Chấp nhận chi nhiều tiền để lấy chồng người Australia, mong đổi đời, nhưng Lan Lan (Trung Quốc) về nước tay trắng, ôm theo nợ lớn.
Lan Lan, 43 tuổi, đến từ tỉnh Cam Túc hiện kinh doanh tự do tại quê nhà. Cô từng ly hôn và có con nhỏ.
Tháng 7 năm 2018, Lan Lan tình cờ quen một người phụ nữ họ Lý đang định cư tại Australia. Người này giới thiệu có một công ty nhỏ chuyên môi giới hôn nhân cho phụ nữ ở Trung Quốc với đàn ông Australia. Lý cho biết bà ta đã mai mối thành công rất nhiều cặp như vậy và họ đều có cuộc sống viên mãn.
Nhận thấy đây là cơ hội tốt để định cư ở nước ngoài, Lan Lan ngỏ ý nhờ bà Lý giúp. "Tôi không được học hành đàng hoàng nhưng lại mong con trai có được môi trường học tập tốt. Tôi nghe nói môi trường giáo dục ở Australia rất tốt nên nếu được định cư bên đó thì không còn gì bằng", Lan Lan cho hay.
Lan Lan và con trai trước khi xuất ngoại năm 2018. Ảnh: sydneytoday. |
Để được giới thiệu với một người đàn ông bản địa, Lan Lan phải chi cho bà Lý 150.000 tệ (480 triệu đồng), với lời đảm bảo "lấy được chồng Australia và được cấp thẻ xanh".
"Bà Lý nói rằng tôi nên đăng ký sớm vì một tháng nữa giá này sẽ tăng gấp đôi bởi có quá nhiều phụ nữ Trung Quốc muốn kiếm chồng người Australia để được định cư như tôi. Nếu không nhanh coi như mất lượt", cô kể.
Tin lời người môi giới, Lan Lan vay mượn khắp nơi để có được 150.000 tệ. Trong đầu cô bắt đầu nghĩ tới tương lai tươi sáng với một người chồng nhiều tiền và những ngôi biệt thự rộng lớn. Ở thiên đường đó, con trai cô được đi học tại những ngôi trường hàng đầu thế giới và trở thành một người tài giỏi sau này.
Thế nhưng chỉ vài tháng sau khi sang Australia, Lan Lan đã biết mình bị lừa.
Tháng 10/2018, gửi lại con trai cho ông bà ngoại, cô xuất ngoại với tin nhắn của bà Lý: "Đã tìm được một người đàn ông phù hợp với cô. Anh này làm lái xe tải, độc thân và có biệt thự rất to ở vùng ngoại ô. Tính khí thì trên cả tuyệt vời".
Lấy lý do để hai người hiểu nhau hơn, Lý đề nghị Lan Lan đến sống với ông ta. Chỉ vài ngày ở trong ngôi nhà xa lạ, Lan Lan hiểu rằng người đàn ông đó tính khí khác xa với những gì bà Lý giới thiệu. "Ông ta cằn nhằn mọi thứ. Mỗi bữa tôi ăn nhiều hơn một bát cơm là ông ấy lại ca thán tốn kém. Tôi cứ tưởng mình đang sống với một lão già 90 tuổi", cô kể.
Thời gian sau đó, bà Lý đã sắp xếp hàng loạt các cuộc gặp mặt khác cho Lan Lan với những người đàn ông bản địa, da đen có, da màu cũng có. Người trẻ nhất cũng đã hơn 50 tuổi. "Bà Lý luôn nhấn mạnh rằng, nếu tôi không chọn nhanh thì người khác sẽ chọn mất. Nhưng họ đều không giống như những gì bà ấy nói, đa phần đều thô lỗ và cục cằn", Lan Lan nhận định.
Lan Lan phát hiện ra mình bị lừa sau một lần nghe lén cuộc điện thoại của người môi giới. Ảnh: sydneytoday. |
Thế rồi cô phát hiện ra bà Lý đang nói dối mình sau khi nghe lén được cuộc điện thoại lạ gọi đến. "Họ chỉ quen biết nhau qua những trang web độc thân mà chẳng phải người thân quen gì như bà Lý đã giới thiệu. Thậm chí bà ta cũng chẳng biết tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp của những người đàn ông đó", Lan Lan cho biết.
Sau đó cô biết thêm mình không phải người duy nhất bị lừa dối. Bạn của cô được bà Lý giới thiệu cho một người đàn ông là chủ một nhà máy rượu, nhưng khi tiếp xúc là một thợ sửa ống nước.
Không tìm được người đàn ông mong muốn, Lan Lan quyết định tìm bà Lý để đòi lại tiền nhưng bà ta đã đổi số điện thoại và biến mất. Thời điểm này visa hết hạn và cô bị buộc phải quay về nước cùng khoản nợ chưa hẹn ngày trả.
Lấy chồng ngoại để được nhập quốc tịch là mơ ước của nhiều phụ nữ Trung Quốc. Ảnh: sydneytoday. |
Tại Trung Quốc, rất nhiều phụ nữ giống như Lan Lan khi có giấc mơ xuất ngoại với cuộc sống giàu sang bên người chồng ngoại quốc. Mặc dù từ năm 1994, đất nước này đã có luật cấm các cá nhân hoặc tổ chức môi giới hôn nhân xuyên quốc gia, tuy nhiên do nhu cầu "lấy chồng Tây" ngày càng cao nên các cò mồi lộng hành khắp nơi. Chúng thường nhắm tới những phụ nữ có học thức thấp nhưng muốn được sống trong nhung lụa nơi xứ người.
Một người phụ trách một trang web hẹn hò nổi tiếng tại nước này cho hay, phụ nữ Trung Quốc muốn kết hôn với người ngoại quốc thường có tuổi đời 35-50 và hầu hết đã ly hôn. Họ đều có điểm chung khi nghĩ rằng xuất ngoại là con đường làm giàu nhanh nhất mà không phải vất vả. "Vì thế có những phụ nữ khi làm thị thực còn không rõ tên chồng, sống ở đâu và làm nghề gì", người này cho biết.
Hải Hiền (Theo Sydneytoday)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét