còn đóng góp rất lớn cho phong trào địa phương", ông Nguyễn Trọng Viện, chủ tịch UBND xã Phúc Đường nói.
Phạm Nga
0 nhận xét:
Đăng nhận xét