Chủ nhân của chiếc bàn - ông Phạm Tường Minh (50 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) - cho biết bàn được làm từ đá malachite lục hay còn gọi là đá lông công, chuyên dùng để ốp bề mặt các bức tường ở cung điện lớn trên thế giới như điện Kremlin và cung điện Mùa đông ở Nga.
Đá lông công thuộc nhóm đá cứng - những loại đá có thang độ cứng trên 5, thủy tinh không thể cắt xước, chịu lực tốt, nhưng trọng lượng không đáng kể.
Bàn được bán với giá cao song vẫn chưa kèm theo ghế. Ảnh: Trọng Nghĩa. |
Để có được hơn 150 miếng ghép làm thành bề mặt bàn, ông Minh cho biết mất hơn 3 năm sưu tầm 400 kg đá từ nước ngoài và thêm nửa năm để chọn lọc và ghép các miếng lại với nhau. Tác phẩm có đường kính chỉ khoảng 70 cm, nặng chưa đến 80 kg, được chủ nhân đề giá 500 triệu đồng.
"Muốn có được một chiếc bàn ưng ý, đá lông công phải được chọn một cách gắt gao vì hầu hết bề mặt của chúng đều có vết rỗ. Hiện tại, đá lông công còn được xem là loại đá cảnh hạng nhất vì màu sắc và độ bóng. Tôi là người may mắn mới tìm được những tảng có kích thước chuẩn để làm chiếc bàn này", ông Minh chia sẻ.
Độ bóng của mặt bàn đã nâng tầm giá trị của sản phẩm. Ảnh: Trọng Nghĩa. |
Tác phẩm mang tên Tâm nhãn - ý tưởng về một đóa hoa đang thì nở rộ nhất. Điểm nhấn là con mắt ở phần trung tâm, một họa tiết hoàn toàn tự nhiên mà ông Minh vô tình tìm được.
Ông Nguyễn Văn Mỹ (chủ tịch Hội Đá cảnh, đá phong thủy Việt Nam) nhận định: "Tâm nhãn có giá trị cao bởi vì trong tự nhiên, hiếm có khối đá malachite nào có độ dày lý tưởng như vậy. Ở Việt Nam, có những chiếc bàn bằng đá có giá thành cao hơn, nhưng chiếc bàn này vẫn là một trong những tác phẩm nổi bật".
Nguyên mẫu của đá malachite có niên đại hàng trăm năm - chất liệu chính của chiếc bàn. Ảnh: Trọng Nghĩa. |
Ông Mỹ cũng cho biết bàn có độ dày khoảng 10cm, độ cứng ở thang 7, "vì thế có thể nói tác phẩm trường tồn, không hề chịu sự chi phối của các tác nhân bên ngoài, trừ phi có lực mạnh tác động bằng vật cứng hơn".
Trọng Nghĩa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét