Suốt hàng chục năm, June và Jennifer Gibbons chỉ giao tiếp với nhau, bị coi là tâm thần và chịu cảnh giam cầm.
Tổng cộng, June và Jennifer Gibbons bị giam trong bệnh viện tâm thần gần 12 năm. Đến khi tự do, cặp song sinh với biệt danh "cặp song sinh trầm lặng". cũng chẳng thể có được hạnh phúc viên mãn.
June (phải) và Jennifer Gibbons lúc nhỏ. Ảnh: Marine Theatre. |
June và Jennifer Gibbons sinh ngày 11/4/1963 ở Yemen. June ra đời lúc 8h10, trước Jennifer 10 phút. Bố mẹ cặp song sinh là Aubrey và Gloria, hai người gốc Barbados. Sau khi June và Jennifer ra đời, cả gia đình cùng chuyển đến Anh.
Từ nhỏ, bố mẹ đã để ý June và Jennifer rất ít nói, nhiều nhất chỉ khoảng 3-4 từ một lúc. "Ở nhà, chúng có nói chuyện, tạo ra các âm thanh nhưng chúng tôi biết chúng không như những đứa trẻ bình thường", Aubrey kể về các con trong một bộ phim tài liệu của BBC năm 1994.
Đi học, June và Jennifer bị bắt nạt vì màu da và tích cách trầm lặng. "Chúng tôi là hai người da màu duy nhất ở trường. Người ta gọi chúng tôi bằng những cái tên xấu xí, thậm chí kéo tóc chúng tôi", June kể lại vào năm 1998.
Để né tránh sự phán xét từ những bạn học da trắng, hai chị em ngừng giao tiếp mắt với người khác. Họ cũng ngừng nói chuyện, kể cả với bố mẹ và anh chị, chỉ mở miệng lúc ở riêng trong phòng ngủ trên lầu. Aubrey và Gloria đôi lúc nghe tiếng hai con trò chuyện, nhưng bằng thứ ngôn ngữ không ai hiểu.
Do công việc của bố khiến gia đình thường xuyên di chuyển, June và Jennifer càng dựa vào nhau. Năm 1974, tại Haverfordwest, họ tiếp tục trở thành mục tiêu công kích, đến mức được phép về sớm 5 phút mỗi ngày. Đi bộ trên đường, hai chị em lúc nào cũng cúi gằm, như thể đang cầu nguyện.
Năm 1976, John Rees, nhân viên y tế đến Haverfordwest để tiêm phòng bệnh lao cho học sinh. Giữa những đứa trẻ da trắng, Rees bắt gặp một nữ sinh da màu, trông vô hồn như một con búp bê và không hề phản ứng khi được tiêm. Kế tiếp cô bé này, tới lượt một nữ sinh da màu khác với diện mạo và thái độ y hệt.
Về sau, Rees biết đó là June và Jennifer. Nhận thấy hành vi của hai chị em hơi bất thường, ông nhờ bác sĩ tâm thần nhi tới làm việc với June và Jennifer song không thành công.
Tháng 2/1977, June và Jennifer trị liệu ngôn ngữ cùng bác sĩ Ann Treharne. Họ không chịu nói chuyện trước mặt Treharne song đồng ý nói vào băng sau khi bác sĩ rời đi. Nhờ những đoạn ghi âm, Treharne phát hiện ngôn ngữ bí mật của cặp sinh đôi được pha trộn giữa tiếng Barbados và tiếng Anh. June và Jennifer còn thay đổi một số âm theo giọng điệu của người Tây Ấn.
Treharne cũng nhận thấy đôi lúc, June muốn giao tiếp với bà song bị ánh mắt của Jennifer cản lại. "Jennifer ngồi đó, vô cảm nhưng tôi vẫn nhận thấy sức mạnh từ cô bé", Treharne tường thuật. "Đầu tôi nảy ra suy nghĩ rằng June bị em sinh đôi kiểm soát".
Theo đề nghị của các nhà tâm lý, June và Jennifer tới học ở Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Eastgate. Họ tiếp tục quá trình trị liệu nhưng không có gì thay đổi. Do vậy, các nhà tâm lý đề nghị chia tách cặp song sinh 14 tuổi: Jennifer lưu lại Eastgate còn June sang Học viện Thiếu niên St. David cách đó 30 dặm.
June và Jennifer từng tưởng tượng ra cảnh xa nhau. Đến lúc điều này thành sự thật, cặp sinh đôi hoảng loạn. June và Jennifer la hét, lao vào đuổi bắt và đánh nhau. Đến lúc bình tĩnh, họ gọi điện cho các chuyên gia ở Eastgate, hứa sẽ trò chuyện nếu được phép sống cùng nhau.
Thế nhưng, đó chỉ là lời nói dối, cặp song sinh vẫn im lặng. Tháng 3/1978, việc chia tách diễn ra. Ở St. David, June rơi vào tuyệt vọng đến mức cứng đờ người, phải nhờ hai nhân viên khiêng ra khỏi giường.
Đã có những cặp song sinh khỏe mạnh hơn nhờ sống xa nhau. Tuy nhiên, điều đó không xảy ra với June và Jennifer. Dù khát khao tồn tại riêng biệt, họ cũng không thể sống thiếu người kia.
Nỗ lực chia ly thất bại, June trở lại Eastgate, đến mùa đông 1979 rời trường cùng Jennifer. Về nhà, hai chị em không còn xuống ăn cơm với gia đình mà dùng bữa trong phòng. Họ chỉ chơi với búp bê, không nói chuyện với ai ngoại trừ em gái Rosie. Nếu cần giao tiếp, June và Jennifer viết lên giấy. Ví dụ: "Chúng con muốn xem phim lúc 19h tối nay. Vui lòng để cửa mở".
June (phải) và Jennifer lúc trưởng thành. Ảnh: face2faceafrica. |
Giáng sinh năm 1979, June và Jennifer được mẹ tặng hai cuốn sổ bọc da màu đỏ có khóa. Họ bắt đầu đam mê viết lách và cho ra đời nhiều tác phẩm. June viết tiểu thuyết về một cậu thiếu niên ở Malibu mơ tưởng mình sống ở nơi khác. Còn Jennifer sáng tác hai câu chuyện: một về chàng trai suy tim được bác sĩ chuyển linh hồn vào con chó, một về nhóm thanh niên thành thị bị ám ảnh bởi điệu disco.
Truyện của June được đăng trên tạp chí, Jennifer thì bị từ chối. Dù vậy, họ vẫn tiếp tục viết lách, nuôi mộng nổi tiếng, thậm chí dành thời gian thảo luận việc chụp ảnh chân dung để in lên bìa sách.
Ngoài những tác phẩm văn học, June và Jennifer còn ghi lại cảm xúc về người kia.
"J. và tôi có mối quan hệ vừa yêu vừa ghét", June bộc bạch. "Em ấy nghĩ tôi yếu đuối. Em ấy không biết tôi sợ em ấy thế nào. Tôi muốn mạnh mẽ hơn để tách khỏi em ấy".
Jennifer thì thổ lộ: "J. không phải chị sinh đôi thực sự của tôi. Chị sinh đôi của tôi đáng lẽ phải sinh cùng giờ, có cùng ý kiến, ước mơ, tham vọng và cả những thất bại với tôi chứ". Jennifer không chịu được sự khác biệt. Cô cho rằng sinh đôi phải giống nhau hoàn toàn nhưng kết quả kiểm tra tâm lý chỉ ra hai chị em có khả năng khác nhau, nhân cách cũng khác nhau.
Không lâu sau đó, June và Jennifer hướng cảm xúc tiêu cực của mình vào những người xung quanh. Họ trộm xe đạp, phá chuông và đột nhập trái phép. Ngày 8/11/1981, hai chị em bị bắt lúc đang định đốt cháy một trường đại học.
Suốt 7 tháng, June và Jennifer bị tạm giam cùng nhau. Đối với họ, đây là cực hình. Hai chị em không chịu nổi nhau và mong người kia biến mất để không phải sống trong thế giới song sinh. "Chúng tôi trở thành kẻ thù của nhau", June thừa nhận.
Mùa xuân năm 1982, bác sĩ tâm thần William Spry đến đánh giá tình trạng cặp song sinh. Ông kể: "Sau hai buổi đầu im lặng, họ đồng ý nói chuyện qua điện thoại và cuối cùng là trước mặt tôi. Nhưng cứ một người bắt đầu mở miệng là họ lao vào cào cấu nhau. Y tá phải vào can".
Bác sĩ Spry chẩn đoán June và Jennifer bị rối loạn nhân cách, cần tới Broadmoor - bệnh viện tâm thần chuyên dành cho tội phạm ở Anh. Tháng 5/1982, theo lời khuyên của luật sư, hai chị em nhận tội trộm cắp và đốt phá. Ở tuổi 19, khát khao kết hôn và sinh con, June và Jennifer lãnh án: nhập viện Broadmoor vô thời hạn.
Đến bệnh viện, cặp song sinh rơi vào khủng khoảng tinh thần. June định tự tử còn Jennifer tấn công một y tá. Hai chị em bị đưa vào hai khu riêng biệt, không được gặp nhau suốt thời gian dài và bị tiêm thuốc chống loạn thần dù các bác sĩ ban đầu hứa không dùng. Gia đình cũng ít đến thăm họ. "Chúng tôi đã bị lãng quên rồi", June nói.
Hết năm này qua năm khác, June và Jennifer vẫn không được xuất viện. Cứ mỗi lần xem xét hồ sơ, các bác sĩ lại kết luận họ phải lưu lại thêm 1-2 năm nữa. "Chúng tôi phải sống trong địa ngục gần 12 năm chỉ vì không nói chuyện. Chúng tôi mất hy vọng và bị mắc kẹt", June đau đớn.
Marjorie Wallace, lúc đó là phóng viên của tờ Sunday Times, biết đến câu chuyện về June và Jennifer thông qua người quen. Bà nhiều lần đến thăm cặp song sinh và được Aubrey và Gloria tin tưởng giao hết những cuốn nhật ký của các con.
Thông qua những câu chuyện trong nhật ký, Wallace nhận ra June và Jennifer không hề tâm thần. Họ chỉ là những cô gái cô đơn và không có tự do. Viết lách, đối với họ, chính là một cách giải thoát.
Cặp song sinh cùng nhà báo Wallace năm 1993. Ảnh: The New Yorker. |
Ngày 9/3/1993, June và Jennifer được thả khỏi Broadmoor và chuyển tới Bệnh viện Caswell, nơi an ninh ít nghiêm ngặt hơn. Trên xe bus, Jennifer ngả đầu vào vai chị sinh đôi, thì thầm: "Cuối cùng chúng ta cũng được ra ngoài". 12 tiếng sau, Jennifer qua đời vì đột nhiên viêm cơ tim không rõ lý do. Đến nay, nguyên nhân cái chết của cô vẫn chưa có lời giải đáp.
Năm 1994, June chính thức được trả tự do. Cô uống thuốc mỗi ngày, có thể nói chuyện dù đôi lúc gây khó hiểu. Cứ thứ ba, June lại đến thăm mộ em gái.
Trên ngôi mộ của Jennifer có khắc một bài thơ của June:
"Chúng ta từng là hai
Hai chúng ta là một
Chúng ta không còn là hai
Vì suốt đời là một
Hãy yên nghỉ".
Tim Thomas, một nhà tâm lý từng làm việc với June và Jennifer nhận định bi kịch của hai chị em xuất phát từ nạn phân biệt chủng tộc. "Các chuyên gia đã dán nhãn cho những đứa trẻ ấy. Làm sao bạn có thể đánh giá ai đó là tâm thần chỉ vì bạn không thể giao tiếp với họ chứ? Nếu June và Jennifer là người da trắng thuộc tầng lớp trung lưu, mọi chuyện có lẽ đã khác", ông phân tích.
Wallace lại nhận định June và Jennifer bị ràng buộc quá mạnh mẽ về cảm xúc, tâm lý. Họ vừa muốn gắn bó vừa khát khao tách rời nên rơi vào vòng luẩn quẩn. Theo Wallace, trải qua chuỗi ngày bị giam cầm, cặp song sinh đã thỏa thuận rằng một trong hai phải chết để người kia sống và trò chuyện bình thường.
Vài ngày sau khi Jennifer mất, Wallace tới thăm June và nhận thấy tâm trạng người chị "rất kỳ lạ", vừa đau khổ vì mất em nhưng cũng nhẹ nhõm vì được tự do. "Jennifer đã từ bỏ mạng sống cho tôi và giờ tôi phải sống cho cả hai", June nói.
Hiện June sống ở London, gần nhà bố mẹ và em gái Rosie.
Minh Trang (Theo The New Yorker)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét