Cây bị sâu đục rỗng, có chỗ gần như đứt gãy, tỷ lệ sống chỉ còn 10%, nhưng sau 3 ngày được cứu, cây đã nảy chồi trở lại.
Một ngày đầu tháng 10/2018, một cuộc điện thoại gọi đến ông Trần Ngọc Nam - giám đốc một công ty trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ khí, xử lý chất thải, có trụ sở ở Vũng Tàu - khẩn thiết nói về cây trường xanh 60 năm tuổi trong Khu di tích Phủ Chủ tịch bị sâu đục thân tấn công, sắp không trụ được nữa. Cây do Hồ chủ tịch trồng và gắn bó những năm cuối đời.
Cây có 4 cành lớn thì 3 cành bị đục rỗng, vỏ hỏng, gỗ bên trong bị khô. Tất cả lá đều nhỏ đi, quăn queo, có hiện tượng lá non trên một số cành bị chết. Trên thân cây có nhiều lỗ bị mọt đục, nấm.
Cây trường xanh trước khi được tháo lớp bê tông che phủ. Ảnh: Ngọc Nam. |
"Dù tuổi chưa già nhưng cây bị yếu. Lá không bình thường dẫn tới không hấp thụ dinh dưỡng nuôi cây được. Gần 2/3 bộ rễ nằm dưới bê tông và gạch trong thời gian rất dài, không được hít thở nắng gió, là tác nhân khiến bộ rễ yếu hơn. Cây chỉ còn khoảng 10% sự sống, nguy cơ cao sẽ chết trong thời gian ngắn", ông Nam phân tích.
Trước đó, nhiều giải pháp được tiến hành để cứu nhưng được một thời gian là cây lại có sâu bệnh, ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Khu di tích Phủ Chủ tịch, cho biết.
Từng có kinh nghiệm hồi sinh những vườn bưởi, thanh long, cà phê, đặc biệt cứu hàng nghìn hecta hồ tiêu của vùng đất Tây Nguyên bị sâu bệnh năm 2017- 2018, ông Trần Ngọc Nam tự tin nhận nhiệm vụ này. Tuy nhiên, dấn thân vào ông mới thấy khó khăn. Đầu tiên ông hỏi những giáo sư nông nghiệp về cây trường xanh, rồi hỏi thêm cả những ông trùm cây cảnh phòng trường hợp phải ghép cây, nhưng ai cũng lắc đầu không biết ở đâu có cây này.
Nửa tháng ròng, ông Nam cùng 10 cộng sự họp bàn các phương pháp diệt sạch sâu đục thân, lắp khung cho cây bằng chất liệu gì, loại keo nào để hàn gắn vết thương, giúp cây có thể tồn tại vài trăm năm cũng không bị ảnh hưởng... "Đã cứu rất nhiều cây nhưng chưa bao giờ trong đời tôi phải trải qua thử thách khắc nghiệt như vậy", ông Nam tâm sự.
Sáng 25/10/2018, họ tháo khối bê tông đắp lên thân cây trước đó, để lộ ra lõi cây yếu ớt, phần gốc nằm sâu dưới lòng đất cả mét đã bị sâu đục rỗng. Có đoạn rễ bị sâu ăn ngỡ như sắp đứt lìa.
"Lúc đó tôi lạnh cả người. Tôi suy nghĩ, đến 1h sáng lóe ra ý tưởng dùng một vít vặn vào trong phần thân cây bị gãy. Để kịp thời gian, anh em phải mài thanh inox trong đêm để chống trong thân cây", ông Nam nhớ lại.
Nhóm cứu hộ sau khi khoét bỏ hết các phần sâu, mục, thì lắp khung bên trong thân cây. Ảnh: Ngọc Nam. |
Một cái khung inox được đặt vào trong để chống đỡ thân cây. Tiếp đó, họ dùng lớp keo chống nóng đặc biệt và phụ gia để "đắp da, đắp thịt" cho phần bị hỏng. Sau cùng, nhóm cứu hộ bón cho cây một loại phân đặc biệt chuyên giúp hồi sinh những vườn quả.
Làm xong nhóm cứu hộ về đi nghỉ. "Giữa đêm một anh thợ đột nhiên nhớ ra, bảo: 'Anh Nam ơi, cây bốc khói rồi'. Tôi hoảng quá, triệu tập các anh em lại bàn kế sách. Dù suốt quá trình chúng tôi đã vừa hàn vừa dội nước để tránh cây bị nóng, nhưng quả thật trước nay cây chưa từng trải qua sức nóng như vậy", ông Nam kể.
Vậy là 5h sáng hôm sau ông đã bật dậy, chạy ngay ra xem và thấy tạm yên tâm khi không có sự cố gì.
Cây trường xanh lộ thân mục ruỗng gần hết trước khi được cứu (trái) và sau khi được bồi da đắp thịt (phải). Ảnh: Ngọc Nam. |
Đến nay, sau gần 3 tháng, cây trường xanh đã đâm lộc. Được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa vì kết quả này, ông Nam xem đây là 'Vinh dự nhất cuộc đời nhưng cũng là lần khắc nghiệt nhất mà tôi phải chịu!".
"Sau khi cứu cây, ông Nam nói một tuần cây sẽ tươi tốt, nhưng chúng tôi thấy chỉ 3 ngày sau là cây đã đâm trồi", ông Công cho biết thêm.
Vân Anh - Bảo Nhiên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét