Gia chủ không dám vào ở, hàng xóm xung quanh cũng được yêu cầu dọn khỏi nhà vào buổi tối để an toàn.
Ngôi nhà 5 tầng, nằm ở xóm Báng, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam mới xây xong đã bị nghiêng về bên phải khá nghiêm trọng. Tính từ tầng 5 xuống tầng 1, độ nghiêng khoảng 1 mét.
Ngôi nhà bị nghiêng ở Hà Nam. Ảnh: Facebook. |
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Quang Phi, Chủ tịch UBND xã Đức Lý xác nhận, ngôi nhà thuộc sở hữu của một cặp vợ chồng làm nghề may và có một xưởng trong làng, vừa xây xong khoảng một tháng, sau khi hoàn thành mới có dấu hiệu nghiêng. Để đảm bảo an toàn về người, địa phương đã yêu cầu chủ nhà không được vào ở, những hộ xung quanh cũng phải dọn đồ đạc, không được ngủ tại nhà vào buổi tối, đề phòng sự cố, sập đổ.
Theo ông Phi, nguyên nhân nhà nghiêng là do gia đình và thợ thi công xử lý vấn đề nền móng không tốt. Trước đây, ở địa phương chưa có ngôi nhà nào bị nghiêng như vậy. Nếu không xử lý được tình trạng nghiêng, chủ nhà sẽ được yêu cầu phải phá bỏ.
Nhà nghiêng, lún sau khi hoàn thiện, thậm chí từng xuất hiện tại nhiều địa phương. Theo thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền, nguyên giảng viên trường đại học Kiến trúc TP HCM, nguyên nhân chính khiến nhà nghiêng, lún thường do khảo sát địa chất không kỹ. Cùng một khu đất nhưng các tầng địa chất khác nhau, nếu xử lý nền móng không đúng mức sẽ dẫn đến lún không đều, gây nghiêng. Làm nhà không có tư vấn thiết kế, tự thuê thợ và áng chừng làm theo thói quen, dẫn đến hệ kết cấu không đáp ứng được tải trọng, không phù hợp nền đất yếu cũng dẫn đến nghiêng. Ngoài ra, nhiều trường hợp do nhà hàng xóm kế bên thi công sau, đào móng quá sâu, không có giải pháp thi công đúng kỹ thuật, dẫn đến làm tuột móng nhà bên cạnh.
Ông Truyền khuyên, muốn ngăn ngừa sự cố nghiêng, lún, trước khi thiết kế và thi công, cần khảo sát địa chất khu đất, công trình càng lớn càng phải cẩn trọng hơn.
Về nguyên tắc, mỗi công trình phải khoan khảo sát địa chất tối thiểu 3 lỗ đại diện 3 khu vực tiêu biểu. Công trình lớn và nằm trên khu đất yếu thì không nên bỏ qua bước này. "Hầu hết khi làm nhà phố, nhà ở riêng lẻ, các chủ đầu tư vì muốn tiết kiệm chi phí nên thường bỏ qua bước này", ông Truyền nhận xét.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng không được tự ý nâng tầng, tăng quy mô công trình, tăng tải trọng sau khi đã được thiết kế và thi công. Trong trường hợp thật cần thiết thì phải báo cho đơn vị thiết kế biết để có những biện pháp gia cường hợp lý.
Ông Truyền cho rằng muốn khắc phục sự cố khi công trình bị nghiêng, chủ đầu tư nên thuê đơn vị có năng lực kiểm định đánh giá khả năng chịu lực của kết cấu hiện hữu của toàn bộ công trình, của phần móng, phần thân. Chỉ có thể gia cố thêm móng và phục chế nghiêng khi công trình đó đạt yêu cầu về khả năng chịu lực. Nếu đánh giá là cấu kiện đó không đạt yêu cầu thì buộc phải tháo dỡ, phá hủy.
Thái Bình
0 nhận xét:
Đăng nhận xét