Từ ngôi nhà cấp 4 rộng 180m2 với những mảng tường bong tróc, nền nhà ẩm mốc và công trình phụ xuống cấp, qua ba tháng cải tạo, không gian sống đã trở nên nhiều ánh sáng hơn, nội thất tiện nghi mang phong cách hiện đại nhờ gam màu trắng đen. Gia chủ trẻ thậm chí không nhận ra tổ ấm cũ của mình.
Khó khăn lớn nhất mà KTS Phạm Minh Nhật gặp phải khi cải tạo nhà là phần thô đã xuống cấp trầm trọng. Ưu điểm là các căn phòng được thiết kế vuông vức, bố trí hợp lý nên kiến trúc sư đã giữ nguyên kết cấu, tạo lại đường đi giữa một số phòng và sử dụng vật liệu kính để lấy sáng.
Công trình sử dụng phần lớn màu trắng để tạo cảm giác mới, sạch cho không gian, một phần màu đen để tạo nên những mảng tương phản và chia tách không gian. Một số đồ nội thất gỗ giúp tránh đơn điệu. Những khoảng trống được tận dụng để làm không gian xanh, tạo cảm giác gần gũi thiên nhiên, tươi mới.
Phòng khách được làm thêm khung cửa sổ lớn để ngồi trong nhà vẫn có thể nhìn ngắm vườn. Cửa sổ cũ được bít lại để mảng tường chính đủ không gian đặt tivi và trang trí. Một cửa sổ khác được trổ ở gần vị trí đó để trong nhà vẫn có luồng gió vào khi cần.
Phòng ngủ dự phòng thay vì xây bằng từ trên xuống dưới như trước (khiến hành lang hơi đơn điệu và ngộp), kiến trúc sư quyết định thụt vào một chút, để chừa một khoảng đặt cây xanh, giúp khu vực hành lang thoáng hơn và có thêm mảng xanh ở trong nhà.
Ở phòng bếp, quầy chế biến được quay ra ra phía ngoài, để khi nấu nướng gia chủ có thể trò chuyện với bạn bè, người thân, đồng thời cũng khiến bếp gọn gàng hơn. Bếp còn được sử dụng như mặt bar để dùng những bữa ăn nhanh.
Truyền thống ở Việt Nam, các gia đình khi có tiệc hay lễ, ngoài bếp còn cần có một không gian rộng hơn để chế biến rộng rãi nên kiến trúc sư cũng chừa thêm một khoảng trống trong nhà để đáp ứng nhu cầu của khách.
Thái Bình
Ảnh: Phạm Nhật Minh
About Unknown
0 nhận xét:
Đăng nhận xét