Hà NộiSau hai lần mẹ đẻ lên nhà bố mẹ nuôi xin lại con không thành, Thắng không bao giờ thấy bà xuất hiện nữa.
Căn nhà khang trang ở Minh Khai, Hà Nội của gia đình ông Nguyễn Toàn Thắng lúc nào cũng rộn tiếng cười đùa của các con và hai đứa cháu nhỏ. Bước sang tuổi 55, làm phó giám đốc một doanh nghiệp gas ở Yên Bái và có một gia đình nhỏ, ông Thắng được bạn bè khen sung túc. Thế nhưng, sâu thẳm ông luôn thấy trống trải, vì qua nửa đời người, vẫn không rõ dòng máu đang chảy trong mình là của ai.
Năm 1964, cậu bé Thắng chào đời ở Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Ba ngày sau, người mẹ gửi cậu cho vợ chồng ông Nguyễn Quang Thất và bà Nguyễn Thị Tèo, ở thôn Tam Lộng, xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc mang về nuôi. Cái tên Nguyễn Toàn Thắng là do bố mẹ nuôi đặt.
"Hàng xóm kể lại, chỉ vài ngày sau khi cho tôi đi, mẹ đẻ tôi đã tìm đến tận nhà bố mẹ nuôi thăm vì sợ ‘mất dấu’. Bà bảo với mọi người là chỉ muốn gửi tôi vài năm, sau sẽ xin lại", ông Thắng bồi hồi kể.
Người mẹ cũng nhờ hàng xóm "để ý thằng nhỏ giúp" và dặn: "Em sống ở phố Khâm Thiên, Hà Nội. Khi nào các bác có dịp ghé Hà Nội thì lên nhà em chơi".
Sáu năm sau, mẹ Thắng hai lần cùng một người đàn ông đến xin con về nhưng không được chấp nhận. Mỗi lần như thế, người dân thôn Tam Lộng lại kéo nhau đến xem, đổ cả bờ giậu nhà ông Thất.
Lần nào về, người mẹ cũng mang nhiều bánh kẹo và đồ chơi, trong đó có sữa thỏi bằng hai ngón tay và một súng nhựa AK. "Tôi vẫn nhớ mẹ cao và rất đẹp. Người đàn ông đi cùng mẹ thấp, tóc đã hoa râm, thường chắp tay sau lưng ngắm nhìn xung quanh. Đến giờ tôi vẫn không dám chắc ông ấy có phải bố mình hay không", ông Thắng nói.
Lần cuối cùng gặp, "mẹ mặc áo trắng, quần satin, được một người đàn ông đèo bằng xe đạp Phượng Hoàng cánh chả, từ ga Hương Canh về làng", ông Thắng giữ mãi ký ức cuối cùng này về mẹ. Ông nhớ mang máng mẹ tên Duyên, còn người đàn ông kia tên Hải.
![]() |
Ảnh chụp ông Nguyễn Toàn Thắng khoảng năm 20 tuổi. Ông sử dụng bức ảnh này đăng lên mạng xã hội, hy vọng có người thân nào nhìn thấy giống sẽ nhận ra, vì "ảnh ngày trẻ dễ nhận diện hơn tôi bây giờ" . Ảnh: Toàn Thắng. |
Đi bộ đội về, ông Thắng lập gia đình và chuyển về quê vợ ở Yên Bái sinh sống, cùng bạn tạo lập công ty riêng. Sự nghiệp, gia đình đã trọn vẹn, mong muốn tìm cội nguồn càng thôi thúc trong tim ông.
"12 năm trước, khi công ty đang đà phát triển, tôi quyết định chuyển cả gia đình về Hà Nội sống, tự nhủ mình sinh ra ở đâu, phải về đấy sống. Ở gần, cơ may tìm được bố mẹ cũng gần hơn", ông kể.
Ông chọn mua một căn nhà trên phố Khâm Thiên, nơi mẹ từng sống, nhưng vì một số lý do nên đành chuyển về phố Minh Khai. Hiện tại, mỗi tuần, ông vẫn lên công ty ở Yên Bái 2-3 lần.
Năm 2008, ông Thắng từng về Vĩnh Phúc cả tháng, đi đến nhà các cao niên trong làng để lượm nhặt thêm tin tức về mẹ. Cộng cả ký ức hai lần gặp bà và những gì người làng cung cấp, ông viết được hơn 100 chữ, mang đến bảng tin ở bốn phường trên phố Khâm Thiên dán. Ông cũng nhờ phát thông tin tìm kiếm bố mẹ trên các loa phường, gửi các tờ báo ở Hà Nội.
Chỉ ít lâu sau, ông nhận được tin có gia đình ở Hà Nội muốn gặp, "khả năng là người nhà". Đang ở Yên Bái, ông vội về Vĩnh Phúc đón người thân đi cùng để dễ "nhận diện".
"Tôi đón xe đi háo hức lắm. Đến nơi, thấy cậu nhận là em trai ra đón, tôi hụt hẫng vô cùng. Nhìn vẻ bề ngoài đã biết không phải người thân của mình", ông Thắng kể. Sau lần đó, ông đã gặp thêm 3 gia đình nữa nhưng không có kết quả.
![]() |
Ông Thắng mỏi mòn tìm kiếm mẹ đẻ trong nhiều năm, nhiều lúc thấy tuyệt vọng. Ảnh: Phạm Nga. |
Ba năm nay, thỉnh thoảng, ông Thắng lại cùng một nhân viên của mình chạy xe máy đến các ngõ ngách trên phố Khâm Thiên, tìm những người khoảng 70 - 80 tuổi để hỏi thăm.
"Người này lắc đầu, chỉ đến nhà khác, chúng tôi lại tìm đến. Ai gọi điện muốn nhận diện chúng tôi cũng lái xe đi, có người muốn tìm, nhưng cũng có người lừa. Chú có tuổi rồi, không có anh em họ hàng gì thì nên hay tủi thân, nóng lòng tìm kiếm lắm", anh Phạm Phúc Kế, 35 tuổi, nhân viên đã đồng hành cùng ông Thắng tìm mẹ suốt 10 năm qua, nói.
Từ những ký ức lượm lặt được, ông Thắng tin mẹ cho mình đi không phải vì quá nghèo khổ. "Có thể có uẩn khúc nào đó nên mẹ mới làm vậy. Cho con đi, không xin lại được chắc mẹ đau lòng lắm. Ngày nhỏ con chưa biết gì, nhưng giờ lớn rồi, con muốn tìm lại mẹ để được biết mình là ai và bù đắp những thiếu hụt tình cảm của mẹ con ta", ông Thắng gửi lời đến mẹ.
Phạm Nga
0 nhận xét:
Đăng nhận xét