Chị Vũ Linh (Trung Quốc) đi bên cạnh con gái bị khiếm thị hầu hết thời gian trong ngày, nhưng không hé miệng để con biết.
Buổi sáng, đường phố ở Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang nhộn nhịp người, một cô bé mù với mái tóc đuôi ngựa, khuôn mặt tròn cầm gậy gõ xuống mặt đường để đi một cách thận trọng.
Gõ lên một vũng nước nhỏ, cô nhanh chóng né, gõ trúng lốp xe bên lề đường, cô từ từ đưa tay trái để xác định vật thể, tiếp tục tránh và đi.
Ở Cáp Nhĩ Tân, vỉa hè thoáng, người khiếm thị có thể dễ dàng di chuyển. Ảnh: Sohu. |
96 bước, 368 mét, con đường đi học 15 phút này là điều tự hào nhất của Thanh Lịch (11 tuổi). 5 năm trước, cô bé được mẹ cho đến Cáp Nhĩ Tân để học trường giáo dục đặc biệt, và ở một căn nhà thuê cạnh trường.
Từ ngày đầu tiên Thanh Lịch bước ra thế giới, người mẹ trẻ đã âm thầm đi bên cạnh. Không xa, không gần, bà mẹ luôn duy trì khoảng cách 2-4 mét.
"Đi gần, tôi sợ con gái nghe, còn ở xa, tôi lo lắng rằng mình không kịp cảnh báo nguy hiểm cho con. Tôi muốn con tự bước đi và khám phá cuộc sống như những người bình thường", chị Vũ Linh (33 tuổi), mẹ Thanh Lịch, chia sẻ.
Mỗi lần đến ngã tư, người mẹ phải chạy trước, giơ tay xin đường. Khi con gái đến trường, người mẹ cũng cẩn thận nhờ các bạn dắt Thanh Lịch vào. Cứ thế, Thanh Lịch gần như quen với mọi thứ xung quanh mình và luôn cảm thấy an tâm.
Chị Vũ Linh chấp nhận bỏ công việc ổn định ở quê để cho con có môi trường học tập tốt. Ảnh: Sohu. |
Mỗi tối trở về nhà, Thanh Lịch lại cùng mẹ ôn lại các bài kiểm tra phản ứng như ở trên đường có những gì, cách nhận biết các loại xe...Nhờ vậy, ngoài con đường đến trường học, Thanh Lịch có thể giúp mẹ đi đến những cửa hàng gần nhà để mua đồ ăn, vật dụng gia đình...
Có những lúc Thanh Lịch đứng ở ngã tư khóc vì mất phương hướng, cô bé lấy điện thoại ra gọi mẹ. Người mẹ cấp tốc chạy tới nhưng vẫn đứng xa rồi chỉ con hướng về nhà.
Hiện tại, cô bé đã có thể sử dụng la bàn dành cho người khiếm thị để xác định phương hướng và ngày càng tự tin hơn trong với những bước chân tới trường. Vì vậy, chị Vũ Linh quyết định sẽ cho con đi một mình một cách thực sự.
Để theo kèm con từng phút như vậy, người mẹ này đã phải bỏ nhiều công việc tốt, mất nguồn thu nhập. Mọi chi tiêu trong gia đình đều từ người bố ở quê gửi lên. Chị cho rằng, dù ở thành phố khá đông đúc, nhưng vẫn có đường đi dành cho con. Hơn nữa, bạn bè ở đây không kỳ thị, xa lánh, con gái chị sẽ không chịu nhiều tổn thương trong suy nghĩ.
"Tôi biết, đây không phải là con đường duy nhất trong đời con gái. Sẽ có một ngày con bé bước ra một thế giới hoàn toàn khác lạ. Hy vọng Thanh Lịch có thể đối mặt với nó một mình", chị Vũ Linh nói.
Trọng Nghĩa (Theo Sohu)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét