Ba ngày sau lễ cưới tại Triều Tiên, ông Cảnh đón tàu hỏa đưa vợ về nước, trong tâm trạng lo lắng chỉ sợ bà sẽ bị giữ lại.
Sau hơn 30 năm nỗ lực, năm 2002, ông Phạm Ngọc Cảnh đã được chính phủ Triều Tiên cho phép kết hôn với bà Ri Yong Hui - một công dân của đất nước này. Tuy nhiên, dù đã được nắm tay vợ trong ngày cưới ở đại sứ quán Việt Nam tại Triều Tiên, ông vẫn lo sợ chỉ một lời nói, một hành động không phù hợp với văn hóa nước này, bà Ri sẽ bị giữ lại. Điều đó đồng nghĩa họ sẽ đánh mất tình yêu dùng cả thanh xuân mới có được.
Sau đám cưới, đôi vợ chồng son đón tàu hỏa rời Triều Tiên đến Bắc Kinh, rồi từ Bắc Kinh đi tàu về Việt Nam. Dù có vô vàn tâm tư muốn chia sẻ với vợ nhưng ông Cảnh suy tính im lặng là giải pháp tốt nhất ở chặng đầu tiên.
"Chủ trương của tôi là không nói năng gì hết. Chỉ khi nào lên tàu ra khỏi Triều Tiên mới nói chuyện. Ngay cả khi đã ra khỏi Triều Tiên rồi, nếu toa tàu tới Bắc Kinh vẫn do Triều Tiên quản lý, chúng tôi cũng không nói gì với nhau. 31 năm còn chờ đợi được, huống chi 24 giờ đồng hồ", ông Cảnh nhớ lại.
Tuy nhiên, mọi lo lắng của ông đã được giải quyết khi toa tàu họ lên do phía Trung Quốc quản lý. Cặp vợ chồng tuổi ngoài 50 thở phào. Họ vui vẻ ăn uống, sẵn sàng chia sẻ chuyện tình của mình và nhận lời chúc phúc từ những người xa lạ.
Ông Phạm Ngọc Cảnh và người vợ Triều Tiên mới cưới được 5 ngày trên chuyến tàu trở về Việt Nam ngày 25/10/2002. Họ nhận lời chúc phúc của một vị khách, người cũng yêu một cô gái Triều Tiên nhưng đành bỏ cuộc vì các rào cản. |
Ông Cảnh vẫn nhớ, một vị khách người Cu Ba khi nghe câu chuyện tình yêu của họ đã tỏ ra rất khâm phục. Vị này nâng ly cùng vợ chồng ông và kể từng phải lòng một cô gái Triều Tiên, nhưng không vượt qua được những luật lệ nên đành chôn chặt tình cảm.
Sau khi kết hôn, ông Cảnh đã có 2 lần trở lại quê vợ. Lần nào họ cũng chuẩn bị mì tôm, thuốc bổ và quần áo, vải vóc... làm quà cho người thân của bà Ri.
Lần đầu tiên là năm 2010. Chuyến đi này được thực hiện một phần vì bà Ri Yong Hui tâm sự với chồng nỗi nhớ quê hương, phần vì họ được nhắc nhở, một công dân không được quên tổ quốc mình.
Từng có hơn 5 năm sống và học tập tại Triều Tiên, giờ lại là con rể, ông Cảnh đã được trải nghiệm nhiều những khác biệt văn hóa nơi đây.
Khi đến thủ đô Bình Nhưỡng, họ nghỉ tại khách sạn do Ủy ban Triều kiều hải ngoại bố trí. Sau đó, những người thân của bà Ri Yong Hui được chính quyền đưa từ quê lên thủ đô thăm vợ chồng ông Cảnh. "Những người ở các địa phương muốn về Bình Nhưỡng phải được chính quyền cấp giấy phép. Ngược lại, nếu người thủ đô muốn đi đến các tỉnh, phải được sự đồng ý của chính quyền", người đàn ông 69 tuổi kể.
Chuyến thăm quê này, theo định hướng của phía Triều Tiên, họ chỉ dừng chân ở thủ đô Bình Nhưỡng. Tại đây, vợ chồng ông được đưa đi thăm, tặng hoa cho các tượng đài lãnh tụ của đất nước, thăm quan trường đại học tổng hợp Kim Nhật Thành...
Chuyến đi thứ 2 hồi hương cùng chồng của bà Ri Yong Hui vào năm 2017. Lần này, vợ chồng ông Cảnh xin giấy phép về quận Hưng Nam, thành phố Hàm Hưng - nơi bà Ri Yong Hui sinh ra. "Ngôi nhà trước đây mẹ và Hui sống giờ là nơi ở của vợ chồng một người cháu. Đó là một căn nhà nhỏ rộng chỉ khoảng 8 - 9m2, lợp ngói giống ngói âm dương của Việt Nam và như những nhà khác ở đây, nó không có nhà vệ sinh riêng", ông Cảnh nhớ lại. Những người trong gia đình khi có nhu cầu đều phải đến nhà vệ sinh công cộng.
Là khách quý, ông Cảnh được mời một tô cơm trắng đầy, so với những bát cơm độn của người dân nơi đây. Một tuần ở quê vợ, chàng rể Việt được chiêu đãi chủ yếu là đậu phụ, trứng chiên và canh dưa. Ông cũng chỉ quanh quẩn trong nhà vì đường phố hầu như không có hàng quán. Ngoài vợ, ông không biết trò chuyện cùng ai vì những người thân của bà Ri tỏ ra khá dè dặt với người của quốc gia khác, trong bối cảnh không có internet.
Gần 40 năm mới trở lại ngôi nhà nơi vợ sinh ra, nhưng những mái nhà, những con đường nhuốm màu thời gian vẫn ở đó, cũ kỹ, nguyên vẹn.
"Ngày xưa, khi chúng tôi yêu nhau, để gặp được Hui, suốt nhiều tháng liền tôi phải cải trang thành thanh niên Triều Tiên và đi xe buýt rồi đi bộ 2km đến nhà cô ấy. Lúc nào cũng canh cánh sợ nhưng không hiểu sao lúc đó chúng tôi lại có nhiều động lực đến thế", ông Cảnh cười khi hồi tưởng lại những ngày thanh xuân.
Bà Ri Yong Hui là một phụ nữ trầm lặng, truyền thống. Hàng ngày, bà dành hầu hết thời gian vun vén cho tổ ấm nhỏ ở Thành Công (Hà Nội), học ngoại ngữ Anh, Trung và đọc tin tức về quê nhà trên điện thoại. Ảnh: Nhật Minh. |
Khác biệt của Triều Tiên, ông Cảnh đã biết rõ từ những ngày còn học tập ở đây thủa mới đôi mươi. Tuy nhiên, tình yêu với người con gái ở đất nước này đã khiến ông thân quen và yêu đến hết lòng.
"Có lần hai anh em tâm sự với nhau, tôi bảo Cảnh ‘sao mày không lấy vợ đi’, cậu ấy cười, bảo ‘ngoài cô gái Triều Tiên Ri Yong Hui, em chẳng lấy ai đâu’", ông Hoàng Vĩnh Giang, nguyên giám đốc Sở Thể dục thể thao Hà Nội kể về người đồng nghiệp cũ.
Ông Phạm Ngọc Cảnh quen bà Ri Yong Hui ở Triều Tiên năm 1971 khi sang đây học tập. Họ yêu nhau nhưng phải xa nhau hơn 30 năm do những biến động chính trị ở hai nước. Sau , chính phủ Triều Tiên đã đồng ý cho họ kết hôn năm 2002, từ đó bà Ri theo chồng sang Việt Nam.
Nhật Minh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét