Nhà tích hợp bách hoá, trường học, sân rộng gấp 1,5 chiều cao nhà... sống ở tập thể Kim Liên là niềm mơ ước một thời của người thủ đô.
Dạo qua những con phố tấp nập như Đông Tác, Lương Định Của, Hoàng Tích Trí, Phạm Ngọc Thạch... khó có thể hình dung trước đây đều được quy hoạch trong khu tập thể Kim Liên. Ngày nay Tập thể Kim Liên thuộc ba phường: Khu A là khách sạn Kim Liên thuộc phường Phương Mai, khu B, C là Kim Liên ngày nay và trường mầm non hữu nghị Việt - Triều thuộc phường Trung Tự.
Theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm (phó chủ tịch hội phát triển đô thị Việt Nam, nguyên giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội), ở giai đoạn 1954-1965, Việt Nam đã nhờ được nhiều chuyên gia các nước xã hội chủ nghĩa xây dựng nhà tập thể, trong đó Khu Kim Liên được chuyên gia Triều Tiên hỗ trợ xây những năm 1959-1965.
Nơi đây gồm 38 dãy nhà 4 tầng và một số công trình công cộng, chứa được 2.600 hộ, với tiêu chuẩn 8 m2/người. Đây được xem là khu tập thể tương đối rộng rãi và khang trang thời bấy giờ.
Tòa b5, khu tập thể Kim Liên. Ảnh: P.D. |
"Một căn hộ tiêu chuẩn Triều Tiên xây hơn 50m2 có hai buồng. Theo nhu cầu đất nước ta thời đó đã chia một căn hộ cho hai gia đình, dùng chung bếp, chung nhà tắm", ông Đỗ Văn Yên, 76 tuổi, trưởng ban bảo vệ trật tự phường Kim Liên hào hứng giới thiệu về nơi sinh sống của gia đình hơn nửa thập kỷ qua.
Căn hộ của gia đình ông hơn 25m2, vốn được chia đôi với hộ bên cạnh. "Ngày ấy cuộc sống thiếu thốn, các gia đình đoàn kết, bếp nhà ai người ấy đun, tắm rửa thì chờ nhau. Ăn uống thì cũng không có gì khác cả, bởi tất cả đều mua ở bách hóa gần đó. Còn nhớ những hôm bách hóa nhập cá thì cả khu tập thể dậy mùi", ông nói. Khu bách hoá chính là dãy nhà 2 tầng mặt phố Lương Định Của ngày nay.
Sau năm 1990, các căn hộ ban đầu đã xây tường ngăn riêng, bếp, nhà tắm cũng chia riêng. Trước tốc độ đô thị hoá của Hà Nội, tập thể Kim Liên đã hình thành một quần thể dân cư đông đúc, buộc người dân phải cơi nới tạo thành các khu "chuồng cọp" để sinh hoạt. Kiến trúc ban đầu thay đổi khá nhiều, song ông Yên vẫn thấy cốt nhà còn chắc chắn, tường hầu như không hề nứt nẻ, những song sắt, cánh cửa gỗ vẫn còn nguyên vẹn.
Sân giữa hai toà nhà tập thể rộng rãi, trồng nhiều cây xanh và từng là nơi đặt các xà đơn, khuyến khích người dân tập thể dục. Ảnh: P.D. |
Sống ở tập thể Kim Liên từ những ngày đầu thành lập, ông Nguyễn Mạnh Hồng, 73 tuổi - người trông coi khu tưởng niệm những lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm nơi đây - cho hay, ý định xây dựng tập thể Kim Liên xuất phát từ lần Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Triều Tiên năm 1957. Thấy nước bạn có những khu nhà khép kín với nhà ở, bách hoá, nhà trẻ, sân chơi, trạm y tế..., người mong muốn Việt Nam cũng có một mô hình như vậy cho những cán bộ kháng chiến từ Việt Bắc trở về vẫn đang chưa có nhà ở, nên đề nghị Triều Tiên hỗ trợ xây dựng.
Gia đình ông Hồng với 7 người hiện sống trong căn hộ khoảng 50m2. Có thể với người khác thấy chật chội, song ông luôn tự hào được sống ở một trong những khu tập thể đầu tiên của Việt Nam. "Đến tận bây giờ nhà vẫn bền, khuôn viên vẫn đẹp, chỉ hơi lỗi mốt", ông nói.
Một góc cầu thang vẫn giữ được nguyên bản. Ảnh: P.D. |
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm phân tích, khu tập thể Kim Liên được xây theo cấu trúc tiểu khu khép kín, với đầy đủ các công năng gồm nhà ở, nhà ăn, bách hoá, trường học, khu dành cho người độc thân.
"Kiến trúc tiểu khu sau này đã phát huy được thế mạnh của nó. Đặc biệt là khu A vốn được các chuyên gia Triều Tiên xây hoàn toàn, có bộ cục rộng rãi, khuôn viên cây xanh nhiều, tạo điều kiện xây dựng thành khách sạn Kim Liên như hiện tại. Nhà trẻ Việt Triều cũng có cấu trúc đặc thù, bố cục rộng rãi, thông thoáng", kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm phân tích.
Nhiếp ảnh gia, hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn từng nghiên cứu về các nhà tập thể ở Hà Nội. Ông hiện có một con tem nằm trong bộ sưu tập những biểu tượng xã hội chủ nghĩa. Trên con tem là hình ảnh Khu tập thể Kim Liên. "Nhóm của chúng tôi đối chiếu thì thấy tập thể Kim Liên rất giống kiến trúc nguyên bản nhà tập thể của Triều Tiên", ông Sơn cho biết.
Con tem lưu giữ hình ảnh nguyên bản khu tập thể Kim Liên (trên) và nhà tập thể ở Triều Tiên (dưới). Ảnh: Nguyễn Thế Sơn cung cấp. |
Theo ông Sơn, đó chính là những dãy nhà chạy song song và có sân giữa các toà rất rộng. Thường sân rộng gấp 1,5 chiều cao nhà (các toà tập thể Kim Liên cao 4 tầng). "Họ tính toán nếu Hà Nội xảy ra động đất thì hai dãy nhà dù có đổ ụp vẫn còn khoảng trống và người dân ở khoảng trống đó sẽ an toàn tính mạng", họa sĩ Thế Sơn cho biết thêm.
Cấu trúc tiểu khu mang lại hiệu quả rất thực tế, 3 phút ra đến bách hoá, 10 phút có thể đưa trẻ em đến nhà trẻ...
Sau 60 năm, khu tập thể đã xuống cấp. Chính quyền thành phố đã phê duyệt kế hoạch cải tạo Kim Liên. Với những gia đình đã sống trọn một đời như ông Hồng, ông Yên có chút gì nuối tiếc...
Phan Dương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét