Theo cách tính tuổi của người Hàn Quốc, cứ sang năm mới, mọi người đều tính thêm một tuổi, dù vừa được sinh ra.
Cô bé Lee Yoon-seol ra đời 2 tiếng trước giờ khắc đón chào năm mới 2019. Bước sang ngày 1/1, cô bé đã được tính 2 tuổi. Mọi em bé sinh ra ở Hàn Quốc năm 2018 đều được tính 2 tuổi vào ngày đầu tiên năm 2019, theo Japantimes.
Con gái anh Lee sinh ra lúc 10 giờ đêm ngày 31/12/2018. Một giờ sau, anh chia sẻ tin vui tới mọi người trên mạng xã hội và nhận được nhiều lời chúc mừng.
"Một giờ tiếp theo năm mới bắt đầu, họ lại gọi điện để chúc mừng con gái tôi đã 2 tuổi. Lúc đó tôi nghĩ à đúng rồi, con gái tôi giờ đây đã lên 2, mặc dù mới chào đời 2 tiếng trước. Điều gì đang xảy ra thế", Lee, ông bố 32 tuổi, thực chất là 34 tuổi ở Hàn Quốc, chia sẻ.
Theo cách tính tuổi của người Hàn, các em bé được tính một tuổi vào ngày sinh và sau đó được tính thêm một tuổi nữa khi lịch bắt đầu vào ngày 1/1.
Chưa ai lý giải đầy đủ về cách tính tuổi độc đáo của Hàn Quốc, dù cho có một vài giả thiết như: Ngày em bé chào đời đã được tính là một tuổi, có lẽ vì người ta tính luôn cả thời gian 9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ. Hoặc là do hệ thống số đếm của người Á Đông thời cổ không có khái niệm về số 0.
Theo nhà nghiên cứu Jung Yon-hak tại Bảo tàng Dân gian Quốc gia Hàn Quốc, có thể là người Hàn Quốc cổ đại không có lịch thường xuyên, không quan tâm nhiều đến ngày cụ thể họ được sinh ra, chỉ quan trọng năm. Vì vậy họ chủ yếu đánh dấu một năm tuổi vào ngày tết.
![]() |
Cô bé Lee Yoon-seol được tính 2 tuổi dù mới sinh trước năm mới 2 tiếng. Ảnh: Japantimes. |
Ahn Chang-gun, đến từ thành phố phía đông nam GimHae, cho biết anh cảm thấy trống rỗng khi đứa con đầu lòng của anh được tính 2 tuổi vào ngày 1/1/2013, khoảng hai tuần sau khi vợ anh sinh con, sau 8 năm kết hôn. "Đứa con là thứ vô cùng quý giá vì mãi chúng tôi mới có được, nhưng tôi cảm thấy như hai năm bất ngờ đã trôi qua và tôi đã không làm bất cứ điều gì cho con tôi", anh Ahn nói.
Cha mẹ có em bé được sinh ra vào tháng 12 thường lo lắng về việc con cái họ bị tụt lại phía sau những đứa trẻ khác được sinh ra sớm hơn cùng năm, dù những lo lắng dần biến mất khi con cái trưởng thành và già đi.
Hầu hết người Hàn Quốc chỉ đơn giản là quen sống với hai cách tính tuổi, tuổi quốc tế và tuổi Hàn. Họ sẽ tổ chức sinh nhật vào ngày họ được sinh ra. Những người trẻ tuổi tự coi mình thêm một tuổi nữa vào ngày Tết, trong khi những người lớn tuổi hơn thường sử dụng ngày Tết âm lịch. Nhiều nhà hàng gia đình không tính phí cho trẻ sơ sinh nếu chúng từ 36 tháng tuổi trở xuống, vì vậy cha mẹ thường tính toán cho trẻ sơ sinh của họ theo phương pháp phương Tây khi đưa con đi ăn ngoài.
Một số người Hàn Quốc vẫn lo lắng rằng việc làm này khiến quốc gia của họ có chút kỳ quặc trong mắt bạn bè quốc tế. Một số cảm thấy bối rối khi gặp gỡ với người nước ngoài. Các nhà báo nước ngoài ở Seoul thường phải hỏi người Hàn Quốc họ sinh năm và tháng nào để tính tuổi phương Tây cho những câu chuyện, bản tin thời sự.
Triều Tiên sử dụng hệ thống tính toán tuổi theo phương Tây, nhưng họ tuân theo lịch riêng của họ. Hàn Quốc cũng chính thức sử dụng cách tính tuổi kiểu phương Tây từ đầu những năm 1960, nhưng người dân vẫn có thói quen tính theo cách cũ. Vào tháng 1, nhà lập pháp Hwang Ju-hong đã đệ trình một dự luật nhằm yêu cầu chính phủ đưa tuổi quốc tế vào các tài liệu chính thức và khuyến khích công dân tính tuổi theo cách này để phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Nhiều người dân Hàn bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất này. Cô Choi Min Kyung, sếp một công ty lữ hành, 26 tuổi theo cách tính phương Tây, nhưng đã 28 tuổi theo cách tính truyền thống.
"Thật tốt nếu bây giờ bỏ đi cách tính tuổi kiểu xưa. Như vậy tôi sẽ trẻ ra 2 tuổi, một lợi thế không nhỏ để hẹn hò qua mạng. Giữa 26 tuổi với 28 tuổi là sự cách biệt khá lớn đấy", Choi nói.
Mộc Miên (theo Japantimes)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét