Vợ chồng ông Nghĩa bế con gái lên taxi, tài xế hỏi "bố mẹ đâu mà để ông bà phải trông cháu thế này", ông cười, bảo "chúng nó bận".
Bị hiểu nhầm nhiều lần như vậy, nhưng ông Trần Đại Nghĩa, 62 tuổi, chẳng bao giờ thấy phiền. Bởi quá nửa cuộc đời mới có con, ông còn nhiều việc cần bận tâm hơn.
Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẹ thầy
Ả à ời...
Giọng ông đại tá về hưu trầm ấm, đều đều vang lên trong căn nhà nhỏ trên phố Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội, nhưng mãi không dụ được cô con gái gần 8 tháng tuổi vào giấc ngủ trưa. Bà Lê Kim Khánh, 50 tuổi, vợ ông từ dưới bếp khệ nệ bưng mâm cơm lên, thấy chồng xoay xở với con thì sặc cười. Bà đặt mâm cơm xuống sàn, đón lấy con. Ông Nghĩa cười hề hề, lấy tay quệt mồ hôi trán, mái tóc bạc trắng bết lại vì ướt.
Ông Nghĩa là con trưởng và cũng là trưởng dòng họ nên luôn khát khao có một đứa con. Ảnh: Phạm Nga. |
Năm 2008, ông Nghĩa 52 tuổi đi bước nữa với bà Khánh, 40 tuổi, nhân viên một nhà khách. Chưa có con trong cuộc hôn nhân đầu nên lần này ông muốn có một đứa con để nối dõi. Còn bà Khánh, lần đầu kết hôn luôn xác định nhà phải có tiếng trẻ.
Trớ trêu, ba năm đầu sau cưới, bà Khánh hỏng thai 3 lần. Ông Nghĩa từng đèo vợ đi khắp nơi, cắt hàng trăm thang thuốc bắc về uống. "Có lần giữa mưa bão, nghe mách có thầy bên Cổ Nhuế bốc thuốc giỏi, hai vợ chồng vẫn đèo nhau đi. Hôm ấy bị ngã xe, rách chân, chảy máu mà cố đến cho bằng được", ông Nghĩa kể.
Năm 2012, bà Khánh mang thai tự nhiên, nhưng 8 tháng thì bị lưu. Bốn giờ sáng đứa bé mất thì mẹ ông Nghĩa, vì quá đau lòng, cũng qua đời lúc 11 giờ trưa. Trong một ngày, mất cả con trai lẫn mẹ, ông Nghĩa đau quặn lòng, nhưng kìm nén nhờ hai người bạn lo chôn cất con, rồi về chịu tang mẹ.
"Nỗi đau quá lớn, tôi muốn quên đi nhưng sẽ chẳng thể nào quên được", ông chùng giọng, kể.
Mất con, bà Khánh như biến thành người khác. "Tôi bị trầm cảm, một mực đòi ly hôn. Lời nói của người mẹ già "nếu vợ chồng con ly hôn, mẹ chết không nhắm mắt" đã giữ bà Khánh ở lại cuộc hôn nhân này. Sóng gió tạm ngừng, nhưng nỗi cô đơn đè nặng.
Vẫn khao khát con, thấy đứa cháu họ trắng trẻo, đáng yêu, ông bà xin một bức ảnh về, treo trang trọng trong phòng ngủ để "lấy hơi". Năm 2016, vợ chồng ông cùng nhau đi hết các bệnh viện lớn, nhỏ ở Hà Nội, TP HCM để tìm cơ may.
"Các bác sĩ một bệnh viện lớn ở Sài Gòn khuyên tôi nên xin con nuôi, hoặc chấp nhận ‘làm bạn’ với nhau đến cuối đời", bà Khánh kể. Tuyệt vọng, ông bà định thuê người mang thai hộ, nhưng kinh phí lên đến 300 triệu đồng nên lại thôi.
Sau cùng, họ đặt cả "canh bạc cuối" vào một bệnh viện tư ở Hà Nội, làm thụ tinh ống nghiệm, khi đó vợ 48 tuổi và chồng 60. Bác sĩ nói "vợ chồng ông bà vẫn còn cơ hội, nhưng phải kiên trì mới thành công", họ lại có thêm hy vọng.
Chuyển phôi thành công, biết có thai nhưng vợ chồng ông Nghĩa không vội mừng, cũng không báo tin cho ai. Họ đếm từng ngày, đến nỗi, chỉ cần ai hỏi em bé trong bụng được bao nhiêu ngày, cả ông và vợ đều bật ra được ngay. Vị cựu giảng viên đại học đi chợ, cơm nước, bê lên tận phòng để vợ đỡ phải đi lại nhiều.
Bé Trúc Anh gần 8 tháng tuổi, nặng hơn 7kg. "Hơi còi nhưng 3 tháng biết lẫy, 7 tháng cháu bò nhanh như sóc nhé", mẹ Trúc Anh vui vẻ nói. Ảnh: Phạm Nga. |
"Lần nào vợ đi khám, ông Nghĩa cũng đi cùng. Những cặp trẻ tuổi, thường vợ vào phòng bệnh, chồng ngồi ngoài xem điện thoại, nhưng ông ấy thì vào cùng luôn", bác sĩ Nguyễn Ngọc Chiến, người chăm sóc thai kỳ cho bà Khánh kể.
Ngày 28/12/2018, bà Khánh được chỉ định mổ lấy thai. Bác sĩ yêu cầu gia đình chuẩn bị tới 40 triệu đồng mua máu, đề phòng rủi ro vì bà bị nhau thai tiền đạo, tiểu đường, toàn các nguy cơ nguy hiểm.
Đón con gái nhỏ từ y tá, đôi tay ông Nghĩa run rẩy, chỉ sợ lọt mất con. "Tôi sờ từng ngón tay, ngón chân, thấy hình hài con trọn vẹn, mắt cứ mờ đi vì nước", ông nhớ lại.
Từ ngày có bé Thỏ (Trần Lê Trúc Anh), ông Nghĩa thỉnh thoảng lại lấy nhật ký ra viết, tỉ mỉ ghi lại các mốc quan trọng của con, vì "sợ mai này già đi, không còn minh mẫn để kể cho nó nghe".
Ba tháng đầu, ông nằm ngủ trên ghế xếp đặt dưới đuôi giường, hễ con ọ ẹ là bật dậy. Học lớp tiền sản rồi, nhưng ông mặc bỉm cho con hôm chật, hôm lỏng. "Tôi được cô y tá hướng dẫn tắm con tỉ mỉ lắm, còn quay video lại, thế mà khi làm, có hôm quên không rửa mặt, hôm lại quên không gội đầu", ông cười.
"Mấy tháng đầu Khánh bị đau tay nên không bế được con, Nghĩa vừa phải trông con, vừa giặt giũ, nấu nướng. Tôi bảo hay thuê giúp việc, nhưng cậu ấy không yên tâm, cứ muốn tự làm hết", ông Lê Trung Dũng, 62 tuổi, anh trai bà Khánh, kể.
Bà Khánh thích mở các bài nhạc trẻ trên ti vi để hai mẹ con cùng nghe, còn ông Nghĩa lại thích thơ ca. Ông lên mạng, chép các bài hát ru Bắc Bộ vào một cuốn sổ tay, học thuộc lòng để ru con.
Hàng ngày, bà Khánh nấu bột cho con gái ăn dặm, còn ông Nghĩa chuẩn bị cơm cho 2 vợ chồng, giặt giũ cho cả nhà. Ảnh: Phạm Nga. |
Để con được ở bên mẹ nhiều hơn, ông Nghĩa đến cơ quan vợ xin cho bà Khánh nghỉ việc không lương thêm 6 tháng. Thỉnh thoảng, ông đèo vợ bằng xe máy, hoặc đón taxi để cả nhà đi công viên. Đi đến đâu, họ cũng bị nhầm là ông, bà của bé Thỏ.
Thu nhập và lương hưu giúp cuộc sống của họ không quá chật vật. Tuy nhiên, vì muốn vợ con thoải mái hơn, vài tháng tới, ông sẽ xin đi chăm sóc cây cảnh cho một đơn vị ở Long Biên.
Phạm Nga
0 nhận xét:
Đăng nhận xét